(ĐHVO). Khi đến xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, không ai là không biết đến chị Trần Thị Thuần, người phụ nữ đầy nghị lực. Đặc biệt, chị được xem như người chị cả, người mẹ với những người khuyết tật tại vùng đất Sóc Sơn này.
Cuộc đời người mẹ, đầy bất hạnh
Cuộc đời chị đã trải qua bao khó khăn với những sóng gió liên tiếp ập đến. Chị bị khuyết tật từ nhỏ, nay lại chồng chất thêm những vết thương do tai nạn. Đau lòng hơn, người chồng chị hết mực yêu thương đã bỏ chị để đến với người khác. Cuộc sống của mẹ con chị lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Với mức trợ cấp 525.000 đồng/một tháng chỉ đủ để mẹ con chị sống qua ngày. Sau hơn hai tháng bị tai nạn, sức khỏe của chị yếu đi nhiều, cộng thêm việc chị là người khuyết tật nên rất khó khăn để kiếm tìm một công việc ổn định.
Gạo chị mua hàng tháng nhờ tiền trợ cấp (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhiều đêm, trong những giây phút yếu lòng, khi nghĩ đến những khó khăn đang bủa vây, chị lại không kìm được nước mắt. Thế nhưng khi nhìn thấy các con của mình, chị như được tiếp thêm sức mạnh, một lần nữa đứng lên đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.
Vì không thể tìm kiếm được một công việc ổn định nên chị Thuần đành đi bán hàng rong. Nhìn những bước chân không chắc chắn của chị rong ruổi khắp phố phường Hà Nội, những giọt mồ hôi chảy ròng ròng ngay giữa trời đông lạnh giá khiến cho ai cũng phải cảm động. May thay, chị đã gặp được chị Ngọc Hiếu. Nhờ đó mà chị Thuần đã có một công việc ổn định với mức lương từ 5 triệu đến 7 triệu một tháng. Từ đó, cuộc sống của mẹ con chị đã bớt khó khăn hơn rất nhiều.
Ý tưởng được hiện thực hoá
Trong một lần chị tham gia “Ngày hội ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ khuyết tật” do một cựu sinh viên Úc tổ chức, chị đã thuyết trình ý tưởng “Chuyên trồng và chế biến cây dược liệu” của mình và được mọi người đánh giá rất cao. Chị rất vui mừng nhưng vì điều kiện tài chính không cho phép nên chị chưa thực hiện được ý tưởng đó của mình.
Hàng ngày chị vẫn đi làm thêu, tối đến chị tranh thủ chút thời gian để thực hiện ý tưởng cùng một số bạn trong hội người khuyết tật của xã. Chị cùng mọi người tranh thủ làm lại những thửa đất của các bà con bỏ hoang để trồng các cây thảo dược như bông lá đề, rau má,…
Chị Trần Thị Thuần (đứng thứ 2 từ trái qua phải) và các thành viên trong hội đưa ra ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số và người khuyết tật (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Công việc của chị ngày càng ổn định, chị cũng dần gác lại công việc làm thêu, tập trung hết sức để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với chị lúc này là tiền vốn. Chị đã phải huy động vốn từ tất cả mọi người trong hội, mỗi người góp một ít để có đủ vốn để thực hiện ý tưởng. Cùng với sự đồng lòng và ủng hộ của các thành viên trong hội, chị đã thành lập được hợp tác xã Tâm Ngọc.
Những ngày đầu thành lập hợp tác xã Tâm Ngọc (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trời cũng không phụ người có công
Chị phân rõ ràng công việc cho mọi người trong hội. Chị chia làm hai nhóm bạn, một là các bạn bị khuyết tật trí não, hai là các bạn bị khuyết tật vận động. Các bạn bị khuyết tật vận động là những bạn trí não vẫn còn minh mẫn nên chị phân công các bạn làm những việc liên quan đến tư duy nhiều hơn. Còn những bạn bị khuyết tật trí não chị phân công các bạn làm những công việc chân tay. Nhờ sự quản lý hợp lý của chị, hợp tác xã Tâm Ngọc đã tạo công ăn việc làm cho các bạn khuyết tật, với những đồng lương thực sự xứng đáng từ chính công sức mà mình bỏ ra. Để hợp tác xã được nhiều người biết đến hơn nữa, chị cùng với các thành viên trong hội tổ chức liên kết với các phòng khám đông y, phòng khám y học cổ truyền Phương Đông, hợp tác xã Sức Sống Xanh, các cộng tác viên bán hàng online, các câu lạc bộ người cao tuổi, câu lạc bộ phụ nữ, câu lạc bộ Trấn Thương Cột Sống Khát Vọng Việt Nam. Đồng thời, chị cũng thường xuyên tham gia các hội trợ xúc tiến thương mại do các Bộ, Ngành tổ chức.
Chị Trần Thị Thuần đang giới thiệu sản phẩm trong chương trình ra mắt mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng tại tại 24 Tràng Tiền (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhờ sự dẫn dắt tài tình của chị và sự đồng lòng từ các thành viên trong hội mà hợp tác xã Tâm Ngọc đã không ngừng lớn mạnh. Anh Nguyễn Bảo Ngọc – một thành viên trong hợp tác xã Tâm Ngọc chia sẻ: “Sau lần gặp tai nạn anh đã bị mất đi cái chân. Nhờ có chị Thuần giúp đỡ và động viên, anh đã bớt mặc cảm và hoà nhập lại với cộng đồng. Đối với anh chị em trong hội, chị Thuần như là một người mẹ, người chị, người em gái tận tình chỉ bảo”
Sản phẩm của hợp tác xã Tâm Ngọc đã lọt top 10 sản phẩm vinh danh của năm 2020 do Hội liên hiệp thành phố Hà Nội tổ chức (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Năm 2020, sản phẩm của hợp tác xã Tâm Ngọc đã lọt top 10 sản phẩm vinh danh của năm do Hội liên hiệp thành phố Hà Nội tổ chức. Hiện tại, hợp tác xã Tâm Ngọc đã phủ kín 4 ha đất, có hai cơ sở sản xuất kinh doanh, 26 thành viên trong đó có cả các bạn là cử nhân của các trường đại học uy tín như học viện Bưu Chính Viễn Thông, Đại học Mở Hà Nội,… Các thành viên đều được chị tạo công ăn việc làm và trả lương theo đúng năng lực.
Không chỉ dừng lại ở đó, chị Thuần luôn nỗ lực phấn đấu với mong muốn mở rộng hơn nữa quy mô của hợp tác xã và đem đến nhiều cơ hội việc làm hơn nữa cho những người khuyết tật.
Nguyễn Văn Sự