Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 – mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam

(ĐHVO). Hình ảnh lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của Việt Nam được phất cao trên nóc hầm De Castries của Thực dân Pháp vào ngày 7/5/1954 đã trở thành một hình ảnh lịch sử, ghi dấu chiến thắng vẻ vang anh hùng của nước ta sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp.

Chiến dịch Điện Biên Phủ – trang sử hào hùng của dân tộc

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc nước ta, có chiều dài khoảng 20km, rộng từ 6-8km; cách Thủ đô Hà Nội khoảng 200km. Đây là vị trí chiến lược  chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên sau khi đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20.11.1953, quân Pháp không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Với quyết tâm dành lại Điện Biên Phủ từ tay quân xâm lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định đổi phương án tác chiến từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chậm thắng chắc. Cùng sự đoàn kết và sức mạnh to lớn của toàn quân, toàn dân, cuối cùng cả dân tộc ta đã có một chiến thắng đi vào lịch sử, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định Geneva đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

(Ảnh Internet)

Những anh hùng đã hi sinh anh dũng cho ngày chiến thắng

Để tạo nên chiến thắng đi vào lịch sử, biết bao giọt nước mắt đã rơi, bao nhiêu máu đã đổ, biết bao anh hùng đã anh dũng hi sinh. Ta sẽ không bao giờ quên anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn – người đã lấy thân mình làm giá súng để đồng đội tiếp tục chiến đấu hay  Anh hùng liệt sỹ Tô Vĩnh Diện – lấy thân mình chèn vào bánh pháo để khẩu pháo không lăn xuống vực, làm chậm trễ đường tiến công của quân ra. Người dân Việt Nam cũng mãi khắc ghi sự hy sinh của anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót người đã dũng cảm dùng cả thân mình để lấp lỗ Châu Mai, ngăn chặn hoả lực của địch đang bắn vào đồng đội. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy, biết bao chiến sỹ đã hy sinh để giành thắng lợi trong từng trận đánh. Toàn bộ nhân dân, đồng bào Việt Nam sẽ suốt đời ghi nhớ hy sinh cao đẹp của các anh

Quần thể di tích Điện Biên Phủ – những dấu ấn vàng son

Chiến thắng Điện Biên Phủ qua đi, để lại muôn vàn niềm đau thương và mất mát nhưng cũng đầy anh dũng và hào hùng. Thời gian đã qua đi nhưng những di tích lịch sử vẫn còn đó, sống mãi với thời gian như lời nhắc nhớ mỗi con dân đất Việt về những trang sử hào hùng của dân tộc.

Một trong những nơi ghi dấu lịch sử mà tất cả chúng ta đều nghĩ tới khi nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ đó là đồi Him Lam. Đây là nơi quân ta đã dành được chiến công đầu tiên của trận quyết chiến Điện Biên Phủ, là nơi diễn ra trận đánh mở màn của chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13 tháng 3 năm 1954. Sau chiến thắng tại đồi Him Lam, đêm 14-3, chúng ta tiếp tục trận đánh thứ hai trên ngọn đồi Độc Lập. Sau trận đánh, Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát đồi Độc Lập, đẩy lùi đợt phản kích của Pháp, qua đó gần như đánh sụp Phân khu phía Bắc của cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đồi Độc Lập vẫn còn đó như một chứng nhân lịch sử. Một địa điểm khác tuy không phải là tâm điểm của cuộc chiến song lại chiếm giữ một vị trí khá quan trọng là Cứ điểm Hồng Cúm. Đây là nơi diễn ra trận Hồng Cúm – trận đánh quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ – trong suốt thời gian từ ngày 31 tháng 3 đến 7tháng5 năm 1954. Mục tiêu của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong trận này là bao vây cô lập (nhưng không đánh dứt điểm) trung tâm đề kháng Isabelle (Phân khu Nam Điện Biên Phủ), mà phía Việt Nam gọi là Hồng Cúm, để ngăn không cho quân Pháp tại đây kéo về chi viện cho Phân khu trung tâm hoặc phá vây chạy sang Lào. Ngày nay, nơi đây đã được tôn tại, tu sửa thành một địa điểm thăm quan du lịch để du khách thập phương ghé thăm.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao, là thử thách toàn diện và quyết liệt nhất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược dưới sự hỗ trợ và can thiệp của Đế quốc Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là cáo chung của thực dân Pháp tại Việt Nam và Đông Dương, mà còn là chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trước sự can thiệp của Đế quốc Mỹ.

Không chỉ lưu danh trong sử sách, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn đi vào thơ ca.

Kháng chiến ba nghìn ngày

Không đêm nào vui bằng đêm nay

Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực

Trên đất nước, như

Huân chương trên ngực

Dân tộc ta dân tộc anh hùng!

(Trích đoạn thơ: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)

Ngọc Châm

Bài viết liên quan

43

Chuỗi hoạt động chào mừng 70 năm giải phóng thành phố Nam Định

“Tháng 3 giỗ mẹ” – tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

1

Bầu chọn danh hiệu “Vận động viên (VĐV) tiêu biểu và đề cử vận động Thể thao người khuyết tật xuất sắc thành phố Hải Phòng lần thứ 30 năm 2023”

tl-1-5308.jpg

Quảng Bình: Triển lãm về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

thoi-3-2228

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy xoá mù chữ ở Lạng Sơn

D29031

Giải marathon Quốc gia 2023 xác lập kỷ lục Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang