Chính sách nhân đạo của luật hình sự hiện hành đối với người khuyết tật

(ĐHVO). Chính sách hình sự ở nước ta qua các thời kỳ luôn thể tinh thần kiên quyết đấu tranh tội phạm, nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, tổ chức chỉ đạo thực hiện tội phạm. Khoan hồng với người phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, người phạm tội đầu thú hoặc tự thú, người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng đầu tranh phát hiện tội phạm, điều tra giải quyết vụ án. Tinh thần nhân đạo, khoan hồng trong Luật hình sự được luật hóa từ nền tảng truyền thống văn hóa, đạo lý của dân tộc ta có từ nghìn đời nay, đó là: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Hình phạt không chỉ để trừng phạt người phạm tội, mà còn có giá trị răn đe với người khác, giáo dục và phòng ngừa chung cho xã hội.

Điểm c, d, khoản 1, Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định nguyên tắc xử lý:

“1. Đối với người phạm tội:

c) Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

d) Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”.

Bộ luật hình sự hiện hành của nước ta quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân và pháp nhân. Đây là các chủ thể chịu trách nhiệm hình sự, hợp thành một trong 4 yếu tố cấu thành cơ bản của tội phạm, bao gồm: Chủ thể (người hoặc pháp nhân thực hiện tội phạm), khách thể (quan hệ pháp luật được luật hình sự bảo vệ bị tội phạm xâm hại), mặt chủ quan của tội phạm (các yếu tố lỗi, động cơ, mục đích), mặt khách quan của tội phạm (hành động phạm tội như dùng tay chân đấm, đá, kiếm chém, bỏ trốn…hoặc không hành động không cứu giúp người trong trạng thái nguy hiểm đến tính mạng…).

Đối với cá nhân, người thực hiện hành vi phạm tội họ chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi đủ độ tuổi quy định. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại khoản 1, 2 Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Khi quyết định hình phạt Tòa án căn cứ vào tính chât và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để cá thể hóa trách nhiệm hình sự đối với họ.

Riêng đối với người khuyết tật khi phạm tội, Luật hình sự nước ta có những quy định nào thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng đối với họ như thế nào?

Theo quy định tại khoản 2, Điều 2, Luật người khuyết tật quy định: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.

Người khuyết tật là những người vốn bị khiếm khuyết về một bộ phận nào đó trên cơ thể, hoặc suy giảm về chức năng dẫn đến họ là người thiệt thòi yếu thế trong việc xác lập các quan hệ xã hội, khó khăn trong hòa nhập với cộng đồng. Nhà nước luôn quan tâm đối với người khuyết tật, bằng việc xây dựng hành lang thể chế, chính sách giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng xã hội.


Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Đối với người khuyết tật khi phạm tội chính sách nhân đạo, khoan hồng, đường lối xử lý được quy định tại điểm p, khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo đó, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng phạm tội được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có tính định tội danh. Điều đó có nghĩa không phải mọi đối tượng là người khuyết tật đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại tại điểm p, khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự. Chỉ những người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng khi phạm tội mới được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Theo quy định tại điểm a, b, khoản 2, Điều 3 Luật người khuyết tật năm 2010 quy định người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày; người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày. Việc xác định mức độ khuyết tật phải do Hội đồng giám định ý khoa kết luận. Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.

Ngoài ra, người khuyết tật khi chấp hành hình phạt tù cũng được xem xét để được tha tù trước thời hạn theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 66 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tha tù trước thời hạn:

“1. Người đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:

e). Trường hợp người phạm tội là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì thời gian đã chấp hành ít nhất là một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn”.

Từ những quy định ở trên, một lần nữa khẳng định chính sách hình sự của nước ta đã thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn sâu sắc đối với người khuyết tật phạm tội. Không những về việc áp dụng hình phạt mà còn trong quá trình thi hành án, giúp người khuyết tật phạm tội cải tạo sửa đổi bản thân, hướng thiện, rèn luyện trở thành công dân có ích, hòa nhập với xã hội./.

Hưng Nguyên

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang