(ĐHVO). Từ đài tưởng niệm chiến thắng cầu Rạch Chiếc lịch sử, khói hương trắng xóa nhạt nhòa, mong manh lan tỏa trên dòng sông Rạch Chiếc đang nước lớn. dưới cái nắng tháng Tư gay gắt. Gió hiu hiu xao xác những cánh bông lục bình màu tím lung linh, tựa như trong ấy có vong linh của 52 anh hùng liệt sĩ của Lữ đoàn 316 đặc công – biệt dộng đã anh dũng hy sinh trong trận tiến đánh quyết tử 4 ngày đêm, từ ngày 27 đến ngày 30-4-1975 chiếm giữ cầu rạch Chiếc, để đón đại quân của chúng ta đang rầm rập tiến về giải phóng Sài gòn.
Nguyễn Đức Thọ đã làm tròn trách nhiệm của mình khi đươc Chính ủy Lữ đoàn đại tá Nguyễn Văn Tàu -Tư Cang giao phó. Điều này, khiến Lê Đức Thọ càng thêm tự hào khi nhớ lại vào năm 1972, anh đã tuyên thệ dưới Quân kỳ sẽ xứng đáng là người con của quê hương Thanh Hóa trước khi nhập ngủ vào Đặc công thủy. Đến tháng 7 1974 anh được điều động về Đặc công Z23 thuộc Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 nay là thương binh 2/3, hiện ngụ tại phường 4 quận 8 TP.HCM.
Ảnh nguồn internet
Xứng danh là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Trong những người đến cầu Rạch Chiếc thắp hương tưởng nhớ 52 anh hùng liệt sĩ của Lữ đoàn 316 hy sinh 41 năm trước, còn có Đại tá Nguyễn Xuân Liễu người con của quê hương Thanh Hóa, đang thổn thức bùi ngùi với những giọt nước mắt nhớ thương đồng đội không ngừng rơi.. Trong trận đánh cầu Rạch Chiếc, Nguyễn Xuân Liễu thuộc phân đội 1, đại đội 1, Z23, nhận nhiệm vụ tiêu diệt lô cốt dưới gầm cầu phía Nam cầu Rạch Chiếc. Nguyễn Xuân Liễu đã sáng tạo dùng lon sữa bò đổ thuốc C4 vào làm lưu đạn, rồi phối hợp với thuốc nỗ TNT, B41 phá tan lô cốt lập chiến công hiển hách. Đại tá Nguyễn Xuân Liễu bồi hồi kể lại: Cầu Rạch Chiếc là một trong ba chiếc cầu quang trọng trên xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, do đó địch đã tăng cường hệ thống bố phòng căn cứ và lực lượng giữ cầu. Thường trực có một tiểu đoàn Bảo an trên 400 tên, đặt sở chỉ huy ở phía nam cầu. 2 đầu cầu đều xây các lô cốt kiên cố bằng bê tông, cốt sắt, vòng ngoài có thêm nhiều bót gác đắp công sự bằng gỗ đất. Bao quanh căn cứ nam, bắc cầu có 4 – 5 lớp rào dây kẽm gai, kết hợp các bãi mìn. Hệ thống đèn pha cực mạnh, đêm đến chiếu sáng như ban ngày, quét hai bên cầu và bao quanh căn cứ . cách đầu cầu hơn một kí lô mét là căn cứ giang đoàn 306. Có 2 tàu chiến nhỏ túc trực dưới chân cầu 24/24 giờ. Đồng trống. sông rộng nhưng địch còn phát quang thêm quanh cầu và căn cứ hơn 400 mét. Pháo binh cơ giới từ liên trường Thủ Đức, căn cứ Sóng Thần. Toàn bộ lực lượng và hệ thống bố phòng của địch như trên ta chỉ nắm được một phần. 17 giờ ngày 27/4. toàn thể cán bộ chiến sĩ 3 đơn vị tập kết lại tại Rạch Bà Rú và gò đất không tên (nay là khu sân gôn) tiến hành ngụy trang theo lối đánh đặc công, bí mật tiếp cận mục tiêu. Gần đến cầu, anh em lại ngụy trang thêm, bôi thêm bùn đất vào người. Mỗi chiến sĩ ngoài súng B40, B41 hoặc tiểu liên còn trang bị 6,7 trái thủ pháo, hoặc 3, 4 trái B40, B41. Với lối đánh đặc công kết hợp biệt động. Sử dụng tối đa các loại vũ khí hủy diệt mục tiêu. Chỉ sau 45 phút chiến đấu, cả 3 đơn vị đều làm chủ được căn cứ địch và cây cầu. Phần lớn các mái nhà của địch bị bay nóc.
Cuối năm 1975, Nguyễn Xuân Liễu được theo học Trường sĩ quan Lục quân 1, 4 năm sau được phong quân hàm trung úy. Năm 1983, Nguyễn Xuân Liễu được điều sang làm giáo viên Trường sĩ quan Lục quân 2. Tháng 8-2009 được phong quân hàm Đại tá, Phó chủ nhiệm Khoa trinh sát Trường sĩ quan Lục quân 2. Đến tháng 10 năm 2013 được nghỉ chế độ địa phương, ấp Long Đức 1 xã Tam Phước TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Ký ức về những năm tháng không thể nào quên để có ngày chiến thắng lịch sử 30 – 4 – 1975, vẫn sống mãi trong tâm tư tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 316 . Đã trở thành niềm tin, động lực để họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để học tập, cống hiến công sức, trí tuệ của mình trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Viết tiếp trang sử rạng ngời của Lữ đoàn 316 đặc công – biệt động, xứng đáng là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Thạch Hiệp