(DHVO). Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe của mọi người là một trong những quyền cơ bản, được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 công nhận, đặc biệt đối với người khuyết tật – những người phải chịu thiệt thòi hơn những người khác về nhiều mặt.
Vấn đề này hiện nay đang ngày càng được nhà nước và xã hội quan tâm, điều này được thể hiện khá rõ trong những quy định của pháp luật về người khuyết tật.
(Ảnh Internet)
Luật người khuyết tật 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành có thể coi là cơ sở pháp lý cơ bản nhất cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng, hỗ trợ những người khuyết tật. Luật này đặt ra trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh trong việc chăm sóc sức khỏe người khuyết tật.
Trước hết, Trạm y tế cấp xã là cơ quan có trách nhiệm đối với việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người khuyết tật tại nơi cư trú. Cụ thể, các công việc bao gồm: triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, cơ quan này còn có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật, khám chữa bệnh phù hợp với phạm vi chuyên môn cho người khuyết tật. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện các nhiệm vụ này của Trạm y tế cấp xã.
Luật còn quy định Nhà nước tạo mọi điều kiện hỗ trợ, đảm bảo cho người khuyết tật được khám chữa bệnh và sử dụng dịch vụ y tế phù hợp. Việc khám, chữa bệnh phải được ưu tiên cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Người khuyết tật thường có sức khỏe yếu, bởi vậy chế độ ưu tiên khám chữa bệnh như quy định này là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, cũng như thể hiện sự cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với những người kém may mắn. Trách nhiệm tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật; xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, phục hồi chức năng phù hợp cũng được giao cho các Cơ sở khám chữa bệnh. Cùng với đó, việc thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khám bệnh, chữa bệnh cũng cần được chú trọng nhằm bảo đảm điều kiện tiếp cận các phương pháp khám, chữa bệnh tốt nhất cho người khuyết tật.
Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên gia kỹ thuật viên, sản xuất trang thiết bị dành cho người khuyết tật. Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo dự án cho cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học về người khuyết tật, đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên về chỉnh hình, phục hồi chức năng. Ngoài ra các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, ưu đãi về lãi suất cũng được áp dụng đối với các cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình, nhằm giảm bớt gánh nặng cho họ trong việc hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Đặc biệt, một vấn đề quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người khuyết tật chính là về chế độ bảo hiểm y tế. Điểm g Khoản 3 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế 2009, sửa đổi, bổ sung 2014 xác định: người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Theo đó, Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Đối với những đối tượng này, mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế là 100% chi phí khám, chữa bệnh. Những người khuyết tật với sức khỏe kém, đa số họ thường gặp khó khăn trong việc tự nuôi sống bản thân, hoặc có thu nhập nhưng thấp và bấp bênh. Do vậy việc hỗ trợ về chế độ bảo hiểm y tế như quy định trên là hoàn toàn hợp lý, giảm bớt gánh nặng mưu sinh cũng như tạo điều kiện để họ được chăm sóc sức khỏe thường xuyên.
Những quy định về chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật đang là một công cụ quan trọng giúp nhà nước thực hiện các chính sách hỗ trợ đời sống cho những người khuyết tật. Những chính sách này không chỉ thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đến những khó khăn của nhà nước, cộng đồng đến với người khuyết tật mà còn giúp cho họ có cơ hội được chăm sóc, điều trị, giúp cải thiện đời sống.
Tuy nhiên, việc thực thi các quy định này trên thực tế lại gặp không ít khó khăn. Tại các địa phương, việc triển khai công tác này hiện đang rất thiếu nhân lực và không có kinh phí hoạt động vì kinh phí chủ yếu vẫn do ngành Y tế cấp. Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới phục hồi chức năng mỏng, thiếu cán bộ; mô hình tổ chức các cơ sở phục hồi chức năng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Dường như, rất ít trạm y tế xã thực hiện việc lập hồ sơ quản lý, theo dõi tình hình sức khỏe người khuyết tật. Có thể thấy những vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe người khuyết tật mới chỉ dừng lại ở chủ trương, chính sách, mà chưa có quy định cụ thể để người khuyết tật có thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ tại nhà, khu vực sinh sống và cộng đồng. Những khó khăn này khiến cho các quy định của pháp luật chỉ nằm trên giấy tờ, chưa được thực thi hoặc thực thi nhưng kém hiệu quả trong đời sống.
Bởi vậy, hiện nay cần có sự liên kết giữa các cơ quan, tổ chức, gia đình và cả cộng đồng trong việc hỗ trợ cả về nhân lực và vật lực trong vấn đề này. Từ đó xây dựng nên một môi trường tốt nhất cho người khuyết tật được chăm sóc, đưa cuộc sống của họ trở lại bình thường như bao người khác.
Nguyễn Khương