Nữ giới ở tỉnh ta chiếm khoảng 51,02% dân số. Thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), qua đó tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Người dân xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu) tìm hiểu thông tin về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. |
Theo số liệu báo cáo của Sở LĐ-TB và XH, từ năm 2011 đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 1.880 vụ BLGĐ được phát hiện, trong đó có 1.439 nạn nhân BLGĐ là phụ nữ; 22/45 nạn nhân ngay sau khi bị BLGĐ được tư vấn (tâm lý, tinh thần, pháp luật), được chăm sóc hỗ trợ; 41/45 người gây BLGĐ được tư vấn qua các cuộc họp phê bình, góp ý trong cộng đồng dân cư, áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Để ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh và các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh phối hợp tuyên truyền các nội dung Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình; biểu dương những tập thể, cá nhân, gia đình có sáng kiến, đóng góp tích cực, các mô hình đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống BLGĐ ở cộng đồng; lên án những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Từ năm 2011 đến nay, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với các cấp, các ngành và chủ trì tổ chức tập huấn các nội dung về bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ phụ nữ cho hơn 6.000 lượt người tham dự; Sở VH, TT và DL đã cấp phát 1.500 cuốn sách kiến thức gia đình, bình đẳng giới và hỏi đáp về bình đẳng giới cho cơ sở; in ấn và phát hành 10 nghìn tờ rơi tuyên truyền về vai trò của gia đình; phát 500 cuốn tài liệu giáo dục đời sống gia đình; in ấn 250 áp phích tuyên truyền các thông điệp về gia đình và phòng, chống BLGĐ treo tại các tuyến đường chính, các khu tập trung đông dân cư; phát hành 1.500 cuốn sách về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ… Nhiều mô hình phòng, chống BLGĐ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được thành lập. Đến nay, tại các huyện, thành phố đã thành lập được: 230 mô hình phòng, chống BLGĐ theo chuẩn của Bộ VH, TT và DL, 290 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, trên 560 nhóm phòng, chống BLGĐ, khoảng 1.000 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực… Thông qua việc xây dựng và duy trì các mô hình, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ tại các thôn, xóm góp phần tác động làm chuyển đổi nhận thức của cộng đồng, đấu tranh phê phán, đẩy lùi, ngăn chặn BLGĐ, xây dựng, ổn định trật tự xã hội, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện tiêu chí bình đẳng giới trong tiêu chuẩn gia đình văn hóa tại cơ sở. Năm 2019 toàn tỉnh có 521.160/613.378 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 84,9%). Có thể thấy, bằng các hành động cụ thể, thiết thực, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác bảo vệ phụ nữ nói chung và phòng chống BLGĐ nói riêng đã được nâng lên. Ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã có sự tham gia của phụ nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, các lĩnh vực từng bước được nâng lên. Sau Đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp huyện nhiệm kỳ 2020-2025, ở cấp cơ sở, có 52 đồng chí nữ tham gia cấp uỷ, đạt tỷ lệ 21,8% (tăng 5,5% so với nhiệm kỳ 2015-2020); ở cấp huyện có 1 nữ Bí thư Huyện ủy, 12 nữ ủy viên Ban thường vụ huyện ủy, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, tỷ lệ nữ cấp ủy đạt 17,3% (tăng 4,4% so với nhiệm kỳ 2015-2020). Tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ở cấp tỉnh có 13 đại biểu nữ (chiếm tỷ lệ 19,4%); cấp huyện có 96 đại biểu nữ (chiếm tỷ lệ 24,3%); cấp xã là 1.323 đại biểu nữ (chiếm tỷ lệ 22,2%).
Triển khai “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” năm 2020 (từ ngày 15-11 đến 15-12-2020) với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND. Kế hoạch nêu rõ mục đích Tháng hành động nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB và XH chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thành phố tuyên truyền chủ đề, thông điệp và các hoạt động Tháng hành động; tập huấn nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; kiểm tra công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới tại các đơn vị, địa phương trong Tháng hành động. Sở GD và ĐT tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu văn nghệ… dành cho học sinh và giáo viên về chủ đề của Tháng hành động nhằm nâng cao nhận thức về công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Sở Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo và chủ động kiểm soát, giải quyết các nguyên nhân mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường hoạt động hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị bạo lực. Sở VH, TT và DL tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; nhân rộng mô hình “Xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới”. Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống tội phạm buôn bán người, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng cơ chế phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực giới ngay từ cơ sở. Báo Nam Định, Đài PT – TH tỉnh tăng thời lượng phát sóng, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động năm 2020. Uỷ ban MTTQ tỉnh, LĐLĐ tỉnh, Tỉnh Đoàn tổ chức lồng ghép các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em cho các hội viên, đoàn viên. Hội LHPN tỉnh tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tuyên truyền, diễn đàn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em cho hội viên, thành viên các câu lạc bộ. Tiếp tục nhân rộng mô hình “địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng” để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới. UBND các huyện và thành phố Nam Định chỉ đạo các cơ quan liên quan và các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động trong Tháng hành động năm 2020./.
Bài và ảnh: Viết Dư /Nguồn: Báo điện tử Nam Định