(DHV0). Thời gian qua, Việt Nam với tinh thần chống dịch như chống giặc đã cách ly toàn xã hội và khá thành công trong công tác chống dịch được thế giới ghi nhận. Tình tình dịch bệnh ngày càng phức tạp trên phạm vi toàn cầu với hơn 200 quốc gia đang phải đối mặt. Một giải pháp trường kỳ, dài hơi chống dịch là bài toán không dễ quyết định đối với Lãnh đạo Đảng và Chính phủ cần gấp rút đưa ra.
Mấy ngày qua trên mạng xã hội có nhiều ý kiến đóng góp vì một mục tiêu chung là chống dịch và sự an toàn chung của mọi người. Mỗi người một ý kiến khác nhau và có sự phản biện khác nhau được bàn luận công khai dân chủ. Điều đó thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng, xã hội và với dân tộc ta là đáng hoan nghênh.
Thiết nghĩ, chống dịch trong bối cảnh hiện nay ở nước ta cũng như toàn thế giới là trận chiến trường kỳ, dài hơi cần tập trung cao độ cả trí, lực, sự đoàn kết, kỷ cương và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước trên mặt trận Covid. Đồng thời giải được cùng lúc nhiều bài toán như phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giáo dục, quốc phòng…Đó là điều không dễ như nghệ sỹ đi trên dây sơ xảy là ngã chết như chơi. Đúng là chống dịch như chơi cờ vậy. Mỗi nước cờ như quả núi không dễ quyết định.
Nhằm đảm bảo một cách vĩ mô toàn diện, cân đối các mặt xã hội như sản xuất, kinh tế, giáo dục…một cách dài hơi thì chúng ta nên thực hiện như sau:
Một là: Giãn cách toàn xã hội
Giãn cách xã hội thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Để các hoạt động kinh doanh sản xuất vẫn diễn ra trong điều kiện được kiểm soát đối với các vùng tỉnh, quận, huyện không có dịch. Không có người nghi nhiễm bệnh làm tiền đề và nguồn lực tích trữ và sản xuất của cải vất chất cho xã hội nhằm chống dịch lâu dài. Đồng thời chuẩn bị nhu yếu phẩm, thực phẩm, tài chính, y tế như khẩu trang, máy thở, quần áo bảo hộ… tích trữ chuẩn bị chống dịch và cung cấp cho vùng có dịch.
Giãn cách xã hội giữ khoảng cách tối thiểu 2m (Nguồn Internet)
Hai là: Cách ly xã hội
“Cách ly xã hội” giống như tình hình 15 ngày theo Chỉ thị 16 của Chính phủ được thực hiện với vùng có người nghi nhiễm nhằm theo dõi, khống chế sự lây lan trên diện rộng. Cứ ở đâu có F2, F3 là thực hiện cách ly, xét nghiệm và triển khai các phương án được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đối phó, dập tắt từng khu vực không để dịch bùng phát rộng thêm. Thời gian cách ly nên là 28 ngày đảm bảo tuyệt đối không còn nguy cơ lây nhiễm mới chuyển sang trạng thái Giãn cách xã hội.
Cách ly xã hội (Nguồn Internet)
Ba là: Phong tỏa và cách lý bắt buộc tập trung
“Phong tỏa và cách ly” bắt buộc thực hiện trên phạm vi vùng có dịch, vùng có người nhiễm, vùng có người đang điều trị nhằm quyết liệt xử lý chữa và dập dịch dứt điểm đến khi hết có người nhiễm bệnh mới chuyển sang trạng thái “cách ly xã hội”.
Như vậy, với việc “Cách ly toàn xã hội” sẽ làm mất đi nguồn lực và sự chuẩn bị dài hạn cho công cuộc chống dịch giằng co nhưng bắt buộc phải thực hiện nếu tình hình xấu đi. Nếu không, chúng ta nên phân vùng, khoanh vùng một cách linh hoạt chống dịch trên nguyên tắc nhất định như trên. Có như vậy trên phương diện vĩ mô và vi mô sẽ tạo ra một xã hội vẫn sản xuất, vẫn chống dịch trên các khu vực phân chia cụ thể và đánh giá mức độ để xử lý. Hạn chế cách ly toàn xã hội hay phong tỏa toàn bộ dẫn đến một xã hội thiếu nguồn lực, thiếu kinh tế, thiếu tích trữ thiếu sự chuẩn bị vật tư y tế, thuốc men và tiền bạc thì cũng khó duy trì trạng thái chống dịch dài hơi được.
Phong tỏa khu vực có người bị nhiễm bệnh (Nguồn Internet)
Trường kỳ chống dịch cũng giống như chơi cờ hay thực hiện chiến thuật phân cách khoang tàu ngầm, đồng nhất mà phân cách, phân cách mà đồng nhất. Cần lắm một giải pháp tốt và hợp lý.
Nguyễn Khương