Chung tay hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam tại nước ngoài

(ĐHVO). Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện hóa sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đưa chính sách, pháp luật đến gần hơn với đời sống của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.

Hội thảo về hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài diễn ra tại Hà Nội ngày 26/10

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng gần 6 triệu người Việt Nam đang sinyh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, luôn tích cực đóng góp xây dựng đất nước. Vì vậy, công tác về người Việt Nam tại nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc, là nhiệm vụ chính trị được đặt ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015, Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính Phủ và Chỉ thị 12-CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư. Theo đó, một yêu cầu được đặt ra là cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại, triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn để đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại. Đồng thời, nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể chế hóa thông qua các chính sách pháp luật, văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua trong 20 năm qua đều có những nội dung quan trọng liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài như Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai,… cùng các chính sách về xuất nhập cảnh, trọng dụng nhân tài đã cơ bản hình thành tương đối đầy đủ hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.

Ủy Ban Đối ngoại của Quốc hội đã triển khai chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó ghi nhận những ý kiến của đồng bào ta ở nước ngoài về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, ngày 26/10 vừa qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đoàn Luật sư TP Hà Nội tổ chức hội thảo về hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài nhằm trao đổi giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, đại diện cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài về nhu cầu hỗ trợ pháp lý, cách thức hỗ trợ pháp lý trong các lĩnh vực như quốc tịch, hộ tịch, đầu tư, thương mại, lao động, xuất nhập cảnh,… đồng thời phát động chương trình hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài. Cho thấy rằng, tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện hóa sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đưa chính sách, pháp luật đến gần hơn với đời sống của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến, góp ý, đề xuất của nhiều kiều bào đến từ nhiều nước như: Vương Quốc Anh, Vương Quốc Bỉ, Nga, Úc, Hà Lan,… thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến

Tuy nhiên, bên cạnh đó cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài cũng rất mong muốn và cần nhận được sự hỗ trợ pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống ở nước ngoài cũng như các mối quan hệ pháp luật ở Việt Nam. Bởi lẽ, trên thực tiễn thực thi chính sách, quy định pháp luật còn tồn tại một số nội dung cần tiếp tục quan tâm trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Thông tin tại Hội thảo về hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài, căn cứ Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội gửi Ủy ban ĐỐi ngoại Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài (báo cáo gửi kèm công văn 4401/UBND-KGVX ngày 30/12/2022 của UBND thành phố Hà Nội) nêu một số nội dung và vấn đề như sau:

Vấn đề sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Chính sách về nhà ở có vai trò quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế, thu hút người người Việt Nam định cư ở nước ngoài trở về Việt Nam sinh sống, làm việc và đóng góp cho sự pháp triển của đất nước. Tuy nhiên, việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc xác định các loại giấy tờ chứng minh đối tượng là người Việt Nam hiện đang ở nước ngoài, đặc biệt với những người không còn giấy tờ hoặc người thân tại Việt Nam. Bên cạnh đó, mặc dù thủ tục hành chính đã được đẩy mạnh cải cách, giảm cả về thời gian và giấy tờ song do điều kiện và vị trí địa lý, không phải lúc nào kiều bào cũng có mặt trên lãnh thổ Việt Nam, vô tình khó khăn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc hoàn tất thủ tục quy định.

Vấn đề về hộ tịch: các vấn đề chủ yếu còn vướng mắc trên thực tế do các văn bản pháp luật chưa quy định cụ thể hóa các vấn đề về: Một là, áp dụng các văn bản pháp luật đã ban hành thực hiện việc đăng ký hộ tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, những trường công dân về nước mới phát sinh những vấn đề cần thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch hoặc đề nghị cấp bản sao từ sổ hộ tịch hiện đang bất cập khi Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao không có thông tin. Hai là, về giấy tờ liên quan đến việc chứng minh quốc tịch Việt Nam chưa ghi nhận căn cước công dân là một trong những giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam tại Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014. Ba là, về trình tự, thủ tục xác minh ở các cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài trong trường hợp hồ sơ không rõ ràng chưa được quy định cụ thể trong Luật Hộ tịch, Nghị định 123/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bốn là, chưa có hướng dẫn chi tiết việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch trong nước với các cơ quan đại diện ở nước ngoài trong công tác quản lý hộ tịch khiến việc người Việt Nam từng làm thủ tục hộ tịch ở nước ngoài về nước tiếp cận các thông tin được đồng bộ tại các cơ quan rất khó khăn.

Vấn đề trong việc giải quyết án dân sự có yếu tố nước ngoài: Các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài đa số là phức tạp, nhưng các đương sự lại không thể liên tục tại Việt Nam để tham gia trong suốt quá trình tố tụng nên thường phải ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, trong khi người được ủy quyền không nắm rõ các tình tiết nội dung vụ án đảm bảo quyền lợi cho người ủy quyền. Mặt khác, việc xác định người thừa kế đang ở nước ngoài trong các vụ án thừa kế, người thừa kế tố tụng đang ở nước ngoài hoặc xác định nơi cư trú của người Việt Nam ở nước ngoài, gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, giấy tờ chứng minh hợp pháp cũng như khéo dài thời gian tố tụng.

Có thể thấy, trong quá trình triển khai thực thi các chính sách, quy định pháp luật tồn tại những khó khăn, vướng mắt nêu trên do các quy định liên quan nằm rải rác trong các văn bản pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc người Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận, hiểu và nắm vững chính sách, văn bản pháp luật đã khó nhưng việc vận dụng, thực hiện và áp dụng giải quyết vấn đề đảm bảo quyền và lợi ích của người dân tại nước ngoài càng khó hơn. Thực tế, trong bối cảnh hiện nay mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam không ngừng gia tăng, để giải quyết nhu cầu của mình một cách nhanh chóng người Việt Nam ở nước ngoài thường giải quyết nhu cầu pháp lý thông qua việc cung cấp dịch vụ pháp lý có thu phí của tổ chức hành nghề luật sư hoặc tìm hiểu thông tin rải rác trên sách báo, truyền thông mà chưa có sự thống nhất, đồng bộ về phương thức thể hiện cũng như đối tượng thụ hưởng. Bởi thế, làm thế nào để đáp ứng nhu cầu, mong muốn được hỗ trợ pháp lý của người Việt Nam tại nước ngoài, phương thức, hình thức hỗ trợ pháp lý mang tính khả thi, có hiệu quả cao đặt ra yêu cầu cấp thiết hình thành cơ chế hỗ trợ pháp lý thông qua các hoạt động gắn với chức năng nghề nghiệp của luật sư và sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, tố chức có liên quan.

Chính vì vậy, để triển khai hỗ trợ pháp lý một cách hiệu quả cho người Việt Nam ở nước ngoài cần xây dựng một kế hoạch tổng thể về phương hướng và biện pháp thực hiện, trong đó Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đóng vai trò quan trọng. Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài như sau:

  • Xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền pháp luật hay nhận dịch vụ pháp lý của các nhóm, khu vực cộng đồng Việt Nam ở mỗi nước để có nội dung, nhình thức và biện pháp hỗ trợ pháp lý cho phù hợp;
  • Đối mới hình thức, phương thức hỗ trợ pháp lý, tăng cường cơ chế phối hợp nhằm huy động các nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hỗ trợ pháp lý;
  • Triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có sự phối hợp trong và ngoài nước tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài; góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật Việt Nam cũng như chấp hành pháp luật của quốc gia sở tại, tuyên truyền vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về tổ quốc, nâng cao nhận thức bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và chủ quyền quốc gia.
  • Tăng cường mở rộng hợp tác, quan hệ hữu nghị với hiệp hội luật sư các quốc gia có mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam để hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài trong các vấn đề liên quan đến pháp luật nước sở tại; trao đổi, thỏa thuận, hợp tác với Hiệp hội (Đoàn) luật sư nước sở tại theo nguyên tắc có đi có lại.
  • Tạo mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan đại diệ ngoại giao của Việt Nam, các cơ quan, tổ chức của người Việt Nam ở các nước, xác định rõ đối tượng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý phù hợp;
  • Phối hợp với Sở Tư pháp; Sở Ngoại vụ, PA01, PA03 – Công an Thành phố Hà Nội, A03 – Bộ Công an để thực hiện đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các nhiệm vụ chính trị phụ vụ công tác người Việt Nam ở nước ngoài;
  • Huy động sự tham gia của các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư vào mỗi chương trình hỗ trợ pháp lý cụ thể; trước mắt, tập trung vào các quốc gia nhóm các nước Đông Nam Á và nhóm các nước quan hệ ngoại giao thân thiết, song phương lâu dài hay đối tác toàn diện như Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản,… và một số quốc gia có số đông người Việt Nam đang sinh sống và làm việc (đặc biệt cần chú trọng tuyên truyền cho nhóm đối tượng đang cư trú, lao động bất hợp pháp, hết hạn visa không về nước,… về các tiềm ấn rủi ro pháp lý mà họ có thể phải gánh chịu), thí điểm và nhân rộng triển khai trên các quốc gia khác.
  • Phối hợp với các trường đại học chuyên ngành luật, đào tạo luật sư, thương mại quốc thế, ngoại giao,… tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, đối ngoại nhân dân và chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị và trách nhiệm với cộng đồng cho luật sư tham gia hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài;
  • Đề xuất cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kịp thời phối hợp, hỗ trợ, giảm bớt các thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện tốt chức năng nghề nghiệp và có thể đáp ứng nhanh nhất yêu cầu của kiều bào trong công tác hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài;
  • Phối hợp với các tổ chức hành nghề luật sư có chi nhánh ở một số quốc gia để giới thiệu với kiều bào ở nước ngoài biết về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài; thiết lập đầu mối (hoặc đường dây nóng) để tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu hỗ trợ pháp lý của người Việt Nam ở một số quốc gia.
  • Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá đối với các chương trình, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài thông qua nhiều hình thức như trực tiếp, trực tuyến, các kênh truyền thanh, truyền hình dành cho người Việt Nam ở nước ngoài,…;

Với mục tiêu cụ thể và các biện pháp triển khai mang tính khả thi cao, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định mặc dù sẽ có nhiều thách thức, khó khăn trong việc triển khai thực hiện, nhưng với chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng với sự chung tay phối hợp của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, công tác hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài sẽ từng bước thành công, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, phát huy sức mạnh của toàn dân tốc, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

TDCC

Pháp luật sở hữu đối với các công trình chung cư và thực tiễn hiện nay

Đảm bảo quyền Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

hilap

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – 10 năm xây dựng và phát triển 

Picture10

Cần chế tài mạnh duy trì ý thức khi tham gia giao thông và chấp hành pháp luật về giao thông

3

Toạ đàm: Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hoá đọc sách pháp luật

nvn

Trẻ em khuyết tật đi học có được cấp học bạ không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang