Chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người khuyết tật

(ĐHVO). Sự kỳ thị đối với người khuyết tật thể hiện qua quan điểm và nhận thức của người bình thường về người khuyết tật, những cảm nhận của họ về những người mà họ cho là không bình thường, họ cảm thấy ghê sợ với hình hài không được hoàn thiện của người khuyết tật, nhiều người có suy nghĩ rằng người khuyết tật là kẻ vô dụng ăn bám và là gánh nặng cho xã hội.

Kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người khuyết tật là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc người khuyết tật không được hòa nhập vào các hoạt động văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội của cộng đồng. Kỳ thị và phân biệt đối xử cũng gây ra tỷ lệ thất nghiệp cao và dẫn đến trình độ học vấn thấp đối với người khuyết tật. Đồng thời, đó là nguyên nhân khiến nhiều người khuyết tật mất cơ hội kết hôn và sinh con trong khi đây là những vấn đề rất quan trọng về mặt văn hoá.

Thực tế, không phải ai sinh ra cũng có được một một cơ thể lành mạnh, có những người mất đi sự may mắn ngay khi vừa mới chào đời. Họ bị khuyết tật, cơ thể có khuyết điểm kì dị chẳng được giống với những người bình thường, họ có thể bị liệt một hay một vài bộ phận, họ có thể không nhìn hoặc nghe thấy thế giới thường nhật hoặc họ có thể bị khuyết tật dạng nào đi chăng nữa cũng đều khiến họ phải chật vật vượt qua nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Bởi vậy, vấn đề phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người khuyết tật cần được tháo gỡ và quan trọng hơn là việc phòng chống những hành vi này sẽ được thực hiện ngày một hiệu quả để người khuyết tật được hòa nhập và tiếp cận một cách đầy đủ, bình đẳng trong xã hội.

Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD) khẳng định, người khuyết tật có tất cả mọi quyền như bao người khác, trong đó có quyền được sống, được bảo vệ nhân phẩm, được tham gia vào các hoạt động của xã hội và không có sự phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào.

Mở cánh cửa hòa nhập để người khuyết tật tự tin hơn (Ảnh: Báo Điện tử Dân sinh)

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ quyền của người khuyết tật, nổi bật nhất là việc ban hành Luật Người khuyết tật 2010. Theo Điều 4 Luật này, người khuyết tật có quyền chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, tiếp cận trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, Ban ngành đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể để thực hiện hóa các chính sách hỗ trợ người khuyết tật như: Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020; Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020; Dự án Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2008-2016, v.v. Và gần đây nhất là Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030, hội thảo “Phòng chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật” do UNDP chủ trì thông qua sự hỗ trợ của Dự án Hợp tác thúc đẩy Quyền người khuyết tật giữa các tổ chức của Liên Hợp Quốc (UNPRPD). Có thể thấy, Đảng và Nhà nước, các tổ chức của và vì người khuyết tật luôn dành sự quan tâm lớn đối với người khuyết tật nhằm thúc đẩy có hiệu quả công tác nâng cao nhận thức toàn dân nói không với kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người khuyết tật ngày càng được chú trọng.

Đối xử với người khuyết tật một cách bình đẳng nhân ái và thấu hiểu là thái độ cần có của mỗi người đó cũng sẽ là một phần động lực giúp họ vượt qua sự bất hạnh ấy một cách thật vui vẻ và ngược lại sự chê bai, dè bỉu, kì thị sẽ khiến họ cảm thấy bị quan và mất đi một nguồn năng lượng lớn.

Dẫn tại Trang tin điện tử Thể dục Thể thao Việt Nam, câu chuyện của nữ vận động viên nhảy xa Sayaka Murakami không chỉ đặt mục tiêu chinh phục một tấm huy chương tại Thế vận hội Paralympics Tokyo mà niềm mong đợi lớn hơn của cô đó là sự chấp nhận của xã hội Nhật Bản cho việc hòa nhập của người khuyết tật vào đời sống bình thường chứ không bị “khuất tầm mắt” của cộng đồng như lâu nay. Kể từ khi Nhật Bản giành được quyền đăng cai Thế vận hội Paralympics Tokyo, truyền thông và cộng đồng bắt đầu chú ý nhiều hơn đến cộng đồng người khuyết tật thông qua hình ảnh của những vận động viên khuyết tật


Vận động viên khuyết tật đang nỗ lực tập luyện với hy vọng sẽ tỏa sáng trong kỳ Thế vận hội Paralympics Tokyo (Nguồn ảnh: Internet)

Phải chăng, món quà có ý nghĩa lớn nhất đối với người khuyết tật không phải tiền bạc, vật chất mà thể hiện ở thái độ ứng xử của mọi người, sự quan tâm động viên, cảm thông, thấu hiểu dành cho họ. Hành động và thái độ nhân văn ấy là ngọn lửa xua tan đi băng giá, sưởi ấm tâm hồn của họ, giúp họ chiến thắng nỗi đau, sự dằn vặt khi họ không có được một cơ thể may mắn.

Hồng Thái

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang