Chuyện tình cổ tích của ‘thầy giáo xe lăn’ với cô gái xứ dừa

Vượt lên nghịch cảnh, anh Nguyễn Ngọc Lâm (37 tuổi) trở thành “thầy giáo xe lăn” truyền cảm hứng cho giới trẻ.

Chị Thơ là nguồn động viên lớn lao để anh nương tựa và vực dậy tinh thần.
Chị Thơ là nguồn động viên lớn lao để anh nương tựa và vực dậy tinh thần.

Câu chuyện tình của anh với cô gái xứ dừa Bến Tre khiến nhiều người cảm động, ngưỡng mộ.

Vượt lên nghịch cảnh

Tiếp xúc, trò chuyện với vợ chồng “thầy giáo xe lăn” Nguyễn Ngọc Lâm mới hiểu được sức mạnh của tình yêu, sự đồng cảm trong hai con người. Họ đã vì nhau mà hy sinh và cam chịu. Từ ngày có vợ đồng hành bên cạnh, cuộc sống của anh Lâm như sang một trang mới, tinh thần anh luôn vui vẻ và sức khoẻ ổn định hơn. Anh cũng sống rất lạc quan và mạnh mẽ với ý chí “tàn nhưng không phế”.

Ngược lại khoảng thời gian gần 18 năm về trước, khi đó Lâm đang là sinh viên năm nhất của Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước thì bất ngờ bị tai nạn giao thông, cơ thể tổn thương đến 97% và bị liệt hoàn toàn từ phần ngực trở xuống. Tại nạn cũng khiến Lâm khép lại giảng đường và giấc mơ làm thầy giáo. Suốt 2 năm trời, Lâm nằm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, vừa điều trị vừa kiên trì tập vật lý trị liệu. Bằng nghị lực phi thường, sau hai năm điều trị tích cực, Lâm đã chiến thắng “tử thần” và hồi phục theo hướng tích cực.

Chuyện tình cổ tích của 'thầy giáo xe lăn' với cô gái xứ dừa ảnh 1

Một tiết dạy Tin học trên lớp của thầy giáo xe lăn.

Năm 2006, trong những ngày tập vật lý trị liệu ở Bệnh viện Quận 8, TPHCM, Lâm tình cờ gặp được cô Hoàng Nữ Ngọc Tim, người sáng lập Trung tâm Bảo trợ “Nhà may mắn” ở quận Tân Bình. Với ý chí mạnh mẽ muốn vượt lên số phận để không làm gánh nặng cho gia đình, năm 2006, Lâm xin vào Trung tâm Bảo trợ “Nhà may mắn” để điều trị và học nghề. Ở đây, anh đã chọn học Tin học để tiếp tục thực hiện ước mơ làm thầy giáo còn dang dở. Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng ngày đêm tập luyện, cuối cùng Ngọc Lâm cũng trở thành “thầy giáo xe lăn” được nhiều người yêu mến và ngưỡng mộ.

“Nhà may mắn” tạo điều kiện cho Lâm làm giáo viên dạy Tin học cho các em học sinh mồ côi, cơ nhỡ, lang thang. Từ đó anh dành hết tình yêu thương cho những đứa trẻ kém may mắn. Không chỉ dạy vi tính, Lâm còn dạy các em những kỹ năng sống.

Là người mang trong mình khuyết tật lớn về thể xác, nhưng Lâm có tâm hồn đẹp cùng lối sống tích cực, lạc quan. Tất cả đều được thể hiện qua những vần thơ do anh sáng tác. “Tôi được một số người bạn tài trợ in 2 tập thơ. Từ đó, nhiều người biết tôi, kết bạn, làm quen, chia sẻ, giúp tôi tìm thấy ánh sáng của cuộc đời. Cũng nhờ những vần thơ chan chứa tâm sự, chân thành và lắng đọng mà tôi tìm thấy một nửa cuộc đời mình”, anh Lâm nói.

Chuyện tình cổ tích của 'thầy giáo xe lăn' với cô gái xứ dừa ảnh 2

Vợ chồng anh Lâm cùng ôn lại kỷ niệm cũ qua những bức ảnh.

Đến với Thơ nhờ… thơ

Cũng chính nhờ thơ mà anh Lâm biết đến người vợ xứ dừa của mình hiện tại. Thời điểm đó chị Nguyễn Thị Minh Thơ (36 tuổi, quê Bến Tre) là một cô gái có tuổi thơ nghèo khổ, thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ. Từ nhỏ, chị sống với người dì ruột, lớn lên ra đời làm việc từ rất sớm.

Năm 2013, trong một lần tình cờ thấy những dòng thơ do Lâm viết và chia sẻ trên mạng xã hội, chị Thơ đã chủ động nhắn tin làm quen. Và câu chuyện tình của 2 người cũng bắt đầu từ đó. Ban đầu chỉ là những lời thăm hỏi xã giao bình thường, sau này quen thân một chút thì họ dùng thơ để đối đáp cùng nhau. Tình cảm đến tự nhiên như hồn thơ đồng vần đồng điệu.

Theo chia sẻ của anh Lâm, trong suốt 5 năm yêu nhau, hai người không dám công khai cho bạn bè và gia đình chị Thơ biết vì sợ chị Thơ sẽ gặp áp lực. Dù hoàn cảnh bản thân tàn tật nhưng anh không bao giờ mặc cảm với số phận. Để nhà vợ có cái nhìn khác về mình, anh Lâm đã nỗ lực học tập, lo lắng cho chị Thơ. Bản thân anh dù khuyết tật nhưng cũng cố gắng làm đủ mọi nghề trong khả năng của mình, từ làm quảng cáo, bán hàng… cho đến tất cả những công việc có thể kiếm thu nhập đàng hoàng. Cả hai chăm chỉ làm việc, gom được một chút tiền, anh Lâm nhường cho chị Thơ mang về quê sửa nhà cho mẹ và dì trước để lấy cớ thưa chuyện.

Thế rồi đồng cảm với hoàn cảnh của nhau, sau khoảng thời gian tìm hiểu, yêu thương, anh chị quyết định kết hôn. Thế nhưng ngày về thưa chuyện với gia đình chị Thơ, ban đầu nhà ngoại không đồng ý. Mãi sau đó nghe con gái kể về quãng thời gian đồng cam cộng khổ, đi qua bao ngọt bùi cay đắng của cả hai, mẹ cô mới gật đầu. Đám cưới diễn ra tại “Làng may mắn” trong sự chúc phúc của bà con, bạn bè hai bên.

“Trong suốt thời gian yêu nhau, cưới nhau, cả hai chưa bao giờ nói chia tay. Vợ chồng tôi đến với nhau như là một cái duyên trời định. Cả hai đều yêu thích thơ và sáng tác thơ nên rất đồng điệu về tâm hồn, lối sống cũng tương đồng nhau, rất hòa hợp và yêu thương nhau”, Lâm tâm sự.

Chia sẻ về câu chuyện tình của mình, chị Thơ thổ lộ: “Thời điểm đó, tôi cũng gặp và tiếp xúc nhiều người nhưng cảm thấy cách sống của người ta khác, không hợp. Từ khi biết đến anh Lâm, tôi như tìm thấy chính mình trong anh vậy đó. Khi mới thấy hoàn cảnh anh tôi cũng có phần chần chừ. Nhưng rồi trải qua 9 năm bên nhau, những lần bệnh hoạn, ốm đau, trải nghiệm thực tế tôi đã cùng chồng cố gắng vượt qua hết”.

Suốt những năm qua, mọi sinh hoạt của anh Lâm đều phải trông cậy vào vợ, chị Thơ là nguồn động viên lớn lao để anh nương tựa và vực dậy tinh thần. Không chỉ là người vợ hiền, chị Thơ còn là người tri âm tri kỷ đồng cam cộng khổ, chia sẻ đắng cay ngọt bùi cùng chồng. Hiện tại mỗi ngày anh Lâm dạy học, chị Thơ đi chợ, nấu cơm, chăm sóc chồng. Tình yêu giản đơn mà chân thành. “Vợ tôi là một cô gái hiền lành và đảm đang. Một tay cô ấy đút cơm, thay đồ, lo lắng cho tôi. Có người phụ nữ như thế ở cạnh, đối với tôi là một hạnh phúc”, anh nói.

“Hiện ước nguyện lớn nhất của hai vợ chồng là có một đứa con. Hai vợ chồng cũng từng đi thăm khám thụ tinh nhân tạo, nhưng vì kinh phí thực hiện quá cao, điều kiện gia đình hiện tại chưa cho phép nên cả hai đành phải tạm dừng. Tất nhiên con cái là cái duyên trời cho, nhưng chúng tôi vẫn không ngừng cố gắng và hy vọng,…”, anh Lâm chia sẻ.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Bài viết liên quan

Picture6

Hải Phòng: Lễ biểu dương 139 học sinh,sinh viên tiêu biểu xuất sắc của Thành phố năm 20

Picture2

Thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển sau sáp nhập

Picture2

Tạp chí Lao động và Sáng tạo trao 1.000 suất quà đến người dân Lào Cai bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang