(ĐHVO). Chiến tranh đã đi qua, bao người nằm xuống, bao người tiếp tục đấu tranh gìn giữ hòa bình…và trong số đó có một người vẫn luôn nhớ và tự hào về màu áo xanh mình đã từng mang…
Để làm nên chiến thắng lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là công lao to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; có sự đóng góp xương máu,vật chất, sức lực, tinh thần của triệu triệu người. Trong sự đóng góp chung ấy có phần nhỏ bé nhưng đáng tự hào cựu thanh niên xung phong Nguyễn Hữu Oanh.
Trong một buổi chiều hè giữa nắng nóng ỏi ả miền Trung, tôi đã có cuộc trò chuyện vui vẻ cùng ông, ông hào hứng kể cho tôi nghe những năm tháng hào hùng đó với ánh mắt sáng ngời và đôi bàn tay không ngừng chạm vào những tấm bằng khen, huân huy chương kháng chiến.
Cựu TNXP Nguyễn Hữu Oanh
Ông sinh năm 1945 tại làng Tân Cầu, xã Tân Khang, Huyện Nông Cống, Tỉnh Thanh Hóa. Cũng như bao thanh niên Việt Nam khác ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc ông đã hăng hái gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong. Ông được phân về đơn vị 115N263T31 vào ngày 26 tháng 6 năm 1965, đó là đơn vị phụ trách mở tuyến đường “Bò Lăn” hướng Thanh Hóa đi Nghệ An, con đường trọng điểm bị giặc đánh ác liệt. Thời đó, tuy chỉ có những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng và sức trẻ dưới mưa bom bão đạn nhưng những tuyến đường đi tiếp viện chiến trường luôn thông suốt.
Cuối năm 1965, đơn vị 115 chuyển xuống cầu Kinh Than thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa thực hiện công việc nạo vét kênh than.
Tháng 11 năm 1966 toàn đơn vị lại chuyển vào Quảng Bình. Suốt chiều dài hàng trăm ki lô mét, cả đơn vị hành quân bộ, đêm đi ngày nghỉ, với khẩu hiệu “ đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đôi chân đất chống lại đá núi, rừng thiêng nước độc, củ mài, củ sắn, rau rừng thay gạo. Đã có những chiến sĩ đã ngã xuống vì căn bệnh sốt rét rừng. Thiếu thốn, gian khổ là thế song ai cũng lạc quan, kiên cường tiến lên phía trước. Sau một tháng ròng rã hành quânmới đến được điểm tập kết, đơn vị được đảm nhiệm đoạn đường 15A tỉnh Quảng Bình từ Ngầm Đá Mài đến thị xã Đồng Hới nay là thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình.
Đầu năm 1967, ông được cấp trên điều động vào tuyến đường 20 Quyết Thắng thuộc về phía Đông Trường Sơn công tác tại cây số 39 đến cây số 68. Đây là đoạn đường máy bay Mĩ đánh phá ác liệt nhất. Ông bồi hồi nhớ lại đã không biết bao nhiêu đồng chí anh, em đã ngã xuống tại nơi này, cứ mỗi ngày ông lại mất đi một đồng đội, mỗi ngày lại mất đi một người anh em nhưng điều đó không hề làm ông nản chí mà càng thúc dục ông quyết tâm cao hơn nữa.
Tháng 10 năm 1968 tại cây số 44 đường 20 do máy bay Mĩ oanh tạt quá ác liệt vào địa phận đơn vị đóng chốt, ông bị một phần mãnh vỡ của quả bom găm vào đầu và chân, thương tật 21% vĩnh viễn. Vết thương đã khiến ông không thể bước đi bình thường nhưng ông thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều những đồng đội, những người anh em đã ngã xuống trên những tuyến đường kia.
Đầu năm 1969, ông được về an dưỡng tại đoàn 585 xã Xuân Lai huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian an dưỡng sức khỏe bình phục ông được chọn vào học trường công nhân kĩ thuật K7 nhà máy điện Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa. Thời gian học tập tại nhà máy điện Hàm Rồng, trong một lần đi xây dựng đường điện và trạm trung gian điện Nông trường Thống Nhất, ông đã gặp bà Phùng Thị Dùng- một nữ chiến sĩ Thanh niên xcung phong thuộc đơn vị 218, công tác tại đường 201 tỉnh Quảng Bình và tình yêu của hai người chiến sĩ đã nảy nở từ đây.
Cho đến bây giờ mỗi khi nhắc lại chuyện xưa, ông vẫn còn nhớ rõ hình ảnh những năm tháng bi hùng ấy như vừa mới hôm qua.
Nụ cười rạng rỡ của ông bà
Giờ đây khi đã trở lại với cuộc sống thời bình không còn bom đạn chiến tranh, là Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong xã Tân Khang, ông ngày ngày đạp trên chiếc xe đạp đã cũ đi khắp nẻo đường quê hương kêu gọi, động viên anh chị em thắt chặt tình đoàn kết chia sẻ ngọt bùi giúp đỡ lẫn nhau. Bao lần những cuộc thăm hỏi người ốm bệnh tật, chia sẻ chuyện hiếu hỉ, vui buồn của những người đồng đội cũ đều có ông…
Hương Nguyễn