(ĐHVO).Sinh ra khỏe mạnh và bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng tai nạn giao thông ập đến năm 3 tuổi khiến chị Nguyễn Thị Minh Thùy mắc phải căn bệnh yếu tay chân từ đó. Bằng sự kiên trì và nghị lực của mình, chị vượt lên trên số phận, tự khắc phục đưa bản thân trở lại như xưa và tìm được hướng đi cho tương lai.
Chị Nguyễn Thị Minh Thùy(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị Nguyễn Thị Minh Thùy (25 tuổi, trú tại thôn Tân Trại 2, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) sinh ra trong một gia đình gồm bốn thành viên, chị Thùy là con đầu trong gia đình, sau chị còn một em trai. Sinh ra khỏe mạnh và bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng năm chị lên ba tuổi, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra với chị khiến chị bị thương nặng, các dây thần kinh tứ chi bị tổn thương dẫn đến tay chân chị tê yếu, sinh hoạt trở nên khó khăn. Đối với một đứa trẻ mới lên ba mà nói vụ tai nạn này gần như lấy đi mạng sống của chị.
“Lúc bị tai nạn, tôi tưởng mình đã chết rồi vì vết thương đầy máu, gần đó không có bệnh viện, mẹ tôi phải ra đường bắt xe nhưng trớ trêu thay lúc đó cũng không có xe chạy ngang qua đoạn đường mà tôi bị tai nạn. May sao dì tôi đi làm về ngay đó và đã kịp thời đưa hai mẹ con tôi tới bệnh viện.“. Chị vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ chị lo lắng, đau lòng nhưng vẫn quật cường để giành giật lại mạng sống cho con: “Khi tôi cấp cứu trong viện do tai nạn đó, do máu tôi là máu hiếm mà bệnh viện lại hết máu, để lo đủ máu truyền cho tôi lúc cấp cứu, mẹ tôi đã phải chạy ngược chạy xuôi, hỏi từng người thân cả bên nội lẫn bên ngoại xem có ai cùng nhóm máu với tôi không. Lúc đó tôi thật hạnh phúc vì hiểu rằng, cho dù tôi có ra sao thì mẹ vẫn không bỏ rơi tôi, bà sẵn sàng làm mọi việc để tôi có thể sống tiếp’’.
Sau vụ tai nạn ấy, cuộc sống của chị thay đổi nhiều, sinh hoạt cũng khó khăn hơn người bình thường. Chị tâm sự lúc mới tháo bột bản thân chị không thể tự mình làm mọi việc, kể cả việc vệ sinh cá nhân. “Sau khi tháo bột, chân tôi lúc đó chưa làm quen được với cảm giác được chạy nhảy như lúc chưa bị tai nạn. Chân cứ run run, không thể tự đi vệ sinh hay tự tắm rửa như những bạn nhỏ khác’’. Điều này thực sự khiến chị nản lòng, nhưng không vì thế mà chị chìm trong sự mặc cảm tự ti, bỏ mặc bản thân. Chị nhận ra rằng mình phải tự vực dậy bản thân, không thể dựa giẫm mẹ cả đời!
Giữ vững tinh thần lạc quan, chị Thùy tập dần dần từ đôi bàn chân trước, mỗi ngày một ít, tập ngồi xổm để có thể tự đi vệ sinh…. Quả là trời không phụ lòng người, sau một thời gian cố gắng nỗ lực thì chị cũng có thể tự đi trên đôi bàn chân của mình. Nhớ lại thời khắc đấy, chị cười nói “Cảm giác lúc đó thật vui sướng không thể nào diễn tả bằng lời nói được”.
Sau khi chân đã phục hồi chị dần dần chuyển qua tập tay. Mỗi ngày giơ tay lên bên tay này bằng bên còn lại, ngày đầu giơ mười lần, những ngày sau tập tăng dần, cứ thế tay chị cũng đỡ và khỏe hơn rất nhiều. Từ đó chị tập làm những việc từ đôi tay đôi chân của mình. “Tay thì tập buộc tóc, tự tắm rửa cho mình, nấu cơm bằng nồi điện cho mẹ. Cảm giác thật tuyêt vời khi mình không còn là gánh nặng của ba mẹ nữa” – Chị vui vẻ nhớ lại. Trong khi những đứa trẻ bằng tuổi ngoài kia đang vô tư chạy nhảy, nô đùa thì chị lại đang tự mình chống chọi lại những khó khăn của số phận. Nếu ai trong chúng ta cũng rơi vào trường hợp như vậy có lẽ chúng ta cũng tự ti, cũng ghen tỵ, và có lẽ chỉ biết than trách mà không biết phải làm thế nào. Nhưng không, chị Thùy vẫn giữ niềm tin vào chính bản thân, tự mình vươn lên vượt lên nghịch cảnh.
Trong những ngày tập phục hồi chức năng của tay chân, mẹ chị cũng vẫn luôn bên cạnh động viên chị, hướng dẫn chị tập từng động tác một. Sự bao dung và nhẫn nại của mẹ dành cho chị đã truyền lửa cho chị để chị bước tiếp về phía trước, thắp lên hy vọng để chị hướng đến một tương lai tốt đẹp như bao người khác. Có lẽ vì ý thức được sự hy sinh của mẹ nên mới có thể hình thành cho một cô bé ba tuổi nghị lực lớn lao và tính tự lập tự khắc phục chính bản thân mình từ khi còn rất nhỏ như vậy. Đối với chị, mẹ vui thì chị vui, mẹ buồn thì giống như cả thế giới buồn trong mắt mẹ vậy. “Tôi thầm cảm ơn người mẹ ấy đã cho tôi có mặt trên thế gian này, tôi muốn sống thật vui vẻ hạnh phúc để đền đáp những hi sinh của mẹ’’.
Tác phẩm của chị Thùy và đồng nghiệp (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị Thùy chia sẻ: “Sau khi học xong, bạn bè tôi cũng mỗi người mỗi hướng, thấy tôi lủi thủi không có bạn bè gì, mẹ đã cho tôi đi học nghề. Lúc đầu tôi tính học may nhưng nghề đâu chọn mình, với lại ở đó cùng không sạch sẽ nên mẹ tôi đã chuyển tôi qua học ở một trung tâm khác có môi trường vệ sinh sạch sẽ như nhà mình vậy đó. Lúc đó tôi vui lắm, tự nhủ mình phải cố gắng học một cái nghề và nghề thêu đã chọn tôi’’.
Thật may sao lúc mới vào nghề, chị không gặp nhiều khó khăn hay trở ngại nào. Có lẽ đến với nghề thêu đã là một cái duyên định sẵn đối với chị. Tại cơ sở học tập, chị được các cô giáo coi như con cái mà chỉ dạy tận tình, cũng nhờ đó mà chị học thành nghề rất nhanh. Nghề thêu đòi hỏi rất nhiều kĩ năng, làm nghề thêu tranh vừa phải có lòng đam mê vừa có năng khiếu hội họa. Để tạo nên một tác phẩm đòi hỏi phải mất rất nhiều công sức cũng như thời gian, có thể trở thành nghệ nhân thêu thuần thục có lẽ không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là với chị.
Có thể nhiều người sẽ cảm thấy cuộc đời mình không may mắn như người khác, nhưng một bông hoa rực rỡ đến mấy cũng thành tro tàn, quan trọng là nó đã làm thế nào để từng rực rỡ. Nhìn những mảnh đời đi ngang qua chúng ta, tuy không phải ai cũng có thể nhận ra nhưng mỗi người đều đang sở hữu những điều tốt đẹp, và thật quá may mắn khi có những người sẵn sàng ở bên cạnh ta nắm tay ta bước về phía trước. Chúc chị Thùy sẽ luôn giữ vững ngọn lửa niềm tin trong tim mình và gặt hái được nhiều thành công ở tương lai.
Tiến Đức