Chủ tịch Hội NKT huyện Giao Thủy, một tấm lòng cao cả

(ĐHVO). Tháng ba, hoa gạo rụng đỏ một góc đường thôn, mùi hương bưởi lan tỏa vào trong gió khiến con người có cảm giác thư thái của những ngày cuối xuân, những tia nắng chiều mơn trớn như đùa giỡn với những đám lá lộc non làm nên khung cảnh thanh bình đến lạ. Dừng trước ngôi nhà hai tầng khang trang năm trong xóm 2 xã Giao Xuân, chúng tôi tới thăm anh Phượng – Chủ tịch Hội NKT huyện Giao Thủy, một người “đặc biệt” .

Anh Phượng trước cổng ngôi nhà của mình tại xa Giao Xuân, huyện Giao Thủy, Nam Định

Với điệu bộ lúc lắc cái đầu, thi thoảng cựa trở mình trên chiếc xe lăn bốn bánh, giọng nhẹ nhàng, anh Phượng kể về cuộc đời đầy điển tích của mình, những thành công mà anh từng đạt được cùng với những sóng gió của cuộc đời mà anh coi đó là điều bình thường qua câu chuyện kể. Những mảnh ghép của cuộc sống thăng trầm hiện hữu như một trang tiểu thuyết khiến người nghe như đang lạc bước vào xứ sở kỳ lạ nào đó.

Ngày đó, như bao bạn bè cùng trang lứa, anh rời quê hương lên đường vào quân ngũ, theo tiếng gọi thiêng liêng tổ quốc. Cái thời kỳ hậu chiến tranh, thời miền nam Việt Nam vừa hoàn toàn giải phóng, nhưng vẫn còn đó những nhức nhối của nạn Pôn – Pốt độc tài tàn bạo. Ngày đó, quân tình nguyện Việt Nam luôn trong tư thế sẵn sàng viện trợ quân sự cho nhân dân Campuchia. Anh tham gia vào lực lượng đặc công, với sự năng động, mưu trí cùng với sự gan góc của mình anh luôn được đồng đội, chỉ huy quan tâm yêu mến. Cuộc sống là vậy luôn mang đến những điểu bất ngờ khó đoán mà ở đó may, rủi không ai biết trước được điều gì.

Rồi ngày 28/05/1984 đầy định mệnh ấy đến, anh được điều động về Nam Định, được về gần nhà là điều ai cũng hằng mơ ước. Cầm quyết định chuyển đơn vị với tâm hồn vui phơi phới cùng viễn cảnh hồi hương sau nhiều năm lăn lộn trên chiến trường “Cam” đầy rẫy nguy hiểm của mưa bom bão đạn. Bất chợt một tiếng rầm chát chúa vang lên, chiếc xe chở khách của Sư đoàn 337 lộn nhào bởi cung đường cua gấp trên tuyến đường Lạng Sơn về Hà Nội.

Trong cơn hoảng loạn, một số người liều nhảy ra ngoài. Anh bị kẹt lại nửa thân dưới trong xe khi anh cố thoát ra ngoài qua ô cửa sổ xe, người cùng hàng hóa va đập vào nhau bởi cú lật quá mạnh, anh bị những kiện hàng trong xe đè chật cứng nửa thân dưới. Anh tỉnh dậy trên giường bệnh với chuẩn đoán gẫy dập hai đốt sống, gãy sương bả vai, chấn thương đầu nghiêm trọng dẫn đến mất trí nhớ và mất cảm giác, sự sống với anh khi đó quá mong manh.

Được sự động viên của các bác sĩ, anh được chuyển về nhà, có lẽ họ không muốn anh mất khi còn trong bệnh viện, chí ít họ muốn anh được về trong vòng tay thương yêu chăm sóc của gia đình trong những tháng ngày cuối đời ít ỏi còn lại. Kỳ tích đã đến với anh, sau thời gian nằm “đợi” ở nhà được mấy tháng cơ thể anh dần dần hồi phục, có thể ăn được chút cháo loãng, và cứ thế các hoạt động cơ thể dần được hồi phục, ban đầu là phần đầu, một bên cánh tay, cùng với đó là cảm giác cơ thể, trí nhớ hồi phục, duy chỉ phần thân dưới là không còn cảm giác gì.

Việc anh hồi phục đã làm dấy lên hy vọng, gia đình lại tìm khắp mọi nơi những phương thuốc trong dân gian của tất cả mọi nơi mà được biết đến, và rồi trời cũng không phụ lòng người có tâm, họ đã tìm và gặp được đúng thầy, đúng thuốc, ông chuyên chữa đốt sống và thần kinh, chỉ một thời gian đắp lá thuốc anh đã cảm nhận được và hồi phục nửa thân người trên một cách nhanh chóng. Có lẽ, đó cũng là cái duyên của những người lính và đặc biệt hơn nữa, ông cũng là thương binh, một người lính biệt động thành kỳ cựu. Người thầy thuốc trưởng thành từ phương thuốc dân gian mà thành công bởi được thử nghiệm trên chính cơ thể gần như bỏ đi của mình, và cũng nhờ bài thuốc đắp lá chữa đốt sống và thần kinh ấy mà ông đã cứu giúp miễn phí cho rất nhiều người cùng chung cảnh ngộ, trong đó có anh.

Cuộc sống cứ thế tiếp nối trôi đi, ngày qua ngày, hình ảnh “người thương binh” không chế độ nằm trên chiếc xe bò kéo được kéo đi khắp làng trên xóm dưới mỗi khi có những công việc thủy lợi nội đồng khó giải quyết, hay đôi khi chỉ chiếc máy xúc bị lầy khi xa vào vùng cát chảy. Những tưởng cuộc sống cứ vậy êm đềm trôi, và cuộc đời chắc không còn biến cố, cho đến một ngày vào mùa xuân năm 2002, chiếc xe bò kéo anh bị lật trong một lần anh đi xử lý sự cố của chiếc máy xúc bị sa lầy trong vùng cát chảy, trong khi khắc phục con mương thủy lợi nội đồng cho cánh đồng tôm xóm dưới.

Nhập viện lần hai, trong bệnh viện đa khoa huyện Giao Thủy, vết thương mới cộng thêm phần hoại tử của vết thương cũ, toàn bộ phần chi bên dưới cùng hai đốt sống phải cắt bỏ, cuộc đại phẫu thuật không như mong đợi, khiến anh mất máu quá nhiều. Sau tám tiếng phẫu thuật, anh rơi vào hôn mê sâu, ba ngày không hồi tỉnh, đến ngày thứ tư anh tỉnh lại trong sự mừng vui của toàn thể gia đình và y bác sĩ trong bệnh viện.

May mắn cho anh chú ạ, nếu ngày đó không cắt bỏ được phần chi bên dưới thì có lẽ anh không còn vì bị hoại tử lan truyền, giờ phần cơ thể còn lại của anh không khỏe mạnh như vậy đâu” – Anh hồ hởi.

Rồi cứ thế, những câu chuyện đời được anh thuật lại với niềm hân hoan, sự hào hứng ấy như những bản nhạc thăng trầm mà người nghệ sỹ phải điêu luyện lắm mới lột tả hết được sự kỳ bí ấy. Ngày ấy, vào những năm 2003, với kiến thức do tự mình tìm tòi học hỏi anh đã tổ chức những đội ngũ chuyên trục vớt các con tàu đắm ngoài cửa biển xã Giao Xuân, những con tàu hàng nghìn tấn được anh trục vớt chỉ bằng những thiết bị thô sơ do chính anh nghiên cứu học hỏi qua nhưng năm tháng làm việc tiếp xúc cùng nhưng người thợ lặn kỳ cựu. Những người thợ lặn mà sau này là những người thợ chủ chốt lắp đặt những đường ống ngầm có độ phức tạp cao dưới lòng biển, họ là một trong số những công nhân lắp đặt đường ống Fomosa Hà Tĩnh sau này.

Không có đôi chân, nhưng anh có chiếc bốn bánh xe sẵn sàng chở anh đi khắp các miền tổ quốc. Ở mỗi nơi, anh đều nghiên cứu học hỏi cho mình được những “kiến thức đắt giá” mà không trường lớp nào có thể dạy. Với cái đầu thông minh và những cách làm cách nghĩ táo báo, khôn ngoan, anh có được những bài học quý giá từ chính những người công nhân có kinh nghiệm lão luyện, có tay nghề và cả nhiệt huyết với nghề đã phục vụ những công việc mà anh đầu tư thực hiện.

Cuộc sống nhiều trớ trêu khi anh quá tin bạn, để rồi sự nghiệp cũng kết thúc bởi chính lòng tin ấy. Anh đã mất tất cả bởi chính những người mà anh tạo điều kiện cho làm cùng. Anh biết vợ chồng Thủy, Diệu khi anh còn làm ngao ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đã có lần anh vào nhà họ ở Đà Nẵng chơi. Nhà họ nghèo, những đứa con còn nhỏ tự chăm nhau mỗi khi bố mẹ đi vắng xa nhà. Anh tạo điều kiện cho họ trang trải nợ nần và rồi cũng chính họ lại lấy đi của anh tất cả. Lần đó vào thời điểm đầu năm 2006 lấy lý do trục vớt con tàu biển bị đắm ở Quảng Ninh, hai vợ chồng Thủy, Diệu mượn toàn bộ đồ nghề anh có ra Quảng Ninh để làm. Nhưng thời gian dài trôi qua họ bặt vô âm tín đến khi anh gặp họ, buồn thay họ cũng trắng tay bởi nợ nần do làm ăn thua lỗ.

Chán nản, anh lại quay về với biển quê hương, duyện nợ với biển cả bao la chưa bao giờ dứt đối với anh. Vận dụng kiến thức và kinh nghiệm từ nhiều năm trước, khi còn làm thủy lợi nội đồng giúp dân, anh nghiên cứu cách nuôi ngao giống. Với nguồn vốn ít nhưng mang lại hiệu quả lớn. Anh bắt tay vào thu mua những vùng đất ven biển của những người dân không có khả năng canh tác, cải tạo đất, tạo vùng nuôi.

Năm đầu, anh dùng toàn bộ số tiền mà mình còn có được từ việc trục vớt tàu đắm, với số tiền hơn ba trăm triệu, cả gia tài còn lại anh dùng cả vào việc đầu tư nhân giống ngao. Năm đó anh thắng lớn, với số tiền hơn một tỉ lợi nhuận thu về, anh đầu tư tiếp vào việc cải tạo thêm hồ nuôi và đầu tư vào máy móc, thiết bị. Anh đã có 5 hồ nuôi trên khuôn viên 16 ha đất bãi ngoài mà anh mua lại. Bằng kiến thức có được từ việc trục vớt tàu, thay vì anh dùng máy xúc đào để cải tạo xây dựng hồ nuôi, anh dùng máy hút cát, từ cách làm đó mang lại hiệu quả vượt bậc giúp anh rút ngắn được rất nhiều thời gian cùng với đó là chi phí rất thấp.

Mọi kiến thức có được là do trong quá trình giao thương với các kỹ thuật từ mọi miền tổ Quốc, những chuyên gia người nước ngoài, từ việc thay nước, lọc nước hay cách làm sạch khuẩn hồ nuôi bằng sinh học thay vì bằng hóa chất như cách nhà nông vẫn thường làm, từ đó tạo hiệu quả, cho năng suất cao trong quá trình nhân giống. Chuyên gia người nước ngoài họ giỏi lắm! Cái giỏi của họ là họ biết tìm hiểu cội nguồn của sự việc, họ biết dùng thời gian một cách khoa học trong quá trình nghiên cứu, từ những sự việc cụ thể để họ nghiên cứu ra các giải pháp”. Anh chia sẻ.

Bầu trời tối dần, dường như câu chuyện của anh còn dài vô tận, nó còn ly kỳ và đầy kịch tính, anh kể cho chúng tôi nghe về những tháng năm thăng trầm của giai đoạn sau này. Cái thời kỳ huy hoàng của anh, khi liên tục nhiều năm thu hoạch lớn từ các nguồn nuôi ngao giống, hàu giống, ghẹ giấy, tôm hùm, cá bống bớp. Anh đã từng góp vốn làm ăn với rất nhiều người từ Huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Vinh, Quảng Ninh… thắng lợi nhất vào những năm 2013 đầu 2014 anh thu hàng chục tỉ đồng tiền lãi hàng năm. Có tiền, có vốn, anh đầu tư xây dựng khu xưởng sản xuất mang tên hợp tác xã dành cho người khuyết tật, anh dành gần hai tỉ đồng vào việc lắp dựng xây dựng nhà xưởng và lắp đặt máy móc thiết bị trên khuôn viên rộng trên 2ha mà anh mua của dân ngay trên xã Giao Xuân, từ máy may, máy tiện cơ khí các loại, với hy vọng tạo cơ sở hướng nghiệp dạy nghề cho những người đồng cảnh ngộ, những con người không may mắn như mình có được công ăn việc làm, chí ít cũng có thể nuôi sống bản thân đồng thời phụ giúp gia đình vơi đi phần nào khó khăn.

Hai năm xây dựng, khu Trung tâm sản xuất của Hợp tác xã cũng đã hình thành, anh tiếp nhận tất cả những người khuyết tật trên chính quê hương mình và tất cả mọi người trên khắp các vùng miền nếu có nhu cầu học nghề từ mọi lứa tuổi. Anh tài trợ cho họ toàn bộ chí phí ăn ở để họ có cơ hội học nghề, và làm nghề theo đúng khả năng của mình. Anh thành lập Câu lạc bộ NKT vào năm 2014 và cũng là tiền thân của Hội NKT huyện Giao Thủy ngày nay, anh là Chủ tịch Hội, họ bầu anh như vậy bởi anh là “nguồn sống” duy nhất của Hội. Qua ba năm sản xuất hướng nghiệp, dạy nghề tại HTX nhưng không hiệu quả bởi đầu vào có, những đầu ra thì không. Các doanh nghiệp hầu như rất ngại khi tuyển dụng NKT vào làm, theo họ, hiệu quả lao động của NKT không cao. HTX của anh một lần nữa đứng trước nguy cơ đóng cửa, ước mơ của anh dần khép lại. Hội viên cũng từ đó mà không mấy mặn mà với việc học nghề, họ chỉ mong kiếm tìm một công việc gì đó để kiếm sống qua ngày. Thậm chí, nhiều người hành nghề ăn xin vì họ kiếm được nhiều tiền hơn mà không phải học hành gì.

“Cuối năm rồi chú điện cho tôi, tôi đang năm viện tưởng chết rồi đấy chú, may sao mà qua được. Tôi bị sỏi thận, đau quá đi mổ, mổ ở bệnh viện Việt Đức vào đầu tháng chín, qua phương pháp tán sỏi qua da, đã chuẩn đoán và tán thành công được một bên rồi, họ nói phải một tuần sau mới mổ tiếp được bên kia. Vậy mà sao mới được ba hôm họ lại gọi đi tán tiếp, chắc thấy tôi hồi phục nhanh. Tôi bị sốc phản vệ với thuốc gây mê chú ạ! Tôi thiếp đi ba ngày sau mới tỉnh. Nằm hai tháng điều trị cả đông tây y kết hợp, giờ mới có thể về nhà còn khỏe mạnh như này đấy chú! Nhưng năm rồi năm hạn, anh tuổi Mão mà anh sinh năm 63 đấy, thiệt hại về kinh tế lớn quá chú ạ! Bãi ngao bên Hải Đông của anh bị sạt lở, nhiều hồ nuôi bị hỏng không thể cứu vãn, mất bao tiền xây kè rồi chỉ một trận bão năm ngoái đã cuốn đi của anh tất cả, người thì ốm không thể xuống được. Buồn lắm!.”

Tôi chợt nhận ra, anh gầy hơn lần trước tôi gặp anh rất nhiều. Có lẽ bởi gương mặt anh không mấy thay đổi. Bóng tối đã phủ đầy, không gian trở nên tĩnh mịch hơn. Tôi định bụng xin phép ra về, nhưng dường như anh thì không muốn điều đó bởi trong anh còn vô vàn điều cần tâm sự, còn nhiều điều trong sâu thẳm từ anh mà từ rất lâu anh chưa từng thổ lộ. Anh giới thiệu cho tôi xem về ngôi nhà của mình, về không gian thờ cúng thiêng liêng của gia đình được anh dày công chăm chút. Quả thật là đẹp! Đôi câu đối và chiếc hoành phi được những người thợ thủ công chế tác một cách tinh xảo, được dát toàn bộ bằng vàng 9999, cùng những món bài trí trên ban. Tôi biết, anh phải kỳ công lắm mới có được.

Rồi cũng đến lúc nói lời chia tay, anh tiễn chúng tôi ra ngõ, con ngõ được đổ bê tông rộng thênh thang có khi còn to hơn con đường liên xã mà chúng tôi vừa đi qua.

Con đường này anh Phượng bỏ một nửa tiền ra để làm đấy, ở trong xóm, xã này anh ấy tài trợ cho nhiều lắm, cả hội viên Hội NKT bây giờ nhiều lúc không có tiền hoạt động anh ấy tài trợ cho. Anh ấy tốt tính lắm! Anh ấy là người giới thiệu chị vào Hội NKT năm 2016 đấy”. Chị Xuân chủ tịch Hội NKT tỉnh Nam Định chia sẻ.

Chia tay anh, chiếc xe chuyển bánh dần khuất cuối con đường. Phía sau chiếc xe bốn bánh còn hiện mờ mờ phía sau nơi cuối con đường nhỏ. Bất chợt, thấy lòng trĩu nặng với cảm giác buồn miên man…

Trần Hồng

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang