Chuyện người lính sinh viên đánh giặc ở Thành cổ

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

(Thơ Lê Bá Dương)

(DHVO). Cứ đến dịp mùng 2 tháng 9 hàng năm, mọi người lại thấy một ông già nhỏ bé gầy gò mang hoa đến thả bên bờ sông Thạch Hãn. Những bông hoa trắng quẩn quanh mãi bên bến sông rồi mới chịu trôi theo dòng nước. Ông gửi hoa cho cậu con trai, Liệt sỹ Lê Văn Ninh, hy sinh ngày 2 tháng 9 năm 1972 tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị…

Ông tên Lê Văn Lâm, sinh năm 1923, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, có con là Lê Văn Ninh – sinh viên khoa Hóa trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhập ngũ ngày 6/9/1971.

Ninh ra trận, mang theo chiếc khăn bằng vải pô-pơ-lin màu trắng, thêu hai bông hoa hồng của cô gái tên Tuyên, sinh viên cùng lớp, quê Thanh Hóa, tặng anh ngày lên đường cùng lời hẹn ước : “ Đánh tan giặc Mỹ lại về Bách khoa”. Nhập ngũ cùng đợt với Ninh là những sinh viên của các trường đại học trên miền Bắc. Các anh là thế hệ lính sinh viên trong lịch sử hào hùng của dân tộc.

(Ảnh: Liệt sỹ Lê Văn Ninh, người cầm súng hàng đầu bên trái)

Dọc đường hành quân, Ninh đã gửi 11 bức thư về cho gia đình. Lá thư đề ngày 15-7-1972, anh báo tin cho cha là ông Lê Văn Lâm, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam : “Đơn vị con vào đến Quảng Trị, đã bắt đầu chiến đấu. Nhân dân thương bộ đội, giúp đỡ bộ đội nhiều”. Không ngờ đó lại là lá thư cuối cùng của anh.
Bặt tin con, ông Lê Văn Lâm liên tục viết thư gửi con theo hòm thư đơn vị cũ. Đến một ngày, ông nhận được bức thư của đồng đội với con mình là Lưu Quang Thái. Trong thư anh Thái viết : “Từ tháng 9 đến nay, cháu nhận được nhiều thư của bác gửi cho đồng chí Ninh nhưng cháu không dám trả lời vì sợ làm đau lòng hai bác. Nhưng đến hôm nay, 27-3-1973, nhận được lá thư của bác gửi cho đồng chí Ninh ngày 18-2-1973, cháu gạt nước mắt báo tin cho bác: Đồng chí Lê Văn Ninh đã hy sinh vô cùng anh dũng ngày 2-9-1972. Cháu xin kể cho hai bác nghe giai đoạn từ khi chiến đấu cho đến ngày đồng chí Ninh hy sinh: Ngày 13-7-1972, đơn vị vượt sông Thạch Hãn vào chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tiếp theo đó là những trận chiến đấu quyết liệt với quân thù. Ngày 14-7-1972, trận đánh lớn nhất của Đại đội 1 (đơn vị của Ninh). Ninh bị thương nhẹ và đi viện. Đến cuối tháng 8, Ninh trở về đơn vị. Lúc này, đơn vị đang rút khỏi thành, củng cố và tăng quân. Củng cố được một tuần, đơn vị lại lao vào những trận đánh quyết liệt. Ngày 2-9, địch chiếm được đầu cầu Sắt, Quảng Trị. Khẩu đại liên của chúng đặt trên đầu cầu bắn ác liệt dọc theo đường phố về dinh Tỉnh trưởng. Đại đội 1 được lệnh bằng giá nào cũng phải đánh chiếm được đầu cầu. Các chiến sĩ dũng cảm lao lên dưới làn hỏa lực của địch, đồng chí Ninh và nhiều đồng chí đã hy sinh vô cùng anh dũng…”.

(Ảnh: Đoàn dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị.)

Câu lạc bộ bóng đá cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã vào Thành cổ Quảng Trị viếng anh và các đồng đội. Chủ tịch CLB là ông Hoàng Ngọc Minh, cựu binh cả thời chống Pháp và chống Mỹ; cùng lớp Hóa với Ninh có Nguyễn Ngọc Nghiêm; lớp Chế tạo máy có Nguyễn Mạnh Hùng đã cùng Ninh trải qua 81 ngày đêm nơi Thành cổ Quảng Trị. Trong Đoàn, rất nhiều người là bạn đồng ngũ với Ninh. Tất cả chúng tôi cùng thành kính dâng hương tưởng nhớ tới anh, tưởng nhớ những người lính hy sinh vì Tổ quốc tại Thành cổ Quảng Trị, trong đó họ đa phần còn mãi với tuổi hai mươi !

Hồ Công Thiết

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang