Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung – người khuyết tật với những ý tưởng tái chế bảo vệ môi trường

(ĐHVO). Mang trong mình căn bệnh viêm tủy cột sống khiến chị không thể đi lại được nhưng chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung vẫn luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung sinh ra và lớn lên tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Căn bệnh viêm tủy cột sống đã khiến cho chị không thể đi lại được, và cuộc sống của chị luôn gắn liền với chiếc xe lăn. Là một người mất 100% sức lao động, không thể tự chăm sóc chính bản thân mình nên mọi sinh hoạt hàng ngày đều trở nên hết sức khó khăn đối với chị.

Với mong muốn được học tập để nâng cao trình độ của bản thân, chị đã lặn lội một mình ra Hà Nội. Lần đầu đặt chân đến Hà Nội, chị gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng ý chí kiên cường và với sự giúp đỡ của anh Nguyễn Xuân Khánh – Chủ nhiệm CLB thanh niên khuyết tật và là Phó ban thanh niên của hội người khuyết tật Hà Nội, cùng các tình nguyện viên mà chị đã dần ổn định cuộc sống. Trong quá trình học tập và làm việc tại Hà Nội, chị Nhung đã tiếp thu được nhiều kiến thức để có thể giúp đỡ cho bản thân cũng như cho chính cộng đồng người khuyết tật tại đây.


Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Vào một chiều mưa tại Hà Nội, chúng tôi đã có cơ hội tâm sự với chị, nghe chị kể về những đam mê những ước mơ cháy bỏng thuở bé. Chị chia sẻ, vì bị khuyết tật từ nhỏ nên chị đã mày mò làm các sản phần thủ công để chơi. Thuở đó, gia đình chị còn nghèo, các anh chị em họ thường gửi quần áo đã qua sử dụng về cho chị và chị luôn tìm cách để phối lại các bộ đồ đó sao cho đẹp mắt hơn. Dần dần, trong con người chị hình thành nên thói quen tái sử dụng, tái chế quần áo đã cũ, đã lỗi mốt nhưng vẫn còn sử dụng được. Công việc này không những giúp chị tiết kiệm tiền bạc, bớt đi những khoản chi tiêu vào việc mua sắm quần áo, mà còn đem lại niềm vui cho chị. Những đôi tất cũ được chị tận dụng để gỡ lấy sợi, rồi móc thành những chiếc khăn quàng cổ, những chiếc mũ nồi xinh xinh cho các bé hoặc những đôi giày sơ sinh bé xíu.

Dần dần, chị đã có cơ duyên tham gia Cậu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật, và Phụ nữ khuyết tật Ngôi Nhà Móc. Tại đây, chị và những người bạn trong Câu lạc bộ của mình đã thực hiện dự án quyên góp đồ cũ, tặng người cần. Từ những bộ đồ cũ, các thành viên trong Câu lạc bộ đã cùng với các bạn sinh biên đưa ra những sáng kiến tái chế lại để tạo ra những sản phẩm vừa có tính ứng dụng và tính thẩm mỹ cao.


Sản phẩm làm từ những đồ tái chế (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chị Nhung cùng với các chị em trong Ngôi Nhà Móc đi gom những mảnh vải thừa từ các nhà may hoặc những chiếc váy lỗi mốt từ các shop thời trang để về tạo ra các sản phẩm độc đáo như đầm đi biển maxi với thân trên được móc hoa văn từ sợi thiên nhiên, phần thân dưới có thể được tận dụng từ váy lỗi mốt, mảnh vải hoa thừa hoặc những mét vải cũ khó bán. Những chiếc áo dài đã qua sử dụng được đính lên sườn áo những bông hoa nhỏ xinh. Những bàn tay khuyết tật cong queo, co quắp nhưng lại rất khéo léo và chuyên nghiệp tạo nên những sản phẩm handmade (sản phẩm làm thủ công) vô cùng tinh xảo.

Dự án này của chị và những người bạn trong Câu lạc bộ đã góp phần giảm rác thải, bảo vệ môi trường, đồng thời đem đến niềm vui và tạo thu nhập cho những người tật. Kế hoạch trong năm 2021 của Chạm Project – một dự án do chị Nhung sáng lập và quản lý, là triển khai một số chương trình Tái chế, Tái sử dụng, tiếp tục kết hợp móc hoa cùng váy, đầm maxi, tổ chức các nhóm làm hoa được tái chế từ ống hút, quả dâu tây làm từ vỏ xốp bọc trái cây. Những sản phẩm đạt chất lượng và thẩm mỹ cao sẽ được Câu lạc bộ bán gây quỹ để ủng hộ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc các em sinh viên khuyết tật.


Triển lãm các sản phẩm làm từ đồ tái chế của Hội người khuyết tật (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hiện tại chị Nhung đang là phó chủ nhiệm CLB phụ nữ khuyết tật thanh xuân, trưởng ban truyền thông của CLB thanh niên khuyết tật thanh xuân và phụ nữ khuyết tật thanh xuân. Đối với chị Nhung, CLB người khuyết tật quận Thanh Xuân cũng như CLB thanh niên khuyết tật thanh xuân và phụ nữ khuyết là nơi đã hỗ trợ, động viên khích lệ, dìu dắt chị từ ngày đầu còn bỡ ngỡ khi mới ra Hà Nội. Chị đã được trưởng thành và tự tin, mãnh mẽ hơn, đặc biệt là mọi người trong CLB đã luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện cho chị.

Thông qua buổi trò chuyện với chúng tôi, chị Nhung cũng muốn gửi lời động viên tới những người cùng cảnh ngộ: “Mình mong cộng đồng chúng ta có sức khỏe, có một tinh thần tràn đầy năng lượng. Đoàn kết và tình yêu thương sẽ làm giúp chúng ta vượt qua tất cả. Đồng thời, mình cũng mong muốn mỗi người khuyết tật chúng ta là một chiến binh xanh trong công cuộc bảo vệ môi trường, kiến tạo một lối sống xanh vì một trái đất xanh.”

Phạm Vân

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang