(ĐHVO). Ngày 28/10 tại Hà Nội đã diễn ra “Chương trình đào tạo tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử”. Sự kiện được Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức nhằm đào tạo các ứng viên là NKT tham gia ứng cử trở thành Đại biểu Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân các cấp vào kỳ bầu cử năm 2026.
Toàn cảnh chương trình
Tham gia chương trình có ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ xã hội, Văn phòng Quốc Hội; ông Tạ Hà Nam, Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc Hội; ông Tạ Văn Sỹ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu Khoa học MTTQ Việt Nam; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Nội; bà Trần Hải Yến, Giảng viên Học viện hành chính Quốc gia; bà Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam; đại diện nhà tài trợ (Irish Adid, DFAT) và các ứng viên tiềm năng.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu tại chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam chia sẻ: Trong những năm gần đây, các nội dung liên quan đến quyền bầu cử, ứng cử đã được Việt Nam thúc đẩy thực hiện rất tốt với nhiều giải pháp hiệu quả, nhất là đối với nhóm đối tượng người yếu thế, người khuyết tật. Tuy nhiên, NKT hầu như mới chỉ tiếp cận được với một nửa vai trò của mình là đi bầu cử, chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện quyền được ứng cử. Về vấn đề này có rất nhiều nguyên nhân và một trong những lý do chính là xuất phát từ bản thân người khuyết tật như: chưa thực sự hiểu rõ quyền ứng cử; mặc cảm, tự ti; thiếu chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt là kỹ năng…
Chính vì vậy, nhằm thúc đẩy sự tham gia của NKT thông qua việc lựa chọn và đào tạo nâng cao năng lực cho họ sẵn sàng ứng cử (được giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử) vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong kỳ bầu cử 2026. Buổi định hướng hôm nay tại Hà Nội là buổi định hướng cuối cùng của giai đoạn 1 sau khi tổ chức thành công tại Đà Nẵng và Cần Thơ vừa qua, BTC cùng các chuyên gia đã lựa chọn được 52 ứng viên để tham gia vòng phỏng vấn trước khi lựa chọn các ứng viên tiềm năng cho hoạt động tập huấn, đào tạo tiếp theo ở Hà Nội để chuẩn bị cho các hoạt động trong thời gian tới.
Cũng theo Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, đây cũng có thể sẽ là một thách thức rất lớn khi những mục tiêu của chương trình là tương đối kỳ vọng, nhưng đây cũng là một trong những nội dung rất quan trọng trong việc loại bỏ bất bình đẳng và phân biệt đối xử để đảm bảo rằng không ai và nhóm nào sẽ bị bỏ lại phía sau. Phó Chủ tịch Liên hiệp hội hy vọng các ứng viên sẽ cố gắng, tự tin thể hiện bản thân nhất là trong buổi phỏng vấn để tiếp tục các giai đoạn tiếp theo của Chương trình.
Bà Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại chương trình
Phát biểu tại chương trình bà bà Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: Tôi bày tỏ sự chào đón nồng nhiệt với các ứng viên khuyết tật tham dự sự kiện này. Sự hiện diện của các bạn trên khắp cả nước đã đăng ký tham gia chương trình này là bằng chứng rõ ràng về nhu cầu tham gia chính trị của người khuyết tật trong cơ quan dân cử. Đến nay, vẫn chưa có đại biểu Quốc hội Việt Nam tự nhận mình là đại diện của cộng đồng NKT. Có cơ hội tăng cường hòa nhập đa dạng trong các cơ quan dân cử cho kỳ bầu cử tiếp theo (2026). Đây là thời điểm thuận lợi cho hành động tập thể của chúng ta khi Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Có 3 thông điệp UNDP muốn gửi đến NKT là: Tiếng nói của NKT là trung tâm của quá trình xây dựng luật hòa nhập với Người khuyết tật, việc tăng cường tham gia chính trị của người khuyết tật là hiện thực hóa phương châm công ước về Quyền của NKT mà Việt Nam đã phê chuẩn, cam kết thực hiện công ước Quốc tế này; Chương trình đào tạo này được thiết kế để trao quyền cho NKT trở thành những người tạo ra sự thay đổi, đây là chương trình đào tạo dài hạn duy nhất đầu tiên cho các ứng viên khuyết tật Việt Nam tham gia tranh cử vận động chính sách; Xây dựng cơ chế trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương để NKT có quyền đại diện trong cơ quan dân cử. UNDP sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo quyền chính trị của NKT Việt Nam.
Các ứng viên và các chuyên gia, nhà tài trợ chụp ảnh lưu niệm
Tin tưởng rằng, với những kết quả đã đạt được Chương trình tiếp tục sẽ từng bước nâng cao năng lực cũng như thúc đẩy quyền tham chính (quyền tham gia chính trị – xã hội) cụ thể ở đây là tham gia bầu cử và tự ứng cử của NKT và có vai trò rất quan trọng trong việc chống lại bất bình đẳng và phân biệt đối xử, đảm bảo mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hà Giang