(ĐHVO). Hiện nay, việc tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được học tập luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng học tập thì việc quan tâm, tạo điều kiện đối với đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy luôn được đề cao. Do đó, Nhà nước luôn có những chính sách ưu đãi đặc biệt với nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật.
Bạn đọc hỏi: Tôi là giáo viên tiểu học, trong trường có một lớp học dành riêng cho học sinh khuyết tật và tôi là giáo viên chủ nhiệm của lớp đó. Như vậy, tôi có được hưởng những trợ cấp, chế độ, chính sách ưu đãi nào không? Nếu có thì mức phụ cấp là bao nhiêu? Xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn: Đại diện Ban Cố vấn pháp luật của Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – TS.Ls Nguyễn Hồng Thái tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật có được hưởng phụ cấp
Tại Điều 7 Nghị định 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính Phủ đã quy định cụ thể những trường hợp được nhận phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm đối với nhà giáo dạy người khuyết tật gồm:
– Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
– Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
– Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
– Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Như vậy, trường hợp là giáo viên chủ nhiệm của lớp học dành riêng cho người khuyết tật thuộc một trong những trường hợp được nhận phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm.
Ảnh: Internet
Thứ hai, mức phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy người khuyết tật
Với trường hợp trên, mức phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm đối với nhà giáo dạy người khuyết tật được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015:
“1. Nhà giáo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật mức 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).”
Việc tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với trường hợp trên được hướng dẫn chi tiết tại Điều 4 Thông tư 27/2017/TT-BLĐTBXH. Cụ thể:
– Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc giảng dạy người khuyết tật hàng tháng:
Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc = Mức phụ cấp trách nhiệm công việc được hưởng x Mức lương cơ sở.
– Cách tính tiền phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật hàng tháng
Tiền phụ cấp ưu đãi = [Hệ số lương theo ngạch, hạng, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng] x Mức lương cơ sở x Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng.
Trong đó mức lương cở sở hiện tại là: 1.490.000 đồng (Một triệu bốn trăm chín mươi nghìn đồng).
Tuy nhiên, nếu trường hợp giáo viên đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng; Nghỉ việc riêng không lương liên tục từ 01 tháng trở lên; Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành; Bị đình chỉ giảng dạy hoặc đi Công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài đã được hưởng 40% tiền lương theo quy định của pháp luật cán bộ, công chứng thì không được hưởng phụ cấp trách nhiệm, ưu đãi giảng dạy. Tiền phụ cấp được trả cùng kỳ với khoản tiền lương theo quy định kể cả trong thời gian nghỉ hè.
Thấu hiểu với sự khó khăn của nhà giáo trong việc giảng dạy học sinh khuyết tật, Nhà nước đã tạo điều kiện cũng như đã có những khoản phụ cấp hợp lý góp phần động viên, khích lệ tinh thần các thầy cô để vượt qua mọi khó khăn, đưa các em khuyết tật đến với chân trời tri thức.
Trên đây là nội dung tư vấn của Tòa soạn Đồng Hành Việt. Bạn đọc có vướng mắc cần giải đáp, vui lòng gửi vướng mắc về Tòa soạn theo email: toasoandhv@gmail.com hoặc liên hệ Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt – 1900.6248 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Hồng Liên