(ĐHVO). Nằm trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật 03/12, trưa và chiều ngày 30/11/2020, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật đã phối hợp cùng Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Quỹ An sinh xã hội Việt Nam, tổ chức CBM và tổ chức actionaid tổ chức Diễn đàn Việc làm và Cơ hội khởi nghiệp đối với người khuyết tật với sự tham gia của gần 400 đại biểu đến từ các tổ chức của và vì NKT, các HTX, doanh nghiệp của người khuyết tật. Cùng với đó là 25 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm và cơ hội việc làm cho người khuyết tật.
Ban Điều hành Phiên 1 Hội thảo thúc đẩy việc làm đối với người khuyết tật
Diễn đàn gồm hai phiên chính gồm Hội thảo thúc đẩy việc làm với người khuyết tật và Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và tạo việc làm đối với người khuyết tật do bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội lần lượt chủ trì các Hội thảo.
Tại hai phiên Hội thảo của diễn đàn, các đại biểu đã được nghe các diễn giả là người khuyết tật, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật, đại diện các cơ quan, ban ngành, tổ chức trình bày các tham luận như: Chính sách hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm đối với người khuyết tật của Văn phòng UBQG về người khuyết tật Việt Nam; Chính sách chương trình giáo dục nghề nghiệp tạo việc làm đối với người khuyết tật của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp; Các quy định liên quan đến vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất đối với NKTvà cơ sở tạo việc làm đối với NKT của Ngân hàng chính sách xã hội; Giới thiệu mô hình kết nối, hỗ trợ NKT tìm việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội; Mô hình Ngân hàng chính sách xã hội phối hợp với Hội người khuyết tật cho vay vốn với lãi xuất ưu đãi để phát triển sản xuất của Ngân hàng chính sách xã hội TP. Hà Nội; Kinh nghiệm khởi nghiệp từ số vốn nhỏ của ông Nguyễn Việt Cường Giám đốc Hợp tác xã vụn art; Đam mê, giám ước mơ và không từ bỏ của bà Đinh Thị Yến – Trưởng nhóm may của NKT xã Cúc Phương, Nho Quan, Ninh Bình; NKT nên khởi nghiệp như thế nào để thành công của bà Đinh Quỳnh Nga, Giám đốc HTX Trái Tim Hồng, Sóc Sơn, Hà Nội.
Sau các bài trình bày của các đại diện khách mời, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất những kiến nghị, giải pháp của chính bản thân, cơ sở sản xuất sau những quá trình khởi nghiệp, hoạt động và phát triển, nhân rộng mô hình… Trong đó, phải kể đến những ý kiến trao đổi, kiến nghị của ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam với các vấn đề liên quan đến việc thay đổi nhận thức từ tình thương, nhân đạo chuyển sang tiếp cận dựa trên quyền hay cần đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, người khuyết tật là thành viên của tổ chức tín chấp ở cộng đồng cũng như cần phát huy vai trò của các tổ chức của và vì người khuyết tật trong việc hỗ trợ NKT tiếp cận chính sách, khởi nghiệp, tạo việc làm…
Bà Đào Thu Hương, đại diện UNDP tham dự và phát biểu ý kiến góp ý tại Diễn đàn
Đó là các ý kiến đóng góp liên quan đến việc sửa đổi Luật Người khuyết tật; sửa đổi chính sách hỗ trợ NKT khởi nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực nhận người khuyết tật vào làm việc; là vấn đề liên quan đến khái niệm điều chỉnh hợp lý đối với người khuyết tật trên mọi phương diện đặc biệt là trong môi trường làm việc; là ứng dụng công nghệ hỗ trợ NKT trong lao động, sản xuất cũng như việc hỗ trợ truyền thống là có người đồng hành cùng lao động là NKT cho đến khi NKT thích nghi, hòa nhập được bình đẳng… của Bà Đào Thu Hương, đại diện của UNDP tại Việt Nam.
Hay những ý kiến kiến nghị của đại diện chi hội người điếc Hà Nội liên quan đến việc doanh nghiệp cần hiểu hoặc cần có người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để tránh xung đột, mâu thuẫn không đáng có cũng như đạt được hiệu quả công việc cao; những vấn đề liên quan đến BHYT của NKT nặng, đặc biệt nặng khi tham gia thị trường lao động và được đóng BHXH; các nội dung liên quan đến đầu ra cho sản phẩm, chính sách thuế ưu đãi (thuế VAT) đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật… cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và kiến nghị để thông qua Ban Điều hành Hội thảo tổng hợp và đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tế đang diễn ra.
Các đại biểu tham dự có ý kiến góp ý, kiến nghị và trao đổi, đề nghị Ban Điều hành và các chuyên gia khách mời giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc
Cũng tại Diễn đàn, những vấn đề thắc mắc của nhiều đại biểu liên quan đến chính sách hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp và tham gia thị trường lao động, những nội dung liên quan đến việc vay vốn từ ngân hàng chính sách… đã được đoàn chủ trì và các khách mời đến từ ngân hàng chính sách xã hội và chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tại Hà Nội giải đáp một cách thấu đáo đồng thời cũng trao đổi để hỗ trợ tháo gỡ trợ giúp NKT có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp và tạo việc làm.
Thay mặt Ban Điều hành, bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam kết luận hai phiên Hội thảo, bà Thụy cho biết: thông qua Diễn đàn cho thấy, chính sách trợ giúp người khuyết tật tuy đã khá đầy đủ nhưng đâu đó trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khoảng trống. Và Diễn đàn năm nay tuy mới chỉ đưa được các gian hàng của 1 số tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội… nhưng mong muốn rằng sang năm tới sẽ có nhiều hơn những gian hàng của 63 tỉnh/tỉnh thành trên cả nước. Bà Thụy cũng đề nghị các đại biểu sẽ tiếp tục có những ý kiến góp ý gửi về UBQG về người khuyết tật hoặc thông qua Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam để gửi các ý kiến về UBQG để làm cơ sở đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi Luật Người khuyết tật và thực hiện tốt hơn Chương trình giai đoạn 2021-2030, đồng thiếp tục triển khai các mô hình trợ giúp NKT có hiệu quả.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn thăm gian hàng của các cơ sở, sản xuất kinh doanh của NKT tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Ninh Bình…
Hy vọng rằng, dù Hội thảo chỉ diễn ra trong 2/3 thời gian làm việc của một ngày, nhưng với tinh thần trách nhiệm của Ban điều hành, những bài tham luận, kinh nghiệm được các đại biểu chia sẻ cùng với những ý kiến trao đổi, những kiến nghị đề xuất và các các vướng mắc đã được các chuyên gia giải đáp, NKT sẽ có nhiều cơ hội hơn để khởi nghiệp, để làm việc, tham gia thị trường lao động. Và Diễn đàn này sẽ là tiền đề để các diễn đàn và khởi nghiệp, cơ hội việc làm của NKT được nhận rộng và phát triển…
Hải Phong