Chàng trai khiếm thị Trần Văn Thương và những đóng góp lớn cho Hội người mù huyện Gia Bình

(ĐHVO). Anh Trần Văn Thương (sinh năm 1989) là một chàng trai khiếm thị, sinh ra và lớn lên tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh hiện đang là Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Gia Bình. Anh đã có nhiều hoạt động đóng góp và xây dựng tích cực cho sự phát triển của hội.

Từ khi được sinh ra, anh Trần Văn Thương đã không được may mắn như bao đứa trẻ khác vì anh chưa từng một lần được nhìn thấy sự khác nhau giữa ánh sáng và bóng đêm. Anh chỉ có thể cảm nhận được cánh cò bay lả qua từng lời hát ru của mẹ, chỉ thấy được mùa xuân đang về qua âm thanh rộn ràng của tiếng chim hót, qua hương thơm ngào ngạt của hàng vạn loài hoa đương khoe sắc. Cuộc sống của anh cứ thế trôi qua một cách hồn nhiên và lặng lẽ, cho đến khi đến tuổi đi học, anh mới nhận ra được sự khác biệt giữa bản thân và bạn bè. Trong khi các bạn đồng trang lứa được nô nức đến trường, ê a đánh vần học chữ thì anh Thương lại phải sống trong mặc cảm và sự khao khát được đi học, được cắp sách tới trường. Từ đó, anh luôn sống khép mình và cô lập với mọi người xung quanh.

Đến khi lên 9 tuổi, cảm nhận được niềm khao khát được đi học của anh Thương, các thành viên trong Hội người mù huyện Gia Bình đã đến tận nhà để động viên và khuyến khích anh và gia đình để anh được tham gia lớp học nghề, học chữ braille dành riêng cho người khiếm thính. Để thực hiện hóa ước mơ của mình, bên cạnh phải đối mặt với những khó khăn do không thể nhìn được thế giới xung quanh, anh Thương còn phải rời xa vòng tay yêu thương của gia đình và bắt đầu một cuộc sống tự lập. Khi đã dần thích nghi với cuộc sống cùng anh em, bạn bè đồng cảnh ngộ và sự quan tâm, khích lệ của thầy cô trong hội, anh Thương đã trở nên lạc quan và có niềm tin hơn vào cuộc sống. Khi kết thúc các lớp học, anh đều đạt được danh hiệu học viên xuất sắc trong việc đọc và viết thành thạo chữ braille. Đó chính là niềm động lực lớn lao để anh tiếp tục cố gắng học hỏi, nghiên cứu thêm thông tin. Hơn nữa, anh còn tích cực đọc sách báo, nghe đài để bổ sung và nâng cao kiến thức. Nhờ có sự quan tâm của Hội người mù huyện Gia Bình, anh Thương từ một cậu bé luôn rụt rè, mặc cảm, tự ti đã trở nên năng động, chủ động học hành và hòa nhập với cuộc sống.

Không dừng lại ở đó, nhờ có sự động viên, khích lệ của mọi người và sự say mê học học để khám phá kho tàng tri thức, anh Thương đã xin vào học tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, đây là ngôi trường giáo dục dành riêng cho người khiếm thị. Tại đây, bên cạnh việc học tập các môn văn hóa, anh còn thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa như lớp dạy nhạc do nhà trường tổ chức. Ở lớp học này, thầy cô đã phát hiện được tài năng âm nhạc thiên bẩm của cậu học trò bé nhỏ và định hướng phát triển anh thành một nhạc công thực thụ. Trong giai đoạn đầu, khi anh tập làm quen với các loại đàn đã gặp rất nhiều khó khăn do rào cản khiếm khuyết của bản thân. Đã bao lần anh bị chảy máu khi tập gảy đàn, đã bao lần anh phải thức trắng đêm để nghiên cứu, tìm hiểu nhạc cụ, nhưng điều đó không hề khiến anh nao núng chút nào, bởi anh hiểu rằng muốn thành công thì phải kiên trì nuôi dưỡng ước mơ, phải vượt qua khó khăn và không thể gục ngã. Cứ như thế, anh Thương dần trở nên mạnh mẽ, tích cực tham gia các ban nhạc, đội hợp ca của nhà trường và đã giành được rất nhiều huy chương và giải thưởng cao quý.

Học xong lớp 9, anh Thương đã thi đỗ vào khoa nhạc cụ truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ngôi trường ao ước của bao người. Và thế là một hành trình mới đầy khó khăn lại bắt đầu. Bởi vì khiếm thị, anh không thể đọc được giáo trình các môn học mà chỉ có thể chăm chỉ ghi chép bài giảng trên lớp của thầy cô bằng bảng chữ viết tắt và ký hiệu braille. Sau các giờ học trên lớp, anh lại miệt mài tập đàn và tìm hiểu thêm kiến thức về âm nhạc thông quan Internet. Không những thế, anh còn tham gia biểu diễn đêm nhạc thiện nguyện, gây quỹ cho hoạt động khám bệnh nhân đạo,… Với quyết tâm cao và thái độ cầu tiến không ngừng nghỉ, năm học nào anh Thương cũng đạt kết quả cao, thậm chí anh còn nhiều lần nhận được học bổng học tập. Năm 2019, anh đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với tấm bằng cử nhân loại giỏi.


Sau quá trình học tập, anh Thương lại quay trở lại với niềm đam mê âm nhạc của mình. Anh nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào thiện nguyện của Hội người mù tỉnh Bắc Ninh, Hội người mù huyện Gia Bình. Bởi thành tích đáng nể, năm 2017, anh vinh dự nhận được Bằng khen của UBND tỉnh Bắc Ninh và được bầu làm ủy viên ban chấp hành tiêu biểu của Hội người mù tỉnh Bắc Ninh. Không những thế, anh còn được phân công làm giáo viên dạy nghề cho lớp học massage, lớp học dạy vi tính cho cán bộ, hội viên trong tỉnh.

Từ năm 2021 đến nay, nhờ sự tín nhiệm của các hội viên, anh Thương đã được bầu làm Phó chủ tịch Hội người mù huyện Gia Bình, phụ trách mảng lao động, sản xuất, đời sống, việc làm. Đóng góp cho hội, anh luôn đề xuất sáng kiến xây dựng và phát triển hội, giúp đỡ thành viên vươn lên trong cuộc sống. Nhờ mối quan hệ rộng khắp của mình, anh còn thường xuyên liên hệ tiêu thụ sản phẩm tăm tre và gây quỹ quà tặng cho hội viên. Hơn nữa, trong các dịp lễ tết, anh còn tổ chức các buổi họp mặt, trao quà động viên và gửi lời thăm hỏi đến những hoàn cảnh khó khăn. Để tuyên truyền, cổ vũ nhiều tấm gương sáng khuyết tật vươn lên khỏi nghịch cảnh, anh Thương đã vận động và viết nhiều tin bài về hoạt động hội cũng như các nhân vật truyền cảm hứng. Bên cạnh đó, anh còn khuyến khích anh chị em trong hội học tập cách sử dụng máy tính, điện thoại, máy móc, công nghệ để cập nhật nhanh chóng thông tin, nâng cao năng suất lao động và đời sống tinh thần.

Với những thành tựu và đóng góp to lớn của mình, anh Trần Văn Thương không những tự lực phát triển bản thân mà còn tích cực giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn khác vươn lên trong cuộc sống và lan tỏa nhiều giá trị tốt đời đẹp đạo cho đời, giúp cho Hội người mù huyện Gia Bình và Hội người mù tỉnh Bắc Ninh hoạt động và phát triển bền vững. Bởi thế, anh Thương hoàn toàn xứng đáng với nhiều huy chương và bằng khen cao quý như Huy chương bạc văn nghệ số 150/QĐ-VHCS Ngày 09/11/2011 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cục văn hóa cơ sở; Bằng khen số 1290/QĐ-UBND ngày 22 tháng 09 năm 2017 của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bắc Ninh; Bằng khen số 40/QĐ-STTTT ngày 23 tháng 7 năm 2020 của Sở thông tin truyền thông tỉnh Bắc Ninh.

Bởi thế, anh Thương luôn được mọi người xung quanh yêu mến, ngưỡng mộ và kính trọng như anh Trần Anh Dũng – Chủ tịch Hội người mù huyện Gia Bình đã nhận xét: “Anh Thương không chỉ là một người giỏi âm nhạc mà còn rất đa năng trong các lĩnh vực đào tạo dạy nghề. Là cán bộ hội phụ trách mảng việc làm, anh luôn năng nổ xây dựng dự án đào tạo nghề cho hội viên. Đồng thời, anh còn thường xuyên dùng giọng hát, tiếng đàn giúp các bạn khiếm thị có thêm một “ngôn ngữ” để tự tin hòa nhập”. Hy vọng với tinh thần lạc quan và ý chí vươn lên mạnh mẽ, anh Thương cùng Hội người mù huyện Gia Bình sẽ ngày càng phát triển và đóng góp nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang