(ĐHVO). Chuỗi hoạt động tập huấn kỹ năng mềm mở đầu với chủ đề “Kỹ năng giao tiếp” do Câu lạc bộ Công tác xã hội tổ chức những hoạt động, buổi tập huấn, đào tạo cho người khuyết tật tại Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên được mở ra nhằm nâng cao khả năng ngoại giao, đối nhân xử thế trong các tình huống cho thành viên. Hoạt động có sự tham gia của các diễn giả, sinh viên nói chung và sinh viên người khuyết tật nói riêng.
Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện tốt nâng cao nhận thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức xã hội đối với các tổ chức của người khuyết tật. Thực hiện những yêu cầu đó, chương trình được tổ chức để người khuyết tật, người yếu thế có thể tham gia học hỏi, vượt qua rào cản tự ti, tự tin hơn trong giao tiếp.
Các bạn trẻ đăng ký và hào hứng tham dự chương trình
Nhằm nâng cao tinh thần, sự hiểu biết cho mọi người đặc biệt là người khuyết tật, tại buổi đào tạo nhấn mạnh về các quyền của người khuyết tật, quyền về chăm sóc sức khỏe, quyền về giáo dục, dạy nghề việc làm, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, quyền được tham gia giao thông. Đồng thời, tăng cường hiểu biết về cách thức sử dụng một số các phương tiện hỗ trợ dành cho người khuyết tật.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người khuyết tật về mọi mặt đảm bảo người khuyết tật ngày càng có nhiều điều kiện học văn hóa, học nghề, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt từ khi Việt Nam đã ký công ước về quyền của người khuyết tật, trong đó có điều ước không phân biệt đối xử với người khuyết tật, đảm bảo người khuyết tật sống và hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, Nhà nước luôn dành ngân sách để thực hiện các chính sách đảm bảo quyền toàn diện cho người khuyết tật ở các lĩnh vực như bảo trợ xã hội, giáo dục, tạo việc làm, giải trí, thể thao, tiếp cận công nghệ thông tin, tham gia giao thông, chăm sóc chu đáo cho người khuyết tật tại nơi cư trú, cơ sở khám chữa bệnh. Thông qua các chính sách, quyền của người khuyết tật càng được đảm bảo toàn diện, tạo điều kiện cho người khuyết tật phục hồi chức năng, hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh sự đồng hành của Đảng và Nhà nước,tổ chức phi chính phủ, các tổ chức của và vì người khuyết tật, để việc thực hiện bảo vệ quyền người khuyết tật được hiệu quả hơn, nhà nước khuyến khích tổ chức, các nhân tài trợ, trợ giúp về tinh thần, tài chính, kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ người khuyết tật.
Các bạn thành viên là người khuyết tật tham gia buổi đào tạo được mở rộng góc nhìn về kỹ năng giao tiếp, cũng như nhận thức sâu sắc hơn về việc cải thiện kỹ năng giao tiếp trong đời sống, trong môi trường thực tập và môi trường làm việc sau này. Những thành viên tham gia đã có cơ hội để giải đáp những thắc mắc của mình liên quan đến giao tiếp vượt qua rào cản khiếm khuyết để trở nên tự tin hơn trong công việc và học tập, đặc biệt trong chính chuyên ngành mà mình đang theo đuổi.
ThS. Đàm Thị Tấm chia sẻ cách thức giao tiếp hiệu quả
Hiểu sâu về những người yếu thế và khả năng học tập của họ, ThS. Đàm Thị Tấm – diễn giả tại buổi chia sẻ, cho biết: “Để có thể hiểu hơn, quan tâm về những người yếu thế, đầu tiên mình cần hiểu được tâm lí, đặt mình vào vị trí của họ để biết mới biết họ cần cái gì, đối với những người yếu thế trong xã hội họ sẽ rất khó chia sẻ những cái hoàn cảnh thật sự của họ, có những người cởi mở, tuy nhiên có những người rất ít khi chia sẻ. Đặc biệt đối với người khuyết tật, phải tiếp xúc với họ dần dần từng bước một và trải qua cả một quá trình tìm hiểu, thể hiện thành ý của bản thân đối với người khuyết tật, mình có thể giúp đỡ được họ trong hoàn cảnh cụ thể”.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công tác xã hội Ma Thị Phương chia sẻ cảm nghĩ tại buổi tập huấn
Bên cạnh đó những người có mặt tại buổi đào tạo cũng được tham gia các hoạt động vui chơi đầy thú vị, từ đó cải thiện thêm sự tự tin cho những người khuyết tật cũng như các thành viên tham gia. Là một trong những câu lạc bộ hoạt động tích cực hỗ trợ người khuyết tật, Chủ nhiệm Câu lạc bộ công tác xã hội Ma Thị Phương chia sẻ: “Buổi tập huấn hôm nay không chỉ có ý nghĩa với các bạn thành viên ngành Công tác xã hội mà còn có ý nghĩa thực tiễn cao với các bạn thành viên ngành học khác. Các bạn trẻ đã có cơ hội để được lắng nghe thông điệp, phương pháp và giải đáp những thắc mắc của mình để trở nên tự tin hơn khi giao tiếp.”
Chương trình nâng cao kỹ năng giao tiếp cho người yếu thế đã giúp các bạn trẻ, đặc biệt là những người yếu thế cần được hỗ trợ có cơ hội tham gia buổi đào tạo mở rộng góc nhìn về kỹ năng giao tiếp. Đồng thời, tăng thêm nhận thức sâu sắc hơn về việc cải thiện kỹ năng giao tiếp trong đời sống, trong môi trường thực tập và môi trường làm việc sau này.
Hoàng Long