(ĐHVO). Cuộc sống hiện đại với guồng quay chóng mặt, cuốn nhiều phụ huynh lao vào công việc, không còn thời gian để ngó ngàng đến con cái. Điều này khiến trẻ thấy mình cô đơn, lạc lõng trong chính gia đình mình.
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổng cục Thống kê khi điều tra về những vấn đề gia đình tại Việt Nam đã chỉ ra rằng: Có tới 20% các ông bố và 7% bà mẹ Việt không có tới 30 phút để dạy dỗ, nuôi dưỡng con cái mỗi ngày. Vậy mà từ xưa đến nay, gia đình luôn được coi là tổ ấm, cha mẹ là chỗ dựa tinh thần chủ đạo của con cái. Các con bị chính cha mẹ mình đẩy vào nỗi cô đơn. Vì thế, làm sao con có thể tìm thấy sự tin tưởng vào ai khác được. Nhưng chỉ vì quá bận rộn với công việc và với suy nghĩ miễn là lo cho con cái đầy đủ về vật chất, nên nhiều cha mẹ quên mất việc phải dành thời gian trò chuyện với các con của mình. Chính điều này đã tạo ra khoảng cách lớn trong sợi dây tình cảm với con cái. Nhiều đứa trẻ cảm thấy cô đơn ngay chính tại ngôi nhà của mình.
Em thấy mình lạc lõng giữa ngôi nhà của chính mình – (Ảnh nguồn internet)
Nhiều nghiên cứu đã cảnh báo khi thiếu hụt sự gần gũi, chia sẻ của bố mẹ thường xuyên, trẻ em sẽ bị tổn thương và dễ mất đi niềm tin vào cuộc sống. Cảm giác bị “bỏ rơi” còn khiến con trẻ có tâm lý “chán đời” luôn không thoải mái, hài lòng với xung quanh, cảm thấy gia đình không còn là một môi trường bảo bọc an toàn cho mình nữa. Không tìm thấy niềm vui, sự gắn kết, sự yêu thương hay sẻ chia trong ngôi nhà thân thuộc, con trẻ rất dễ bị dồn đến trạng thái cực đoan với những suy nghĩ và hành vi tiêu cực mà đa phần là săm soi, dò xét, chê bai, bài xích người khác…Một số trẻ lao thì tìm kiếm hứng thú, sự tin cậy ở bạn bè hoặc những người khác. Chính sự thái quá này khiến con trẻ có thể bị lạm dụng, xâm hại, bị lừa đảo mà bố mẹ không biết.
Ở một góc khuất khác, trẻ có thể rơi vào trầm cảm hoặc vùi đầu vào những trò chơi vô bổ, thậm chí là sa vào các tệ nạn xã hội. Thậm chí đã có những sự việc đáng tiếc, có những đứa trẻ, kiệt sức, bế tắc đã tìm tới cái chết. Khi ấy cha mẹ có hối hận thì cũng đã mất con mãi mãi.
Chính vì vậy, các bậc cha mẹ hãy lắng nghe và chia sẻ cùng con cái của mình. Mỗi đứa trẻ đều có ưu điểm, hạn chế nhất định. Hãy để con được vui, được hạnh phúc. Phụ huynh hãy cân bằng cuộc sống để xóa khoảng đi cách với con mình đồng thời dành thời gian quan tâm chia sẻ, động viên để trẻ cảm nhận được sự ấm áp, có niềm tin vào cuộc sống. Đừng đánh mất những điều giản dị trong đời sống gia đình. Những đứa trẻ chỉ có thể lớn lên và hạnh phúc trong một tổ ấm thực sự./.
Nguyễn Nguyệt