Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2021

Quy định mới về tuổi nghỉ hưu và các trường hợp tinh giản biên chế; điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2021.

Tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh

Nghị định 131/2020/NĐ-CP ngày 02/11/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không tổ chức khoa dược vẫn phải tổ chức bộ phận dược lâm sàng để thực hiện các hoạt động dược lâm sàng phục vụ người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh nội trú.

Quy định mới về tuổi nghỉ hưu

Nghị định 135/2020/NĐ-CP ban hành ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy

Có hiệu lực từ ngày 10/01/2021, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Trong đó, Nghị định quy định rõ về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với: cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới.

Quy định mới về các trường hợp tinh giản biên chế

Có hiệu lực từ ngày 23/01/2021, Nghị định 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Trong đó, Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi quy định về các trường hợp tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật.

Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp

Nghị định 146/2020/NĐ-CP ban hành ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đó, về hạng đất tính thuế, Nghị định 146 nêu rõ: Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025 (quy định cũ đến ngày 31/12/2020) trên cơ sở hạng đất đã được quy định và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2020.

Trường hợp địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định thì thực hiện theo quy định đó đến hết ngày 31/12/2025.

Nghị định 146/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Hướng dẫn đăng ký thuế

Thông tư 105/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 17/01/2021.

Theo Thông tư, hồ sơ đăng ký thuế gồm: Hồ sơ đăng ký thuế lần đầu; hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế; thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động trở lại sau khi tạm ngừng trước thời hạn; hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế; hồ sơ khôi phục mã số thuế được tiếp nhận.

Trường hợp hồ sơ đăng ký thuế gửi bằng đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu tiếp nhận, ghi ngày nhận hồ sơ vào hồ sơ và ghi sổ văn thư của cơ quan thuế. Đối với hồ sơ đăng ký thuế điện tử, việc tiếp nhận hồ sơ được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Quy định mới trong tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức

Thông tư 06/2020/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức có hiệu lực thi hành từ 20/01/2021.

Mức thu phí, lệ phí trong công tác thú y

Thông tư số 101/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021.

Theo đó, lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất (gồm kho ngoại quan), chuyển cửa khẩu là 40.000 đồng/lần; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y là 50.000 đồng/lần.

 

Phí phòng chống dịch bệnh cho động vật có mức từ 300.000 đồng đến 3,5 triệu đồng/lần. Phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật (gồm cả thủy sản) có mức từ 35.000 đồng đến 800.000 đồng/xe ô tô/xe chuyên dụng/lô hàng. Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có mức từ 230.000 đồng đến 18 triệu đồng/lần.

Mức thu phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động điện lực

Thông tư 106/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động điện lực có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/1/2021.

Thông tư quy định rõ mức phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động điện lực do cơ quan Trung ương thực hiện. Cụ thể, phí cấp giấy phép Tư vấn chuyên ngành điện lực là 10.400.000 đồng. Phí thẩm định cấp giấy phép Hoạt động truyền tải điện là 24.900.000 đồng. Phí thẩm định cấp giấy phép Hoạt động bán buôn điện là 19.200.000 đồng…

Đối với thẩm định cấp giấy phép hoạt động điện lực do UBND cấp tỉnh thực hiện: Phí thẩm định cấp phép Tư vấn chuyên ngành điện lực là 800.000 đồng; phí thẩm định cấp phép Hoạt động phát điện là 2.100.000 đồng…

Trường hợp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực áp dụng mức thu bằng 50% mức thu quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Chỉ tiêu an toàn tài chính với tổ chức kinh doanh chứng khoán

Thông tư 91/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021.

Thông tư này hướng dẫn việc xác định các chỉ tiêu an toàn tài chính, chế độ báo cáo về tỷ lệ an toàn tài chính của tổ chức kinh doanh chứng khoán, các biện pháp xử lý và trách nhiệm của các bên liên quan đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Thông tư không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của tổ chức kinh doanh chứng khoán đối với ngân sách nhà nước.

Quy định mới về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán

Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, thay thế Thông tư số 155/2015/TT-BTC kể từ ngày 1/1/2021.

So với Thông tư 155/2015/TT-BTC, Thông tư 96 mở rộng đối tượng công bố thông tin. Theo đó, Thông tư 96 quy định khá toàn diện các đối tượng có nghĩa vụ công bố thông tin như: Công ty đại chúng; tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng; tổ chức phát hành thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng; tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng…

Hướng dẫn giám sát giao dịch chứng khoán

Thông tư 95/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Thông tư quy định rõ về nội dung giám sát giao dịch chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo đó, trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là: Giám sát các hoạt động giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán nhằm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi sử dụng thông tin nội bộ trong mua bán chứng khoán, thao túng thị trường chứng khoán và các hành vi vi phạm quy định pháp luật về giao dịch chứng khoán.

Đồng thời giám sát nhà đầu tư trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch chứng khoán. Đưa ra cảnh báo đối với các giao dịch và hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch chứng khoán của đối tượng giám sát./.

Theo Báo Điện tử Chính Phủ

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang