Những ngày này, số ca dương tính Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục xuất hiện, đồng nghĩa với các hoạt động lấy mẫu, truy vết, khoanh vùng, dập dịch… cũng phải tăng lên và nhanh hơn. Vượt lên trên những khó khăn đặc thù, nguy cơ cao nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, những “chiến sĩ áo trắng” y tế dự phòng vẫn ngày đêm lặng thầm cống hiến. Họ chỉ mong sao, với những nỗ lực của mình, dịch bệnh sớm được đẩy lùi và cuộc sống trở lại bình thường.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Xuyên đêm “săn” vi rút…
Tầng 8 của trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội – được gọi vui là nơi chuyên “săn” vi rút SARS-CoV-2, những ngày này đèn điện được bật 24/24 giờ, nhân viên y tế làm việc xuyên đêm. Những chiếc thùng đựng mẫu xét nghiệm từ các quận, huyện, thị xã được chuyển đến liên tục, có khi đến 2-3h sáng. Hơn 80 cán bộ, nhân viên Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng cùng hơn 20 người từ các khoa khác được tăng cường, dốc hết sức để có những kết quả sớm nhất, chính xác nhất.
Mái tóc ngày càng bạc trắng thêm do những ngày “mất ăn, mất ngủ” vì dịch Covid-19, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, các cán bộ của trung tâm đang phải nỗ lực tối đa, đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết… Trung bình một ngày, trung tâm thực hiện xét nghiệm 4.000-5.000 mẫu; những lúc cao điểm phải thực hiện tới 8.000-10.000 mẫu/ngày. Công việc cứ đến dồn dập, chưa truy vết xong mối nguy này, lại đến yếu tố nguy cơ khác…
Trải qua nhiều đợt dịch, nhưng chưa bao giờ chị Phạm Thị Tố Uyên, nhân viên Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cảm thấy công việc lại áp lực như trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này. “Ngày, đêm cuốn vào guồng quay của công việc, không ai ngơi tay. Mọi việc riêng đều phải gác lại. Thậm chí, chúng tôi phải tranh thủ thay nhau ra ăn tạm bữa trưa, bữa tối để tiếp tục công việc. Khi hết 1 ca là mệt mỏi rã rời, chân tay đau nhức, nhưng mọi người luôn động viên nhau cùng cố gắng, vì sức khỏe người dân”, chị Phạm Thị Tố Uyên tâm sự.
Hà Nội đang tăng tốc cho chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng tại những khu vực nguy cơ. Hình ảnh những cán bộ y tế tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tranh thủ chợp mắt tại những điểm lấy mẫu, trên xe cứu thương, khu xét nghiệm… trong bộ đồ bảo hộ kín mít, bức bí sau nhiều giờ làm việc liên tục, khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Kết thúc ca làm việc, anh Ngô Hùng Sơn, Khoa Kiểm soát dịch (Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng) khá mệt mỏi, mồ hôi ướt sũng như vừa tắm, sau khi cởi bộ đồ bảo hộ ra. Thời gian làm việc của những nhân viên y tế như anh Sơn là 8 giờ, trong đó, trung bình một ngày sẽ mặc đồ bảo hộ 4 giờ, song cũng có ngày phải mặc đến 8 giờ. Suốt thời gian đó phải nhịn ăn uống, nhịn cả đi vệ sinh, song anh Sơn vẫn giữ được sự vui vẻ lạc quan.
Để chống dịch kịp thời, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức thành lập 3 đội đáp ứng nhanh. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức chia sẻ, có những hôm cán bộ chuyển mẫu và lái xe về tới trung tâm đã 4h sáng. Chỉ nghỉ ngơi một vài tiếng, họ lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Tuy vất vả và mệt mỏi, song các thành viên cả 3 đội đáp ứng nhanh không ngại khó, ngại khổ, luôn động viên nhau cố gắng.
Cần sự chung sức của người dân
Làm việc trong môi trường đầy rủi ro, những mẫu xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS-CoV-2 có thể dương tính và bất cứ cán bộ y tế dự phòng nào cũng dễ bị lây nhiễm, nếu không tuân thủ đúng quy định phòng dịch. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ làm việc dưới nắng nóng trên 35 độ C nhiều giờ, thậm chí có người mệt lả, kiệt sức, bị ngất khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Song, họ vẫn luôn vững vàng, kiên cường ở nơi tuyến đầu chống dịch.
Thế nhưng, điều mà những cán bộ y tế cảm thấy buồn lòng, đó là khi thấy một bộ phận người dân vẫn còn thờ ơ, chủ quan với công tác phòng, chống dịch. Đơn cử như không ít người vẫn cố tình vi phạm quy định về giãn cách xã hội… “Mong rằng, mỗi người dân hãy nâng cao ý thức, đừng để những cố gắng của ngành Y tế nói chung, cũng như nhân viên y tế dự phòng nói riêng trở thành vô ích”, anh Ngô Hùng Sơn, Khoa Kiểm soát dịch (Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng) bày tỏ.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, lực lượng chống dịch của Hà Nội đang căng sức trên nhiều mặt trận, từ phong tỏa, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm đến điều trị các trường hợp F0. Thành phố đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép và giãn cách xã hội là cách tốt nhất để ổn định tình hình, nhanh chóng dập dịch, hướng đến trạng thái bình thường. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, bên cạnh lực lượng chức năng rất cần sự chung sức của mỗi người dân.
Theo Hà Nội mới