Chăm sóc người khuyết tật mắc Covid-19

(ĐHVO). Ngày 28/8/2021, Bộ Y tế đã ban hành Tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà nhằm giảm tải áp lực cho các Bệnh viện. Như vậy, với đối tượng đặc biệt có nguy cơ mắc Covid-19 với mức độ nặng hơn như người khuyết tật thì việc chăm sóc sức khỏe tại nhà khi mắc Covid-19 cần lưu ý những vấn đề gì?

Theo Tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà được ban hành kèm theo Quyết định số 4156/QĐ-BYT thì cần lưu ý một số nội dung sau:

1. Điều kiện để người nhiễm Covid-19 được cách ly, theo dõi tại nhà

Những người nhiễm COVID-19 hội đủ các điều kiện như sau được các cơ quan có trách nhiệm quyết định cách ly, theo dõi tại nhà:

– Mức độ bệnh và đặc điểm của người nhiễm Covid-19:

+ Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút).

+ Tuổi: Trên 12 tháng và dưới 50 tuổi.

+ Bệnh, thể trạng kèm theo: không có bệnh nền (Danh sách các bệnh nền xem ở trang 20).

+ Không đang mang thai.

– Người nhiễm Covid-19 có khả năng tự chăm sóc bản thân:

+ Có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân…

+ Biết cách đo thân nhiệt.

+ Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát. Khi có tình trạng cấp cứu, có sẵn và sử dụng được các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…

+ Có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc (toa) của bác sỹ.

+ Nếu người nhiễm COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc thì gia đình phải có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc người nhiễm, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ người nhiễm thực hiện các tiêu chí tại mục này. Tuy nhiên nên hạn chế số lượng người chăm sóc.


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

2. Người nhiễm Covid-19 cách ly, theo dõi tại nhà cần chuẩn bị những gì?

Ngay khi được thông báo về việc cách ly người nhiễm tại nhà, các thành viên trong nhà chuẩn bị các nội dung sau:

+ Lưu lại các số điện thoại: đường dây nóng phòng chống dịch; người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe người nhiễm và các số điện thoại cần thiết khác.

+ Xác định và thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm.

+ Phân công một người phù hợp nhất chăm sóc người nhiễm (nếu cần).

+ Chuẩn bị các vật dụng tối thiểu:

+ Khẩu trang y tế dùng 1 lần (đủ dùng cho cả nhà trong 2-3 tuần);

+ Găng tay y tế sạch (tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc trong 2-3 tuần);

+ Nhiệt kế: thủy ngân hoặc điện tử, máy đo huyết áp;

+ Thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nilon màu vàng để lót bên trong thùng;

+ Dụng cụ cá nhân dùng riêng cho người nhiễm: bàn chải răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm, giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt) máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân;

+ Các thuốc đang sử dụng cho người trong nhà có bệnh sẵn có như: cao huyết áp, đái tháo đường, gút… với số lượng có thể dùng trong ít nhất 30 ngày;

+ Các thuốc và đơn thuốc (toa) của bác sỹ đối với người nhiễm (nếu có).

3. Tự theo dõi sức khỏe của người nhiễm tại nhà

– Theo dõi sức khỏe:

+ Điền đầy đủ thông tin vào Bảng theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều.

+ Theo dõi những dấu hiệu: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, độ bão hòa ô xy trong máu – SpO2 (nếu có thể) và huyết áp (nếu có thể) ….

+ Báo ngay với nhân viên y tế khi thấy xuất hiện những dấu hiệu không bình thường của cơ thể.

– Sử dụng nhiệt kế:

+ Nên chuẩn bị 2 chiếc nhiệt kế: Một chiếc dùng cho người nhiễm, chiếc còn lại dùng cho những người khác.

+ Luôn đo thân nhiệt người nhiễm ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường, ghi vào phiếu theo dõi sức khỏe.

– Xử trí một số triệu chứng đơn giản nếu ho, nếu sốt theo hướng dẫn

– Khi cảm thấy lo âu, căng thẳng thì nên chăm sóc cơ thể và sức khỏe tinh thần; Tránh xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện tin tức về dịch COVID-19, nhất là trên các mạng xã hội: zalo, facebook, youtube, tiktok…; Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Cố gắng thực hiện một vài hoạt động mà bản thân yêu thích như: đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, làm mô hình, nấu ăn (nếu có thể)…; Gọi cho nhân viên y tế phụ trách nếu căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày trong nhiều ngày liên tiếp; Tăng cường giao tiếp, kết nối với những người khác. Tâm sự về những lo lắng……

– Tập luyện, vận động nâng cao sức khỏe: Người nhiễm COVID-19 ngoài chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, cần tập luyện tăng cường chức năng hô hấp và vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe.

4. Lời khuyên đối với người nhiễm là người khuyết tật

Người khuyết tật có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 với mức độ nặng cao hơn, vì vậy nếu phát hiện bị nhiễm Covid – 19 thì người khuyết tật cần:

+ Người khuyết tật nhiễm COVID-19, ngoài việc cần chăm sóc như mọi người khác, thì cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt, nhất là với người có khó khăn trong tự phục vụ sinh hoạt hàng ngày…

+ Hãy mạnh mẽ và tự tin vào bản thân, chúng ta sẽ vượt qua đại dịch khi có kiến thức về phòng chống dịch COVID-19 và cách ly y tế, điều trị tại nhà.

+ Một số người khuyết tật nặng cần có người trợ giúp chăm sóc.

+ Người khuyết tật có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 với mức độ nặng cao hơn, vì vậy, người chăm sóc thường sẵn sàng các tình huống phải liên lạc với nhân viên y tế; theo dõi sát dấu hiệu của người nhiễm và cần chuyển cấp cứu kịp thời tại các cơ sở y tế điều trị COVID-19 trên địa bàn khi có các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp.

+ Kết hợp các hoạt động luyện tập phục hồi chức năng, tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần để giúp bù đắp cho việc hạn chế các hoạt động bên ngoài và tình trạng căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, thất vọng.

+ Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn dụng cụ trợ giúp người khuyết tật trước và sau khi sử dụng.

+ Các thông tin phòng chống COVID-19 và cách ly y tế phù hợp với người khuyết tật do Bộ Y tế ban hành có sẵn trên youtube và website: http://kcb.vn

Hãy bình tĩnh, mạnh mẽ, tự tin, bất kì ai cũng có thể vượt qua đại dịch khi đã trang bị đầy đủ cho mình kiến thức về phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện nghiêm túc những quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Nguyễn Hoa – Khánh Ly

Bài viết liên quan

Bảo vệ giống nòi người Việt trước ô nhiễm môi trường nước

Picture1

Ngày hội hiến máu Giọt hồng Đất Cảng tại huyện An Lão

tai-xuong-1704452432

Người có nhóm máu hiếm không phải là bệnh lý

Benh-Nhan-Kham-Chua-

Đề xuất giá dịch vụ mới tại cơ sở khám chữa bệnh

img-1414-6908.jpg

Bệnh viện tư nhân ở Đắk Lắk miễn phí toàn bộ cho 50 lượt lọc thận đầu tiên cho các bệnh nhân

img-7500-9782

Chủ động phòng tránh rét cho học sinh vùng cao

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang