Chính sách hỗ trợ gia đình nuôi dưỡng chăm sóc người khuyết tật

(ĐHVO). Hiện nay, nhà nước luôn có những chế độ ưu tiên hỗ trợ cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, cũng có những chính sách hỗ trợ dành cho người nhận nuôi dưỡng chăm sóc người khuyết tật. Ngoài ra, nếu người khuyết tật mong muốn được nhận nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội cũng cần đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Bạn đọc hỏi: Mình tên Nguyễn Văn L, 31 tuổi, quê ở Hà Tĩnh. Trong một lần bị tai nạn, mình đã bị ngã gãy cổ dẫn đến liệt tứ chi và không thể tự chăm sóc cho bản thân. Mình được xác định là người khuyết tật đặc biệt nặng và đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Mình muốn xin hỗ trợ cho mẹ là người nuôi dưỡng và chăm sóc mình có được không?

Mẹ mình tuổi cũng đã cao và sức khỏe của mình ngày một yếu đi nên mình mong muốn tương lai sẽ được nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội thì có được không? Nếu có thì cần những thủ tục gì?

Luật sư tư vấn: Để giải đáp câu hỏi của bạn, Luật gia Nguyễn Thị Hồng Liên thuộc Trung tâm trợ giúp Pháp lý Đồng Hành Việt tư vấn cho bạn như sau:

I. Căn cứ pháp lý

– Luật Người khuyết tật năm 2010;

– Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/04/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

II. Giải quyết vấn đề

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

1. Hỗ trợ đối với người nhận nuôi dưỡng chăm sóc người khuyết tật

Thứ nhất, về đối tượng được hỗ trợ chăm sóc người khuyết tật

Theo điểm a khoản 2 Điều 44 Luật người khuyết tật năm 2010 quy định như sau:

“Điều 44. Trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng

2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:

a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;

b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;

c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.”

Như vậy, gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc sẽ được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng. Bạn cũng cho biết bạn được xác định khuyết tật đặc biệt nặng và đang được hưởng trợ cấp xã hội. Đối chiếu quy định trên thì gia đình bạn (mẹ bạn) đủ điều kiện để được hỗ trợ kinh phí chăm sóc người khuyết tật.

Thứ hai, về thủ tục đề nghị hỗ trợ chăm sóc người khuyết tật

Căn cứ Khoản 2 Điều 20 và Khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2012/NĐ-CP, để được hưởng kinh phí chăm sóc người khuyết tật; bạn cần làm hồ sơ sau đây và gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn đang có hộ khẩu thường trú:

– Tờ khai thông tin hộ gia đình theo mẫu quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

– Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;

– Bản sao Sổ hộ khẩu;

– Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với trường hợp người khuyết tật chưa được hưởng trợ cấp xã hội hoặc bản sao Quyết định hưởng trợ cấp xã hội của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội.

Đối với hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hệ số một (1,0). Hiện nay mức chuẩn trợ giúp xã hội là 270.000 đồng. Do đó, gia đình bạn (mẹ bạn) được hỗ trợ hàng tháng là 270.000 đồng.

2. Điều kiện để người khuyết tật được nhận nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội

Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật người khuyết tật 2010 thì đối tượng được nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội đó là: “Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội”.

Như vậy, đầu tiên bạn đã thuộc diện khuyết tật đặc biệt nặng. Thứ hai, bạn không tự lo được cuộc sống cho mình. Bạn đã đáp ứng hai điệu kiện trên và bạn sẽ được nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Thủ tục để được nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội cần các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 28/2012/NĐ-CP bao gồm:

“a) Đơn đề nghị của người khuyết tật hoặc gia đình, người thân, người giám hộ người khuyết tật;

b) Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

c) Sơ yếu lý lịch của người khuyết tật có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;

d) Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;

đ) Bản sao Sổ hộ khẩu;

e) Bản sao Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân;

g) Biên bản của Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội và văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

h) Văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi cơ quan quản lý cơ sở bảo trợ xã hội;

i) Quyết định tiếp nhận của thủ trưởng cơ quan quản lý;

k) Các văn bản, giấy tờ có liên quan khác, nếu có.”

Do vậy, nếu trong tương lai bạn mong muốn được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, bạn có thể tiến hành làm theo các thủ tục được quy định như trên.

Liên Nguyễn

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang