Cách mạng 4.0 và đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng rất lớn tới thế giới việc làm toàn cầu, trong đó có việc làm cho thanh niên. “Tái định hình kỹ năng cho thanh niên hậu dịch bệnh” là thông điệp được UNESCO đưa ra để giúp thanh niên thích ứng với thế giới việc làm nhiều biến đổi.
Thanh niên cần hỗ trợ toàn diện về kỹ năng để thích ứng với thị trường lao động hậu dịch bệnh. |
Kỹ năng là “chìa khóa” để thích ứng
Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam là chủ đề chính của Diễn đàn quốc tế về tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 do Bộ LĐTB&XH và Bộ Ngoại giao tổ chức. Các chuyên gia cho rằng, nâng cao kỹ năng cho thanh niên chính là “chìa khóa” giúp họ thích ứng với thế giới việc làm có nhiều biến đổi hậu COVID-19.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng đánh giá, nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động đang dần được cải thiện. Tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có việc làm hoặc tự tạo việc làm đạt bình quân khoảng 80%, có nhiều ngành, nghề đạt 100%. Qua các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN, châu Á và thế giới dành cho các bạn trẻ dưới 25 tuổi, thành tích của học sinh, sinh viên Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt, giành nhiều huy chương và chứng chỉ xuất sắc.
“Năng suất lao động Việt Nam trong nhiều năm qua có tốc độ tăng cao trong khu vực ASEAN, đạt bình quân 4,77%/năm, chứng tỏ trình độ kỹ năng người lao động đã từng bước được cải thiện và nâng lên”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, tăng năng suất lao động phải dựa chủ yếu vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, nhưng muốn đổi mới, sáng tạo thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Srinivas B Reddy, Giám đốc toàn cầu về kỹ năng và việc làm của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cho rằng, đại dịch COVID-19 đang tạo ra nhiều thách thức cho lao động, nhất là lao động trẻ, không có kỹ năng. “Thanh niên đang là lực lượng lao động có trình độ học vấn cao nhất trong các nhóm lao động ở Việt Nam. Họ cũng là người có khả năng thích ứng tốt nhất với sự thay đổi từ thế giới việc làm. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, rõ ràng thanh niên đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận thị trường lao động, nhất là khi số lượng việc làm mới đang giảm, tỉ lệ thất nghiệp đang tăng cao. Cần hỗ trợ toàn diện để họ thích ứng với thị trường lao động”, ông B Reddy nói.
Khẳng định tầm quan trọng của kỹ năng nghề đối với thanh niên, Giám đốc Trung tâm Tầm nhìn tiên phong, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Till Alexander Leopold gợi ý 10 kỹ năng thuộc 4 nhóm kỹ năng mà mọi lao động nên có để phù hợp với nhu cầu trong tương lai, đáng chú ý như: Kỹ năng nhìn nhận, giải quyết vấn đề, kỹ năng nắm bắt tâm lý xã hội, kỹ năng thuyết trình… Đặc biệt, lao động thanh niên cần phát huy thế mạnh là khả năng nhanh nhạy, dễ thích ứng để hoàn thiện và nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp với sự trợ giúp của công nghệ thông tin.
Trang bị kỹ năng cốt lõi vững chắc
Hiện nay, cả nước có khoảng 13 triệu người đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Lao động nông thôn bị ảnh hưởng nhiều hơn ở thành phố (khoảng 75% lao động nông thôn bị ảnh hưởng). Lao động thất nghiệp vào khoảng 1,2 triệu người, đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Để hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Trong đó, có quy định hỗ trợ khoảng 4.500 tỷ đồng đào tạo và đào tạo lại cho lao động, góp phần nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Chia sẻ về các giải pháp nâng cao kỹ năng nghề cho thanh niên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Trương Anh Dũng cho biết, cách tiếp cận phát triển kỹ năng sẽ dần chuyển từ “một lần cho tất cả” sang cách tiếp cận “lâu dài suốt đời”, tức là trang bị cho thanh niên những kỹ năng cốt lõi vững chắc và cập nhật nâng cao liên tục để phát triển khả năng tạo việc làm bền vững cho họ.
Ông Trương Anh Dũng cũng cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp định vị mục tiêu dạy nghề trên cơ sở “kỹ năng và năng lực hành nghề của người học vừa là động lực, vừa là mục tiêu của quá trình đào tạo”, đáp ứng nhu cầu việc làm chuẩn mực và bền vững.
Một giải pháp rất quan trọng nữa là xây dựng mô hình kết nối giữa cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp bảo đảm đáp ứng cung-cầu về lao động, giảm thiểu chênh lệch và thiếu hụt kỹ năng. Ổng Trương Anh dũng nêu ví dụ cụ thể, ở cấp nhà nước sẽ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phát triển kỹ năng và năng lực hành nghề cho người lao động do một lãnh đạo cấp Chính phủ làm trưởng ban; ở cấp độ ngành thì hình thành các hội đồng kỹ năng nghề ở các lĩnh vực nghề nghiệp có sự tham gia của các bộ, ngành phụ trách, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, VCCI, Tổng Liên đoàn Lao động, người lao động, các chuyên gia chuyên ngành, các nhà khoa học; cấp cơ sở hình thành các hội đồng tư vấn đào tạo, phát triển kỹ năng ở cấp cơ sở là các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các doanh nghiệp…
“Ngoài ra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng xây dựng lộ trình phát triển và con đường học tập suốt đời, thăng tiến nghề nghiệp cho người lao động dựa vào kỹ năng và năng lực nghề nghiệp theo 2 lộ trình cơ bản là khung trình độ quốc gia và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia với 3 hình thức chủ yếu phấn đấu tại nhà trường, phấn đấu tại nơi làm việc và tự phấn đấu, trải nghiệm cá nhân trong đời sống và thế giới việc làm”, ông Trương Anh Dũng cho biết.
Mặt khác, thời gian tới, công tác quản lý nhà nước và nâng cao năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia sẽ được tăng cường để bảo đảm gia tăng độ tin cậy, tính hiệu lực, hiệu quả đối với chứng chỉ của người lao động và đối với người sử dụng lao động.
Nguồn Báo điện tử Chính phủ