(ĐHVO). Hạnh phúc là cho đi và không cần nhận lại. Tham gia vào các hoạt động xã hội đối với chị Nguyễn Thị Hương Sen là niềm đam mê. Bởi qua những hoạt động này chị thấy rằng chị cũng có thể sống và làm việc như một người bình thường.
Chị Nguyễn Thị Hương Sen sinh năm 1983, quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Bố của chị là bộ đội lái xe trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong và hoạt động 10 năm trong vùng bị nhiễm chất độc. Vì vậy mà ngay từ khi sinh ra chị đã bị dị dạng cột sống do ảnh hưởng của chất độc màu da cam.
Là một người khuyết tật, chị gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên chị vẫn luôn lạc quan, nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Không thể tìm kiếm được một công việc ổn định và phù hợp với mình, nên chị đã nảy ra ý tưởng mở quán cà phê, nước ép cùng với bạn của mình. Chị chia sẻ: “Chúng mình quen nhau qua mạng xã hội. Thấy cả hai đều có chung sở thích và niềm đam mê nên chúng mình quyết định thử sức một lần với công việc kinh doanh. Bạn ấy không phải là người khuyết tật những vẫn cùng mình tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện.”
Chị Nguyễn Hương Sen và bạn cùng nhau mở quán cà phê, nước ép (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Hiện tại, chị Sen đang là thư ký của Câu lạc bộ Thanh niên và là hội viên hoạt động tích cực trong Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình. Chị thường xuyên cùng mọi người trong Hội người khuyết tật tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người có cùng cảnh ngộ. Bên cạnh đó, chị còn xin được nguồn quỹ để tặng quà cho hội viên khó khăn trong dịp tết và ngày Quốc tế Người khuyết tật.
Mới đây, chị cùng một người bạn của mình vận động quyên quần áo cho đồng bào lũ lụt miền Trung. Bên cạnh đó, chị cũng tham gia hoạt động phát gạo cho những người khó khăn trong huyện, tặng quà cho những bạn khuyết tật tại trung tâm Cocoro ở thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động phát gạo cho những người khó khăn trên địa bàn huyện (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tặng quà cho những bạn khuyết tật tại trung tâm Cocoro (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị chia sẻ: “Mình thấy rất vui sau mỗi lần đi làm từ thiện. Bởi qua những hoạt động từ thiện này mình thấy rằng mình cũng có thể tham gia hoạt động như một người bình thường. Hạnh phúc là được cho đi và không cần nhận lại. Mình đã học được điều này từ một bạn người Thái Lan. Không quan trọng là bạn cho đi bao nhiêu, khi mình chưa có nhiều thì mình cho ít, cách mà bạn cho đi mới là điều đáng quý.”
Chị Nguyễn Thị Sen và người bạn khuyết tật của mình (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên công việc kinh doanh quán cà phê của chị cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, chị vẫn luôn ấp ủ ước mơ mở rộng hơn nữa mô hình kinh doanh của mình để có thể tạo việc làm cho những người khuyết tật và đồng thời cũng giúp họ tự tin hơn vào bản thân và mạnh dạn bước ra ngoài cuộc sống. Bên cạnh đó, chị cũng nung nấu ước mở mở một Không gian đọc. Chị muốn xây dựng Không gian đọc này như là nơi để gắn kết những người khuyết tật với nhau và giúp các bạn ấy không còn mặc cảm trong giao tiếp.
Thông qua buổi trò chuyện này, chị đã để lại cho chúng tôi những bài học quý giá. Mong rằng, chị sẽ tiếp tục giữ vững được niềm đam mê và hiện thực hóa ước mơ của mình để có thể giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn nữa.
Phạm Vân