(ĐHVO). Hiện nay, phần lớn người cao tuổi (NCT) ở Hà Nội, đặc biệt là các huyện ngoại thành, không có lương hưu, trợ cấp xã hội và thẻ bảo hiểm y tế; việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chất lượng chăm sóc sức khỏe, khả năng chi trả NCT của NCT cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế… Thực tế này đặt ra yêu cầu bức thiết cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số đang gia tăng hiện nay. Trên cơ sở phân tích một số khái niệm cơ bản liên quan, bài viết bước đầu khái quát thực trạng thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Hà Nội, từ đó chỉ ra một số nguyên nhân và giải pháp để hoàn thiện việc thực hiện các chính sách an sinh cho người cao tuổi ở Hà Nội.
Đảm bảo ASXH cho NCT là một trong những chính sách quan trọng thực hiện sự phát triển bền vững của kinh tế-xã hội, đảm bảo thực hiện các quyền cho NCT được sống trong môi trường lành mạnh, bình đẳng, thể hiện bản chất nhân dân của mỗi quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội, vấn đề ASXH cho NCT luôn được Đảng, Nhà nước và Chính quyền thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về ASXH cho NCT. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện chính sách ASXH cho NCT ở Hà Nội, đặc biệt là các huyện ngoại thành còn tồn tại nhiều bất cập hạn chế, như: không có lương hưu, trợ cấp xã hội và thẻ bảo hiểm y tế, ít có cơ hội được tập huấn, đào tạo nghề; gặp khó khăn trong việc vay vốn để phát triển sản xuất – kinh doanh vươn lên thoát nghèo; việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chất lượng chăm sóc sức khỏe, khả năng chi trả của NCT cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế; nhiều vấn đề khó khăn phát sinh do già hóa dân số ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chính sách an sinh cho NCT; nhiều nội dung chính sách ASXH cho NCT còn chưa hoàn thiện, nhiều nội dung còn tranh cãi… Chính thực tiễn này đặt ra yêu cầu bức thiết cần phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách ASXH cho NCT ở Hà Nội trong bối cảnh già hóa dân số đang gia tăng hiện nay.
1. Một số khái niệm cơ bản
* Xu thế già hóa dân số ở Việt Nam
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, giai đoạn năm 2045 đến 2050 Việt Nam sẽ trở thành nước dân số siêu già (khi tỷ lệ người 65 tuổi là 30% trở lên). Từ năm 2016, trong khi tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 70,15 tuổi thì tuổi thọ bình quân của Việt Nam đã tăng cao và đạt 73,4 tuổi[1]. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm cuối 2018, nước ta có hơn 11,3 triệu người cao tuổi, bằng 11,95% tổng dân số, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên, chiếm 17,5% tổng số người cao tuổi. Dự báo, đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta sẽ chiếm khoảng 12,9% dân số và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 23%. Đa số người cao tuổi sống ở nông thôn, không có lương hưu, không có tích lũy, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn[2].
Vấn đề già hóa dân số sẽ trở thành vấn đề rất lớn nếu, nếu như Việt Nam không chủ động xây dựng hệ thống chính sách để giải quyết các vấn đề đặt ra do sự già hóa dân số dẫn đến thì chắc chắn trong thời gian tới áp lực của việc “già hóa dân số” ngày càng đè nặng lên con người và xã hội, cũng như chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam cần sớm chuẩn bị trước một hệ thống an sinh xã hội phù hợp cho người cao tuổi trong xu thế già hóa dân số toàn cầu hiện nay, thông qua cải cách hệ thống bảo trợ xã hội, mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế và khuyến khích các đơn vị sử dụng lao động tạo việc làm và môi trường làm việc phù hợp với NCT.
* Người cao tuổi
Việc xác định người cao tuổi trên thế giới không giống nhau. Ở đa số các nước trên thế giới thì người cao tuổi là những người bắt đầu từ 60 tuổi. Theo Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009 quy định, người cao tuổi tại Việt Nam là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
* Chính sách an sinh xã hội
Chính sách an sinh xã hội là những chính sách do Nhà nước hoặc các cơ quan chính quyền có thẩm quyền ban hành, hướng tới sự đảm bảo cho các thành viên trong xã hội, giúp chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị mất hoặc bị giảm đột ngột nguồn thu nhập do ốm đau, thai sản,tai nạn lao động, thất nghiệp, tuổi già và chết; chăm sóc y tế; giúp đỡ vấn đề tài chính cho các thành viên trong xã hội đó.
* Chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi
Trên cơ sở quan niệm trên, có thể hiểu, chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi là sản phẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hướng đến nhóm đối tượng là người cao tuổi nhằm phục vụ lợi ích, nâng cao chất lượng sức khỏe và đời sống của người cao tuổi và lợi ích chung của xã hội có được từ thành tựu chăm sóc người cao tuổi đó.
Hệ thống chính sách ASXH cho người cao tuổi bao gồm các bộ phận cơ bản như sau: (1) Bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi là trụ cột cơ bản, cần thiết nhất. Thông qua các trợ cấp BHXH, người lao động có được một khoản thu nhập bù đắp hoặc thay thế cho những khoản thu nhập bị giảm hoặc mất trong những trường hợp nghỉ hưu đúng độ đuổi, hoặc nghỉ hưu trước độ tuổi. (2) Những chính sách về cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và các thành viên gia đình họ, nhằm bảo đảm cho người cao tuổi duy trì sức khỏe vật chất và tinh thần, đồng thời phát huy vai trò của họ trong mọi mặt cuộc sống. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được thể hiện trong những chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm y tế): những gói dịch vụ chăm sóc cơ bản, hồ sơ điện tử chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân,… (3) Cuối cùng là những chính sách về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi (cung cấp tiền, hiện vật… cho những người cao tuổi có đời sống kinh tế khó khăn), những người cao tuổi cần sự giúp đỡ đặc biệt cho các gánh nặng gia đình…
* Quan niệm của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội cho người cao tuổi
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng vai trò NCT trong xã hội, trong đó nhấn mạnh “NCT có công sinh thành, nuôi dạy con cháu giữ gìn và phát triển giống nòi, giáo dục các thế hệ thanh niên Việt Nam về nhân cách, phẩm chất và lòng yêu nước; một bộ phận đông đảo NCT Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của NCT là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội” [3].
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế – xã hội; xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; Phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế. Khuyến khích phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hoá, giải trí của người cao tuổi. Mục tiêu đến năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khoẻ, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung[4].
Tại kỳ họp thứ 6 (năm 2009), Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Người cao tuổi. Luật gồm 6 Chương với 31 Điều “quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò NCT; Hội NCT Việt Nam” (Điều 1- Luật Người cao tuổi). Không chỉ có Luật Người cao tuổi quy định về chăm sóc và phát huy vai trò NCT, Việt Nam còn có Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… đều có các quy định nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NCT.
Năm 2013, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại khoản 3, Điều 37 và khoản 2, điều 59 Hiến pháp 2013 nêu rõ vị trí, vai trò và chính sách đối với NCT: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”;” Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.
Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành, các Chiến lược, các Chương trình hành động liên quan đến NCT như: Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi; Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi 2012-2020; Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025; Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi;…
2. Thực trạng thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Hà Nội hiện nay
* Một số chính sách an sinh xã hội cho NCT ở Hà Nội
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Hà Nội có diện tích 3.345,24 km², gồm 30 quận, huyện, thị xã với 584 xã, phường, thị trấn. Theo thống kê của 29 quận, huyện năm 2012, trong tổng số 630.316 NCT, có 500.597 người là hội viên Hội NCT, chiếm 79,42%. Có 9.831 người đang tham gia quản lý, sản xuất kinh doanh, dịch vụ (chiếm 1,56%), 24.035 NCT tham gia các công tác xã hội, đoàn thể (chiếm 3,81%). Năm 2016, Hà Nội có khoảng trên 1 triệu NCT, chiếm tỷ lệ hơn 13% dân số. Hàng năm, có gần 70.000 NCT từ 60 tuổi trở lên và trên 82.000 NCT từ 80 tuổi trở lên được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/lần[5].
Trước thực trạng đó, ngày 26-3-2018 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc triển khai thực hiện “Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) thích ứng với giai đoạn già hóa dân số. Các mục tiêu cụ thể có thể kể đến là nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe NCT. Tháng 9/2018, Sở Y tế Hà Nội ban hành Kế hoạch số 4079/KH-SYT về việc triển khai thực hiện “Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025” trên địa bàn thành phố năm 2018.
Năm 2018, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 17/05/2018 về việc thực hiện Đề án “Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020 theo Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2906/QĐ-UBND ngày 14/06/2018 về việc “Phê duyệt Dự án “Hỗ trợ người cao tuổi thiệt thòi thông qua nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau ở Việt Nam” do tổ chức HelpAge International tại Việt Nam/Anh tài trợ cho Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố Hà Nội tại quận Đống Đa, huyện Đan Phượng và huyện Phúc Thọ.
Năm 2019, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống. Theo đó, từ tháng 8-2019, người cao tuổi cô đơn, người cao tuổi là thành viên thuộc hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo hoặc thuộc cận nghèo, mà trong hộ không có người còn khả năng lao động sẽ nhận được mức trợ cấp hằng tháng bằng mức chuẩn nghèo của thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện nhiều hình thức chăm sóc sức khỏe cho NCT, một trong những hình thức triển khai hiệu quả trong thời gian qua đó là khám sức khỏe định kỳ cho NCT tại cơ sở (Trạm Y tế); nuôi dưỡng và chăm sóc NCT tại các trung tâm của thành phố; mô hình chăm sóc NCT tại cộng đồng với nhiều hoạt động như sinh hoạt câu lạc bộ, truyền thông, tư vấn nhóm, khám sức khỏe định kỳ…
Thông qua các hoạt động thiết thực được triển khai, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội cho NCT trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, việc chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò của NCT được thực hiện một cách tốt nhất.
* Thành tựu
Đối vói việc thực hiện chính sách nâng cao chất lượng đời sống cho NCT, thành phố Hà Nội đã phát huy vai trò chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, phối hợp với các ngành chức năng, đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với NCT theo quy định của pháp luật, cụ thể: Đến năm 2018, chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng cho 80.728 NCT từ 60 đến 79 tuổi thuộc hộ nghèo cô đơn, tàn tật; 104.234 NCT từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, BHXH;Cấp thẻ BHYT cho 498.168 người; Tặng quà chúc thọ, mừng thọ cho 108.826 người (trong đó 90 tuổi 6.620 người, 100 tuổi 476 người, trên 100 tuổi 912 người), số tiền chúc thọ, mừng thọ trên 58 tỷ 488 triệu đồng. Nhân các ngày kỷ niệm, các ngày lễ, ngày tết, các cấp Hội cùng với chính quyền tổ chức thăm hỏi, tặng quà 70.865 NCT có hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền 11 tỷ 758 triệu đồng[6].
Đối với việc tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT, thành phố đã phối hợp với các Trung tâm Y tế, các bệnh viện và các Trung tâm Chăm sóc NCT tổ chức nhiều hoạt động: Tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 411.659 NCT; Khám sức khỏe định kỳ cho 322.407 NCT; Lập sổ hồ sơ quản lý sức khỏe cho 418.236 NCT. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Mắt Quốc tế DND và các Bệnh viện Mắt Trung ương và Hà Nội khám tư vấn và chữa các bệnh về mắt cho NCT. Nhiều quận, huyện có số lượng NCT được khám và chữa các bệnh về mắt cao như quận Hoàng Mai 12.150 người, Bắc Từ Liêm 4.000 người, Thanh Xuân 1.100 người, huyện Đan Phượng 19.700 người, Đông Anh 8.700 người, Mê Linh 13.600 người, Ba Vì 12.800 người, Mỹ Đức 11.800 người, Ứng Hoà 12.500 người, Sơn Tây 5.000 người, Phúc Thọ 5.200 người, Thạch Thất 7.600 người, Sóc Sơn 4.000 người[7].
Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố đã phối hợp với Viện Nghiên cứu sức khỏe và quản lý y tế về việc “Hỗ trợ thực hiện Đề tài nghiên cứu tỷ lệ mắc bệnh mãn tính không lây ở NCT và đề xuất giải pháp can thiệp”, đã triển khai thực hiện tại 04 phường: Yên Hoà, Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Ngọc Khánh (quận Ba Đình), Trương Định (quận Hai Bà Trưng). Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoa Việt tổ chức chương trình tặng thuốc Trường Lưu Thuỷ Gold chữa bệnh U xơ Tiền liệt tuyến cho hội viên NCT.
Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Lão khoa Trung ương và các giảng viên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khoa lão của các bệnh viện trên địa bàn. Nội dung tập huấn tập trung vào công tác khám, chữa bệnh cho NCT; dinh dưỡng, phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho NCT. Phối hợp với Trung tâm Y tế các quận/huyện/thị xã tổ chức 20 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 1.100 cộng tác viên dân số về kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe NCT. Đồng thời, duy trì các hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dân số, cán bộ y tế thôn bản tham gia công tác chăm sóc sức khỏe NCT, bao gồm: Thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe NCT tại hộ gia đình được phân công; theo dõi, ghi chép tình hình sức khỏe của NCT phụ trách; thực hiện các buổi họp của mạng lưới. Đáng chú ý, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã triển khai và duy trì 80 mô hình chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng tại 80 xã/phường/thị trấn thuộc 25 quận/huyện/thị xã. Lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào các hoạt động của mô hình[8].
Về hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho NCT, phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT của NCT ngày càng phát triển với nhiều loại hình Câu lạc bộ NCT. Đến nay có tổng số 5.839 câu lạc bộ với 180.095 NCT tham gia thường xuyên, tổ chức nhiều đợt liên hoan văn nghệ, ngày hội “Rèn luyện sức khoẻ theo gương Bác Hồ vĩ đại” chào mừng các ngày kỷ niệm, các ngày lễ từ cơ sở đến quận, huyện, thị xã và Thành phố. Chào mừng kỷ niệm lần thứ 28 ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10), 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), Ban đại diện Hội NCT Thành phố phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thành phố thuộc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội tổ chức Liên hoan tiếng hát Người cao tuổi Thủ đô lần thứ VI ngày 04/10/2018 với trên 600 hội viên Câu lạc bộ văn nghệ NCT của 26 quận, huyện, thị xã và 02 Câu lạc bộ trực thuộc Ban đại diện Hội NCT Thành phố tham gia đã thành công tốt đẹp. Ban đại diện Hội NCT quận Thanh Xuân – Cụm trưởng Cụm thi đua số 1 đã tổ chức “Liên hoan tiếng hát NCT” gồm 12 quận tham gia.
Kết quả việc triển khai thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 17/05/2018 của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về việc “Thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, đến nay, đã xây dựng được 22 Câu lạc bộ, trong đó: 17 Câu lạc bộ theo Kế hoạch số 110/KH-UBND của UBND Thành phố tại các huyện: Ba Vì 01, Đan Phượng 02, Mê Linh 01, Phúc Thọ 03, Phú Xuyên 02, Sóc Sơn 02, Thị xã Sơn Tây 01, Thanh Oai 02, Thanh Trì 02, Thanh Xuân 01. 05 Câu lạc bộ theo Quyết định số 2906/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội do tổ chức HelpAge International tại Việt Nam/Anh tài trợ cho Ban đại diện Hội NCT Thành phố Hà Nội tại huyện Đan Phượng 02, Phúc Thọ 02, quận Đống Đa 01. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai thực hiện Đề án số 18/ĐA-NCTHN của Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố Hà Nội về “Chăm sóc NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2020”.
* Hạn chế
Nhờ những chính sách phù hợp được triển khai trong những năm qua, đã đem lại những tác động tích cực đến đời sống và thu nhập của NCT ở Hà Nội. Các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi khá đa dạng nhưng việc triển khai thực hiện còn tồn tại một số hạn chế như:
– Hiện nay số lượng NCT ở Hà Nội được nhận trợ cấp xã hội và dịch vụ xã hội có xu hướng tăng lên, nhưng mục tiêu đảm bảo mức sống tối thiểu vẫn chưa đạt được do mức độ bao phủ của đối tượng còn thấp (chủ yếu là ở nội thành), mức hưởng chưa đáp ứng được nhu cầu sống của NCT. Các chính sách an sinh xã hội ở Hà Nội vẫn chưa bao phủ được tất cả những người cao tuổi và chưa thỏa mãn được nhu cầu của nhiều người.
– Hệ thống dịch vụ chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi ở Hà Nội còn thiếu về số lượng hạn chế về chất lượng. Tuy đa số NCT ở Hà Nội có thẻ BHYT nhưng NCT ở ngoại thành, vùng nông thôn Hà Nội có thẻ BHYT được cấp ít hơn so với NCT thành thị, các vùng nội thành Hà Nội, số người cao tuổi nữ nhiều hơn so với người cao tuổi nam. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng như khám sức khỏe định kỳ tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe còn hạn chế nên người cao tuổi chưa thật sự hài lòng đối với những hoạt động này. Ngay trên địa bàn Hà Nội, ngoài Bệnh viện Lão khoa trung ương, ngành Y tế Thủ đô vẫn chưa có một bệnh viện lão khoa nào trực thuộc, việc thiếu các bệnh viện lão khoa ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
– Đời sống tinh thần của người cao tuổi còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn thông tin phổ biến nhất người cao tuổi nhận được qua kênh truyền hình. Số lượng người cao tuổi tiếp cận các hoạt động thể dục thể thao chưa nhiều, thiếu địa điểm, cơ sở vật chất cho người cao tuổi sinh hoạt.Hoạt động mừng thọ, tặng quà và tiền mặt nhân dịp lễ tết cho người cao tuổi được đánh giá cao tuy nhiên tổ chức không thường xuyên và đối tượng được hưởng đặc thù theo quy định của nhà nước. Mặc dù vậy, những khoản hỗ trợ này đã thể hiện sự quan tâm, đền đáp của nhà nước đối với cống hiến của người cao tuổi. Bên cạnh đó dịch vụ hỗ trợ đi lại hay tham gia giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu của NCT ở Hà Nội.
* Nguyên nhân
– Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật đối với NCT, thiếu quan tâm, chỉ đạo, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể, xem hoạt động NCT chỉ là những hoạt động phong trào, là công tác của Hội Người cao tuổi; Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật chưa kịp thời; nhiều địa phương, nhất là ở cơ sở cán bộ chưa nắm rõ các văn bản để triển khai thực hiện.
– Sự phối hợp liên ngành để thực hiện công tác NCT còn có những hạn chế, nhiều nơi còn coi đây là nhiệm vụ của riêng ngành Lao động – Thương binh – Xã hội. Chưa có nhiều chính sách huy động nguồn lực xã hội nhằm tăng cường các hoạt động trợ giúp và chăm sóc NCT. Do đó, mức trợ cấp cho người cao tuổi hiện nay còn thấp, và thiếu các cơ sở chăm sóc sức khỏe dành riêng cho người cao tuổi.
– Ở các địa phương, không có cán bộ chuyên trách làm công tác NCT, chủ yếu do cán bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kiêm nhiệm. Do đó, đôi khi việc thực hiện công tác trợ giúp xã hội cho NCT còn chậm trễ, vẫn còn xảy ra tình trạng bỏ sót đối tượng. Nội dung chính sách về trợ giúp xã hội cho NCT nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, và do nhiều cơ quan ban hành, do đó việc thực hiện có sự chồng chéo, vụn vặt, gây lãng phí về nguồn lực.
3. Kết luận và một số kiến nghị
Tóm lại, có thể thấy, chính sách ASXH đối với NCT ở Hà Nội trong thời gian qua có được nhiều ưu điểm đáng quan tâm. Chính sách ASXH đối với NCT thể hiện ở đầy đủ ở nhiều khía cạnh từ mức độ trợ cấp hàng tháng; cung cấp tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày; dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng; và hỗ trợ mai táng và được ghi nhận trong Luật NCT. Trên thực tế, việc thực hiện những nội dung này được đánh giá là đảm bảo. Chính quyền Hà Nội đã thực hiện rất tốt trong việc tạo điều kiện cho NCT để họ tiếp cận với thẻ bảo hiểm y tế và cả dịch vụ liên quan đến bảo hiểm y tế. Kết quả được đánh giá rất tốt. NCT cảm thấy được đối xử công bằng, và được sự quan tâm của cơ sở khám, chữa bệnh khi họ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. NCT ở các huyện ngoại thành Hà Nội có nhiều kênh để tiếp cận thông tin giúp cải thiện đời sống tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục cải thiện trong thực hiện chính sách ASXH đối với NCT ở các huyện ngoại thành Hà Nội. Những hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như: nội dung của chính sách ASXH vẫn còn thiếu và chưa bao quát nhiều, ngân sách nhà nước dành cho phúc lợi xã hội nói chung và dành cho đối tượng NCT nói riêng còn hạn chế, nhu cầu và nguyện vọng của NCT không được quan tâm thoả đáng nên thiếu hẳn những nội dung dành cho NCT; sự hạn chế về năng lực cũng như không nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của cơ sở y tế trong hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT… Từ những thực tế trên, chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị trong thực hiện chính sách ASXH cho NCT ở Hà Nội như sau:
Thứ nhất, tăng cường truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn Thành phố về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thông qua các hình thức: Xây dựng các chuyên mục, phóng sự phát trên sóng truyền hình; chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài Thành phố; tin, bài trên hệ thống loa truyền thanh huyện, thị xã, xã, thị trấn.
Thứ hai, xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Nhân rộng các chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang triển khai, phối hợp với trung ương xây dựng bộ tiêu chí xã/phường phù hợp với người cao tuổi. Phối hợp triển khai xây dựng phong trào xã/phường phù hợp với người cao tuổi tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Thứ ba, củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao gồm cả Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi. Nâng cao năng lực cho các khoa lão của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn Thành phố (trừ bệnh viện chuyên khoa Nhi) thực hiện khám, chữa bệnh cho người cao tuổi.
Thứ tư, xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi. Xây dựng và duy trì hoạt động của đội ngũ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, đồng thời, triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Trung tâm tư vấn dịch vụ Dân số – KHHGĐ Thành phố; phát triển mô hình Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày tại các quận, huyện, thị xã (theo hình thức xã hội hóa)
Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Thứ sáu, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người cao tuổi được tự chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và nâng cao sức khỏe tinh thần tại cộng đồng. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng theo nguyên lý y học gia đình, mở rộng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà. Mở rộng và duy trì hoạt động của mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng trên ít nhất 30% số xã, phường, thị trấn; lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào các hoạt động của mô hình. Khuyến khích phát triển các Trung tâm dưỡng lão kết hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hướng dẫn kiến thức về rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là phòng bệnh thường gặp ở người cao tuổi; hướng dẫn, cung cấp một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đơn giản, dễ thực hiện cho người nhà người cao tuổi.
Thứ bảy, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu điện tử quản lý công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân Thủ đô tập trung vào nhóm đối tượng là người cao tuổi./.
Tài liệu tham khảo
1. Ninh Cơ (2020), Bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi, Báo Nhân dân điện tử, https://nhandan.com.vn/, đăng tải ngày 03-05-2020.
2. Hà Hiền (2109), Bảo đảm an sinh xã hội đối với người cao tuổi: Cần cộng đồng trách nhiệm, Trang điện tử Báo Hà Nội mới, https://hanoimoi.com.vn/, đăng tải này 18/08/2019.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 54 (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.378-381.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/, cập nhật 15/07/2020.
5. Hà Anh, Hà Châu (2018), Hà Nội chăm sóc và phát huy thế mạnh của người cao tuổi, Trang điện tử báo Gia đình và xã hội, http://giadinh.net.vn/, đăng tải ngày 04/11/2018.
6. Ban đại diện Hội người cao tuổi thành phố Hà Nội (2018), Báo cáo tổng kết công tác hội và phong trào thi đua năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019, số 138/BC-NCTHN, ngày 1/11/2018, Hà Nội.
Th.S Lã Minh Tuyến
Th.S Nguyễn Tiến Dũng
TS Nguyễn Lê Thạch
– Học viện Chính trị Khu vực I
[1] Ninh Cơ (2020), Bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi, Báo Nhân dân điện tử, https://nhandan.com.vn/, đăng tải ngày 03-05-2020.
[2] Hà Hiền (2109), Bảo đảm an sinh xã hội đối với người cao tuổi: Cần cộng đồng trách nhiệm, Trang điện tử Báo Hà Nội mới, https://hanoimoi.com.vn/, đăng tải này 18/08/2019.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 54 (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.378-381.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/, cập nhật 15/07/2020.
[5] Hà Anh, Hà Châu (2018), Hà Nội chăm sóc và phát huy thế mạnh của người cao tuổi, Trang điện tử báo Gia đình và xã hội, http://giadinh.net.vn/, đăng tải ngày 04/11/2018.
[6] Ban đại diện Hội người cao tuổi thành phố Hà Nội (2018), Báo cáo tổng kết công tác hội và phong trào thi đua năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019, số 138/BC-NCTHN, ngày 1/11/2018, Hà Nội.
[7] Ban đại diện Hội người cao tuổi thành phố Hà Nội (2018), Báo cáo tổng kết công tác hội và phong trào thi đua năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019, số 138/BC-NCTHN, ngày 1/11/2018, Hà Nội.
[8] Minh Thùy (2019), Hà Nội người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò một cách tốt nhất, Trang điện tử Tạp chí Tuyên giáo, http://tuyengiao.vn/, đăng tải ngày 02/08/2019.