(ĐHVO) Tự kỷ là một hội chứng rối loạn hệ thần kinh, gây ảnh hưởng đến các hoạt động của não bộ. hội chứng này thường xuất hiện rất sớm ngay từ những ngày đầu đời của trẻ em, bắt đầu từ độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi. Tuy nhiên, căn bệnh này không chỉ bắt gặp ở trẻ em mà người lớn cũng có thể mắc phải. Người mắc chứng tự kỷ thường tự giao tiếp với chính mình, mất khả năng giao tiếp với những người khác cũng như có vấn đề về ngôn ngữ, khả năng suy luận và vui chơi.
Tự kỷ bao gồm rất nhiều triệu chứng, hành vi và mức độ suy giảm, từ việc chỉ là một số khuyết tật gây ra những hạn chế trong cuộc sống hàng ngày cho đến các biểu hiện suy nhược nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế.
Dấu hiệu của bệnh tự kỷ ở người lớn
1/ Cách giao tiếp
Đối với người tự kỷ ở lứa tuổi trưởng thành thì trong quá trình giao tiếp họ sẽ gặp phải những vấn đề về ngôn ngữ, cử chỉ và cách biểu lộ cảm xúc.
Họ luôn sống cô lập và không có xu hướng kết bạn hay nói chuyện, chia sẻ với bất cứ ai, kể cả những người cùng trang lứa.
Không thể biểu đạt cảm xúc hay sự sẻ chia với những thành công hay thất bại của người thân bên cạnh.
Những người lớn bị mắc bệnh tự kỷ sẽ không thể thấu hiểu cảm xúc của người khác được hay nói đúng hơn là thiếu sự đồng cảm và chia sẻ.
2/ Trong công việc
Nếu bệnh nhân mắc bệnh tự kỷ còn đang đi học thì việc học tập sẽ gặp nhiều khó khăn, bệnh nhân sẽ tiếp thu chậm, kết quả học tập sa sút và thường có xu hướng cách ly với bạn bè.
Nếu bệnh nhân đã đến tuổi đi làm và đang làm một công việc nào đó thì thường xuyên không hoàn tốt nhiệm vụ được giao, công việc thì thường tiến hành theo kiểu rập khuôn, ngôn ngữ bị hạn chế (thường lặp đi lặp lại một câu nói nào đó mà người bệnh có ấn tượng).
Thường làm phật lòng người khác vì người bệnh gặp phải khó khăn trong việc nghe và tiếp thu, hiểu hết ý nghĩa của câu nói của người khác.
3/ Trong hành vi
Tập trung và sử dụng đúng một vật dụng nào đó có thể là quen thuộc hoặc có ấn tượng mạnh.
Hành động giữ khư khư đồ vật và không cho người khác động vào là một trong những dấu hiệu của bệnh tự kỷ ở người lớn.
Thường có hành động tập trung vào một chủ thể nhất định và bỏ qua những ý kiến hay hành động của người khác.
Bệnh tự kỷ ở người lớn – Ảnh minh họa (nguồn internet)
Biện pháp chuẩn đoán bệnh tự kỷ ở người lớn
Hiện tại không có tiêu chuẩn chẩn đoán cho người lớn bị nghi ngờ mắc tự kỷ, nhưng hiện nay bộ công cụ vẫn đang được phát triển. Trong khi đó, các bác sĩ lâm sàng chủ yếu chẩn đoán người lớn mắc tự kỷ thông qua các quan sát và tương tác trực tiếp với người bệnh, đồng thời dựa trên khai thác tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình. Từ đó, bác sĩ sẽ phát hiện ra bệnh lý cơ bản tiềm ẩn bên dưới các hành vi bất thường của người bệnh. Sau đó, bác sĩ có thể giới thiệu người bệnh đến bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học để đánh giá chuyên sâu.
Bác sĩ lâm sàng sẽ nói chuyện với người bệnh về bất kỳ vấn đề nào mà người bệnh đang gặp phải trong đời sống như giao tiếp, cảm xúc, hành vi, phạm vi quan tâm, v.v. Bên cạnh đó, người bệnh trả lời các câu hỏi về thời thơ ấu và bác sĩ nói chuyện với người nhà như với cha mẹ hoặc các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình để có hiểu được sở thích, suy nghĩ của người bệnh về tình trạng bệnh tật.
Nếu bác sĩ lâm sàng xác định rằng người bệnh không biểu hiện các triệu chứng của tự kỷ trong thời thơ ấu, nhưng thay vào đó bắt đầu có các triệu chứng ở tuổi thiếu niên hoặc người lớn, người bệnh có thể được đánh giá về các rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc rối loạn cảm xúc khác.
Biện pháp điều trị bệnh tự kỷ ở người lớn
Về điều trị tự kỷ ở người lớn, người lớn mắc tự kỷ có phác đồ điều trị khác với trẻ mắc bệnh tự kỷ. Đôi khi người lớn mắc tự kỷ có thể được điều trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức, bằng lời nói. Ngoài ra, người bệnh cần tìm kiếm các phương pháp điều trị cụ thể hơn dựa trên những vấn đề mà người bệnh đang gặp phải như lo lắng, cô lập với xã hội, các vấn đề về mối quan hệ hoặc khó khăn trong công việc
Nam Phương