(ĐHVO) Có dịp được trò chuyện với Nguyễn Chiêu Anh (sinh năm 1992) cô gái có một cái tên thật đẹp. Thế nhưng số phận dường như không mấy thuận chiều với cái tên đẹp đẽ ấy. Khiếm thị từ khi mới chào đời, Chiêu Anh cũng giống như bao đứa trẻ kém may mắn khác đã sớm phải gánh chịu những thiệt thòi của số phận và sớm biết buồn tủi. Thế nhưng cách Chiêu Anh kiên cường vượt qua khỏi bóng tối của đời mình sẽ khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước nghị lực sống mạnh mẽ của cô gái ấy.
Cô gái Chiêu Anh – ảnh nhân vật cung cấp
Được biết, Chiêu Anh làm việc tại Trung tâm Massage của người khiếm thị tại Đà Nẵng, chúng tôi ấn tượng bởi sự tự tin, điềm đạm ở cô qua cuộc nói chuyện. Chậm rãi, từ tốn, giọng nói đặc trưng của miền đất Đông Hà kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ của mình. Sinh ra trong một gia đình có bốn chị em gái, bố mẹ buôn bán vặt quanh năm cũng chẳng dư dả được đồng nào nên tuổi thơ của Chiêu Anh khá thiếu thốn, không được sung túc như các bạn cùng trang lứa. Lên năm lớp 5, cô đã phải dừng việc học ở trường khuyết tật để phụ giúp gia đình. Tuy siêng năng, chăm chỉ nhưng ngày đó cô bé Chiêu Anh đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong công việc vì “ Mình chỉ nhìn được mờ mờ thôi, không thấy được rõ như người bình thường”. Buồn, thương mình, thương bố mẹ có đứa con khiếm khuyết như mình nhưng cô cất ở trong lòng, không nói ra mà nhất mực tâm niệm một điều: “Mình sinh ra đã như vậy thì cứ cố gắng vươn lên thôi”. Để thực hiện được điều đó, Chiêu Anh đăng ký đi học nghề massage ở Huế nhờ sự giới thiệu của Hội người mù địa phương. Cuộc sống xa nhà vốn đã rất khó khăn với người bình thường, thì đối với người khiếm thị, khó khăn đó còn tăng lên gấp nhiều lần, nhưng bằng nghị lực của mình, cô đã vừa học vừa làm để tự lo được cho bản thân và hoàn thành khóa học để có thể tự kiếm sống.
Chặng đường tìm việc của Chiêu Anh khá gian nan, bôn ba vài nơi rồi cô quyết định một thân một mình ra Đà Nẵng lập nghiệp. Ngôi nhà thứ hai của cô chính là Công ty Kết nối Nhân Ái, cô được nhận vào làm với vị trí là kỹ thuật viên massage. Cô tâm sự: “Bố mẹ có thương mình mấy thì cũng là người mắt sáng, không đồng cảnh thì nhiều cái không hiểu được. Từ khi mình vào đây, có các anh chị em là người hoàn cảnh như nhau, hiểu được nhau nên mình thấy được đồng cảm nhiều hơn, có động lực để vượt khó hơn”. Nghe cô nói, phần nào chúng tôi hiểu được tình người ấm áp nơi đây và cảm thấy mừng cho cô. Khi được hỏi về dự định tương lai, cô vui vẻ chia sẻ: “ Lúc nào mình cũng sống rất lạc quan, tự nhủ bản thân phải biết vươn lên. Làm được bảy đồng, mình tiêu ba thôi, còn bao nhiêu gởi về cho bố mẹ ngoài quê nữa.”. Cô còn hào hứng kể cho chúng tôi nghe đợt dịch Covid vừa rồi, lượng khách ít, cô đã tranh thủ đi phụ giúp người ta nấu ăn, có nhiều người hiểu và thương cô nên cũng tạo điều kiện cho cô có thêm thu nhập. Dường như với cô gái siêng năng, giàu nghị lực này được làm việc thực sự là niềm vui, niềm hạnh phúc.
Câu chuyện đời thường giản dị của Chiêu Anh làm chúng tôi thấy ấm lòng trong cái lạnh tháng 12 của Đà Nẵng. Cô như một bông hoa lặng lẽ vươn mình tìm về ánh sáng, như con ong cần mẫn miệt mài ngày đêm làm nên những giọt mật ngọt cho mình, cho đời bất chấp sự đắng đót của số phận. Và còn hơn thế nữa, với bao nhiêu người khuyết tật khác, những con người chân chất, giàu nghị lực như Chiêu Anh chính là những tấm gương thầm lặng để họ thêm vững tin vào cuộc sống, vào chính sự nỗ lực của bản thân mình.
Hồng Liên