Chiếc xe lăn bên hồ Ngọc Khánh

(ĐHVO). Khi nắng chiều buông, trên con đường rợp bóng cây xanh ven hồ Ngọc Khánh, có một người đàn ông ngày ngày vẫn ngồi đây đọc thơ, làm thơ thật ung dung và bình thản. Đó là ông Nguyễn Tường Vĩnh (Hữu Vinh) – là bạn chiến đấu thân thiết với tôi trong “Hội 5Đ”: (Đồng hương- Đồng chí- Đồng đội- Đồng đinh- Đồng tâm), chính “Chữ Đ” thứ năm đã gắn bó chúng tôi suốt cả chặng đường dài.

Anh Tường Vĩnh sinh năm 1937 (Đinh Sửu), ở vùng biển xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đầy ắp cá tôm và muối mặn; còn tôi sinh ra ở xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, quê hương “Phở Gia truyền Nam Định”, có bí quyết hầm xương bò thành nước phở trong veo mà hương vị chỉ thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi cùng một chiến hào. Tôi còn nhớ ngày 07/2/1971, với cương vị Tiểu đoàn trưởng pháo binh (D24 thuộc Sư đoàn 308 Quân Tiên phong) anh đã chỉ huy nã pháo đè bẹp tuyến phòng thủ của địch ở Tà Púc – Một cứ điểm mạnh nhất cả về lực lượng và hỏa lực của địch. Chiến thắng đã mở màn cho chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, với thế chủ động và đội hình hiệp đồng binh chủng chặt chẽ của QĐND Việt Nam đã giáng một đòn quyết định, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn 719…Chính nơi chiến trường ác liệt này, Tường Vĩnh đã bị thương, một phần xương máu của anh và biết bao đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống để mảnh đất Quảng Trị anh hùng mãi mãi xanh tươi. Do vết thương sọ não quá nặng, Tường Vĩnh đã không có mặt trong đoàn quân của 4 Sư đoàn Quân Tiên phong 308, Sư đoàn Chiến Thắng 312, Sư đoàn Đồng bằng 320 và Sư đoàn Pháo phòng không 367, cùng các lữ đoàn Xe tăng 202, Công binh 299, Pháo binh 45, Trung đoàn Thông tin 140…để hình thành Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng) – Quân đoàn chủ lực đầu tiên của QĐND Việt Nam anh hùng vào tháng 10/1973 để đến năm 1975 hợp điểm cùng các Binh đoàn quân giải phóng làm nên kỳ tích. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhưng anh vẫn trong đội hình “Bạn chiến đấu Quân đoàn 1” – Hội nghĩa tình của những người lính đã một thời oanh liệt tại Thủ đô Hà Nội cho tới ngày hôm nay.

 

Nói tới Tường Vĩnh là nói tới nghị lực phi thường, anh là thương binh nặng, đã vượt lên tất cả, luyện rèn để đến với nghề làm thầy, “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” cho tới khi nghỉ hưu. Bạn bè, đồng đội, quê hương và gia đình yêu quý Tường Vĩnh vì anh có trái tim nhân hậu bao dung, sâu nặng nghĩa tình đồng đội, dù trên bục giảng, trên giường bệnh, trên xe lăn hay những chuyến thăm lại chiến trường xưa, những chuyến về thăm quê… Ở đâu, lúc nào anh cũng lạc quan yêu đời, yêu người và yêu cuộc sống, mặc dù vết thương đau đớn thường trực hành hạ hàng ngày nhưng anh vẫn cứ “đắm đuối vì thơ”. Chính nạng đã nâng anh, dìu anh, đồng hành mải miết cùng thơ. Từ năm 2004, khi đã cận kề tuổi “Thất thập cổ lai hy” và nay ở tuổi Tám nhăm anh đã trình làng tới 16 tập thơ: “Người về từ Tà Púc”, “Ân tình đồng đội”, “Nạng đỡ”, “Người viết tiếp ước mơ” …và “Nhà thơ cấp phường” (năm 2020) với gần 2000 bài đủ thể loại, chứng tỏ bút lực của anh vẫn dồi dào, tâm hồn vẫn trẻ trung bay bổng bên nàng thơ. Đọc thơ anh, ta cảm nhận được tâm thế, nghị lực phi thường, một trái tim bao dung nhân ái và hết sức khiêm nhường chỉ nhận mình là thơ “NHÀ THƠ CẤP PHƯỜNG”. Thơ là chất của một người lính dũng cảm, người thầy mẫu mực, người đồng đội ân tình, người chồng thủy chung, người cha, người ông đáng kính, người thơ lãng mạn, hóm hỉnh giàu chất nhân văn…

Thương binh nặng Nguyễn Tường Vĩnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Chiều xuống, khi hoàng hôn bảng lảng, từ ngõ 29 Nguyễn Chí Thanh, chiếc xe lăn chở người thương binh nặng cùng chiếc nạng, bên cạnh là một người phụ nữ tóc bạc đầy nhân hậu – Đó là cô gái quê Hà Đông. Năm 1963, khi mới tròn hai mươi đã tình nguyện lấy Anh bộ đội Cụ Hồ (Cô gái Suối Hai, chàng trai Nam Định) để rồi suốt 58 năm thủy chung, tảo tần lo toan thay chồng nuôi bốn đứa con khôn lớn, trưởng thành. Và cũng đã tròn 50 năm từ năm 1971, chị dang rộng cánh tay đón “Người về từ Tà Púc”, một tay chị chăm sóc yêu thương anh cho đến hôm nay. Nhìn bóng dáng Anh trên chiếc xe lăn, lòng tôi lắng xuống bồi hồi…Chàng trai đã từng có mặt ở chiến dịch Thượng Lào, Điện Biên Phủ, Quảng Trị … anh dũng, kiên trung, nay đã ở tuổi “Xưa nay hiếm”, trên đầu chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc bạc. Thời gian và chiến tranh đã cướp đi tuổi thanh xuân và sức khỏe, anh đi lại khó khăn nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ thường trực trên môi, trên xe say sưa ngắm cảnh, đọc thơ cho người bạn đời nghe. Anh là thế, hiền lành, chân chất như hạt gạo, củ khoai quê mẹ. Vẫn hồ hởi ríu rít đón anh em đồng đội tới nhà uống rượu, tâm tình, đọc thơ, bình thơ…

 

 

Ông Nguyễn Như Khoa – Phó chủ tịch, Tổng thư ký hội đồng hương tỉnh Nam Định và Doanh nhân Phan Viết Thao Chủ tịch hội doanh nhân Nam Định – Hà Nội trao quà tình nghĩa và tặng thương binh nặng Nguyễn Tường Vĩnh huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định một chiếc xe lăn.

Tường Vĩnh ơi! Anh ráng vượt nỗi đau thể xác, xe vẫn đỡ, nạng vẫn nâng anh, gia đinh, đồng đội vẫn bên anh. Các bạn thơ Thông Reo, Nhà giáo, Vĩnh Phúc, Tây Hà… và Câu lạc bộ Thơ văn Tiếng vọng Thành Nam – Hội thơ quê mẹ Nam Định vẫn luôn là động lực để anh viết tiếp. Thơ anh vượt xa “Cấp phường, cấp quận” rồi, đã vững vàng trong làng thơ “cấp tỉnh, thành” và vươn xa hơn thế nữa. Chỉ riêng việc anh viết 16 tập thơ có giá trị đã để lại dấu ấn sâu nặng trong lòng những người yêu thơ, trân trọng quý mến anh. Hôm nay, chúng tôi thăm và tặng anh chiếc xe lăn mới để anh vẫn cứ bền bỉ trên xe lăn, bạn cùng nạng đỡ… chiều chiều dạo bên hồ Ngọc Khánh. Sóng hồ vẫn gợn, đàn cá thân quen tung tăng bơi lội ríu rít đón anh; Hàng liễu, ven hồ như những cô gái tuổi trăng tròn e ấp làm duyên, làn tóc thơm mùi bồ kết tỏa hương dìu dịu chỉ dành riêng cho anh; Dòng người xuôi ngược qua cầu Kim Mã hối hả vẫy chào, nhường đường cho chiếc xe lăn mỗi khi anh đi qua …. Tất cả, tất cả những người thân yêu, cả không gian Ngọc Khánh, bầu trời Thủ đô luôn dành cho anh những tình cảm yêu thương, sưởi ấm anh để anh làm thơ và hoài niệm…

Chiếc xe lăn, gắn liền với người thương binh nặng Nguyễn Tường Vĩnh bên bờ hồ Ngọc Khánh là nét đẹp nên thơ điểm xuyết cho văn hóa Thủ đô yên bình và hạnh phúc. Cầu mong anh, người thương binh “Tàn nhưng không phế” mãi có sức mạnh diệu kỳ để anh “Viết tiếp ước mơ”:

“Ước mơ xuyên suốt cuộc đời

Trời cho minh mẫn để ngồi làm thơ

Tuổi cao còn chút ước mơ

Đi xa để lại vần thơ cho đơi”./.

 

Mùa Thu năm Tân Sửu 2021

Hồng Hà

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang