(ĐHVO). Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn, vấp ngã và cảm thấy cuộc sống này thật bất công. Tuy nhiên, nếu như bạn nhìn xuống sẽ thấy còn rất nhiều những hoàn cảnh sống khó khăn hơn, thiệt thòi hơn nhưng họ vẫn luôn vui vẻ, lạc quan và có niềm tin vào cuộc sống. Những con người ấy, chúng tôi đang muốn nhắc tới các Cha, Sơ và các thành viên là người khuyết tật của Trung tâm Mục vụ Lòng Chúa Thương xót Thái Bình.
Đoàn chúng tôi do anh Đỗ Hà Cừ (người sáng lập CLB Không gian đọc Hy Vọng) làm trưởng đoàn cùng các bạn tình nguyện viên bắt đầu lăn bánh từ 15h (02/09/2022) di chuyển một quãng đường 30km để đến thăm hỏi những người khuyết tật và tấm gương đời thường lặng lẽ hi sinh cho những kiếp thiệt thòi tại Trung tâm Lòng Chúa Thương xót Thái Bình.
Sau gần một giờ đồng hồ, chúng tôi có mặt tại khuôn viên của trung tâm, chúng tôi đã cảm nhận được không khí tĩnh lặng, bình yên đến khó tả. Như thường lệ vào chiếu thứ 6 đầu tháng, Thiên chúa Giáo hội sẽ tổ chức làm lễ nên chúng tôi có cơ hội được chứng kiến những nghi lễ trang nghiêm, thấm thía và sâu sắc của nét đẹp tôn giáo. Những lời thánh ca ngân nga cùng hương thơm của khói trầm hương hòa quyện cùng sự tôn sùng tuyệt đối của mọi người tạo nên không gian trang nghiêm, thành kính.
Sau khi hoàn thành các nghi lễ, chúng tôi đã được gặp gỡ các Cha, Sơ và các Thầy cùng các thành viên của trung tâm. Đặc biệt, chúng tôi được giao lưu với Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, là Tổng Giám mục giáo phận Thái Bình, Thầy Trần Công Hoàng về những câu chuyện thường nhật, những hoạt động nhân đạo, niềm tin cuộc sống, lòng tin yêu vào Chúa và tâm hồn cao thượng của Cha. Điều đó là chân lý và ươm mầm cho những hoạt động vì người đầy ý nghĩa nhân sinh của Cha và Trung tâm.
Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ và Anh Đỗ Hà Cừ
Thầy Trần Công Hoàng giao lưu cùng anh Cừ cùng một số thành viên
Được sự hướng dẫn của Thầy Trần Công Hoàng (người phụ trách quản lý trung tâm), đoàn chúng tôi được đi sâu vào trong thánh đường và khám phá khu nội trú dành cho người khuyết tật ở trung tâm. Khu nội trú được bày trí với những vật dụng đơn giản nhưng vô cùng gọn gàng, ngăn nắp. Nhưng khác với những căn phòng bình thường, ở đây có thêm xe lăn, gậy nạng, tai trợ thính và những đồ dùng được thiết kế dành riêng cho người khuyết tật.
Chia sẻ với chúng tôi, Sơ Vĩnh, người mà chúng tôi đặc biệt gọi với cái tên Wonder Woman đã cho hay: “…Việc giao tiếp với các bạn và mọi người ở đây rất khó khăn, có em thì bị thiểu năng, có em thì không nói được, có bà có cụ lại câm điếc, mình phải dùng ngôn ngữ ký hiệu riêng để nói chuyện với nhau, đôi khi có những câu chuyện rất vui từ việc không hiểu ý nhau…” rồi Sơ chỉ vào cổ đã bị viêm nặng và chất giọng khàn như một minh chứng cho những nỗ lực ấy.
Bấy giờ, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được tấm lòng cao cả, hết lòng của Cha, Sơ ở đây. Nhìn vào những em nhỏ ngây ngô, chưa hiểu chuyện nhưng đã bị khiếm khuyết một phần cơ thể, trí tuệ, Sơ chia sẻ thêm “… Ở đây Cha và các Sơ là cha, là mẹ, còn các em, các cô lớn thế thôi nhưng xử sự như trẻ con buộc các Sơ phải chăm nom suốt, ngộ nhỡ các em, các cô sa xuống nước hay nghịch ổ điện thì sợ lắm…”. Thực đúng như vậy, các thành viên ở đây phần nhiều là các bạn khuyết tật trí tuệ, nhưng bù lại, các em luôn vui vẻ, đáng yêu, nô đùa như những người bạn mặc dù tuổi tác có thể chênh lệch nhau. Thậm chí, các em còn kéo tay thành viên đoàn chúng tôi ra tham gia trò chơi cùng tạo nên bầu không khí vô cùng thoải mái.
Ở Trung tâm lâu Sơ Vĩnh cũng quen dần và hoà cùng cuộc sống xoay quanh các em, các cô: “Sơ vẫn nhớ lần dẫn các em đi chơi, các Sơ có đồ cần đi lấy mà 2 phút sau quay lại chẳng thấy các em đâu, thế rồi tá hỏa đi tìm, tìm một hồi thì gom đủ hết, lúc đấy Sơ chẳng bực dọc gì, chỉ thấy vui thôi, vui như con mình trở về đó con…”. Từ ánh mắt dịu dàng và chất giọng sâu lắng ấy, chúng tôi cảm nhận được tình cảm bao la mà các Cha, Sơ dành cho các em. Đây là thứ tình cảm thật đặc biệt, từ những người xa lạ mà hóa người thân trong gia đình.
Có vậy, ta mới ngẫm được sâu sắc lời mà Đạt Ma Lạt Ma răn dạy: “Tinh cầu này không cần thêm nhiều những người thành đạt nữa. Thật tuyệt vọng, nơi này đang cần thêm những người kiến tạo hòa bình, những người biết chữa lành, những người biết gìn giữ, những người biết kể lại và những người biết yêu thương muôn loài”.
Trời chếnh choáng tím vàng, hoàng hôn đã khuất bóng từ lâu, Thầy Trần Công Hoàng tiễn chúng tôi đoạn đường cuối trước khi ra về. Để đáp lại tình cảm mà trung tâm dành cho chúng tôi, đoàn chúng tôi đã đàn hát tặng Thầy, tiếc là không có các Sơ và mọi người vì đã đến giờ ăn cơm của các em nhỏ. Thầy còn dặn dò, động viên anh trưởng đoàn và chúng tôi nhiều điều trước khi chiếc xe lăn bánh quay về.
Trên đường trở về, các thành viên trong đoàn cùng ngồi lại, chia sẻ cảm xúc sau chuyến đi và ngẫm lại nhiều điều mới thấy, trong cuộc sống, chỉ cần ta lạc quan, yêu đời thì tự khắc đời sẽ đẹp và bao dung lại với ta. Hãy nhìn những hoàn cảnh khó khăn và tấm lòng yêu thương sâu sắc và sự hy sinh từ Cha, Sơ của Trung tâm Mục vụ Lòng chúa thương xót để bản thân phải cố gắng vươn lên, vấp ngã rồi lại bước tiếp, không được chùn bước trước khó khăn, thách thức.
Mong các Cha, Sơ và các thành viên của Trung tâm Mục vụ Lòng chúa thương xót luôn mạnh khỏe, nhiệt huyết với mục tiêu cao cả của cuộc đời, vững bước trên con đường nhân đạo. Đoàn chúng tôi sẽ trở lại vào một ngày nào đó không xa…
Vân Anh – Hồng Liên