Người khuyết tật ở nước ta ngày càng nhận được sự quan tâm, chăm sóc, trợ giúp về nhiều mặt. Tuy nhiên, để người khuyết tật tự tin hòa nhập, chủ động vươn lên trong cuộc sống, các bên cần chú trọng giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này.
Quan tâm về nhiều mặt
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, bằng hơn 7% tổng dân số, trong đó có gần 3 triệu người có giấy chứng nhận là người khuyết tật. Để trợ giúp người khuyết tật, nước ta đã xây dựng hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, hơn 100 cơ sở giáo dục chuyên biệt ở nhiều tỉnh, thành phố.
Việc trợ giúp người khuyết tật được triển khai bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng dạng tật, hoàn cảnh. Với người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, hoặc mất nguồn nuôi dưỡng ngoài cộng đồng, họ được trợ cấp hằng tháng hoặc chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài tại các trung tâm bảo trợ xã hội, với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Bà Đỗ Thị Tính, thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường (huyện Ba Vì) chia sẻ: “Tôi và chồng đều thuộc đối tượng người khuyết tật đã hết tuổi lao động. Các con tôi không may mất sớm, nên nhiều năm qua chúng tôi sống nhờ nguồn trợ cấp xã hội…”.
Với những người có khả năng nhận thức, lao động, họ được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để học văn hóa, học nghề, giới thiệu việc làm. Khi có việc làm, nhiều người khuyết tật tự tin hòa nhập dựa trên khả năng của chính họ. Bà Lương Thị Minh Nguyệt, thôn Ninh Cầm, xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn), hiện là Giám đốc Hợp tác xã Sức sống xanh cho hay: “Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, tôi đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Sức sống xanh vào cuối năm 2018, tạo việc làm cho bản thân và hàng chục lao động khuyết tật khác”.
Không chỉ quan tâm về đời sống, người khuyết tật còn được hỗ trợ tiếp cận giao thông, thông tin và truyền thông, trợ giúp pháp lý, tham gia hoạt động văn hóa, thể thao… Thông qua nhiều biện pháp trợ giúp, đời sống của người khuyết tật ngày càng được cải thiện. Hiện tại, hơn 90% gia đình có thành viên là người khuyết tật ở nước ta không còn phải sống trong cảnh nghèo; gần 90% trẻ khuyết tật học tiểu học đúng độ tuổi…
Chú trọng giải quyết việc làm
Hoạt động trợ giúp người khuyết tật vươn lên đã, đang được sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội, mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, công tác giải quyết việc làm cho người khuyết tật – giải pháp mang tính then chốt, nền tảng để người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế. Theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tỷ lệ có việc làm đối với lao động là người khuyết tật mới đạt khoảng 36%.
Đáng quan tâm hơn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người lao động khó tiếp cận với cơ hội việc làm hơn so với trước đây. Bà Đào Thu Hương, cán bộ về quyền của người khuyết tật thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam thông tin, khoảng 30% người khuyết tật bị mất việc làm, gần 50% bị giảm giờ làm do dịch Covid-19. Thực trạng này đòi hỏi các bên cần quan tâm, hỗ trợ lao động khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm hơn nữa.
Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề (Hội Người mù thành phố Hà Nội) dẫn chứng, phải rất khó khăn, các tổ chức của người khiếm thị ở Hà Nội mới giúp được 2.000 người khiếm thị có việc làm, chủ yếu làm nghề tẩm quất, xoa bóp… Đó là những công việc giản đơn, thiếu tính ổn định, nên dễ bị thay thế, mất việc, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ thực tế này, ông Trần Trung Hiếu kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp trợ giúp về việc làm theo hướng bền vững.
Dưới góc độ quản lý nhà nước ở cơ sở, bà Đỗ Thị Minh Loan, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Hà Đông cho rằng, nguồn lực trợ giúp về việc làm cho người khuyết tật cần được tăng cường. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.
Để người khuyết tật tự tin vươn lên, năm 2022 và những năm tiếp theo, vấn đề trợ giúp về việc làm cho người khuyết tật được các cơ quan chức năng quan tâm triển khai. Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho người khuyết tật. Các đơn vị, địa phương, cơ sở dạy nghề ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật.
Còn Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi thông tin, hiện cả nước có 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có 3.000 giáo viên trực tiếp dạy nghề cho nhóm lao động đặc thù này. Đặc biệt, nội dung đào tạo nghề, tạo việc làm với người khuyết tật… được quy định rõ tại Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Đây là cơ sở, hành lang thuận lợi để các bên cùng quan tâm hỗ trợ về việc làm cho người khuyết tật, giúp họ có hành trang vững chắc vượt lên khó khăn, hòa nhập xã hội./.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội