(ĐHVO). Cha mẹ luôn là người yêu thương con cái vô điều kiện, chỉ luôn mong con mạnh khỏe, có thể vui chơi nô đùa giống như các bạn cùng trang lứa. Thế nhưng với những cha mẹ có con là trẻ tự kỷ cần phải nỗ lực rất nhiều để giúp con có thể phát triển và hòa nhập tốt nhất với những người xung quanh.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Cần có suy nghĩ tích cực
Hầu hết cha mẹ đều có cảm giác hụt hẫng, trống rỗng, đau buồn khi biết con của mình mắc phải hội chứng tự kỷ – một chứng rối loạn phát triển tâm trí sớm. Chiếm đa số là trẻ em, thường được phát hiện trong độ tuổi từ 3-10, kéo dài mà không thuyên giảm. Trẻ tự kỷ thường tự cô lập bản thân với thế giới xung quanh, kết hợp những hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại nhiều lần gây ra những ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng cho trẻ, đồng thời gây cản trở những quan hệ và giao tiếp xã hội của trẻ sau này. Vì vậy trẻ cần có sự giúp đỡ của tất cả mọi người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ. Khi chúng ta mong ước cuộc đời không nghịch cảnh, hãy nhớ rằng cây sồi trở lên mạnh mẽ trong gió ngược và kim cương hình thành dưới áp lực – Peter Marshall (một nhà thuyết giáo người Mỹ). Trong trường hợp đó thì cha mẹ cần có suy nghĩ tích cực, phải ý thức được rằng chính họ là chỗ dựa vững chắc nhất của con, chấp nhận hiện thực và cùng con cố gắng từng giây từng phút để không bao giờ thấy hối hận về điều mình đã làm.
Cần trang bị đủ kiến thức, vấn đề liên quan đến hội chứng tự kỷ
Những người mắc tự kỷ sẽ gặp khó khăn trong nhận thức nhưng mỗi người sẽ có những tác động, bệnh tình nặng nhẹ khác nhau và tương ứng với điều đó là những phương pháp điều trị khác nhau. Cần có sự can thiệp sớm nhất kể từ khi phát hiện bệnh. Mỗi cha mẹ cần nhận thức rõ vấn đề, không nên thu nhận nguồn tin không chính xác. Nếu nghe theo những bài báo lá cải hay những phương pháp chữa bệnh truyền miệng có khi không đem lại hiệu quả, thậm chí còn khiến cho bệnh tình nặng hơn. Các bậc phụ huynh nên tìm đến các vị bác sĩ, các chuyên gia chuyên ngành để được tư vấn, hiểu rõ về tình trạng của con mình để con có thể được điều trị một cách tốt nhất. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện, đủ kinh phí để có thể điều trị cho con, trong trường hợp đó thì chính cha mẹ là một “chuyên viên” can thiệp trực tiếp giúp con, nắm bắt được vấn đề để có cách ứng phó tốt nhất.
Là người bạn đồng hành
Không chỉ mang công sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc con từng ngày, cha mẹ còn đóng vai trò là người bạn đồng hành của con trong từng giai đoạn phát triển. Trẻ tự kỷ thường tự tách mình với thế giới xung quanh, gặp vấn đề trong giao tiếp, cha mẹ khi đó cần trở thành người bạn của con, lắng nghe, tâm sự với con, cùng con học tập, trải nghiệm và làm việc hằng ngày để rồi dần dần cha mẹ sẽ là người tháo lớp vỏ bọc bên ngoài giúp con tự tin, mạnh mẽ bước chân vào thế giới mới.
Ngày nay có rất nhiều lớp học, trung tâm trị liệu mở ra cho trẻ tự kỉ, các lớp học với đầy đủ trang thiết bị học tập, thầy cô có kĩ năng, chuyên môn, đồng thời là sự quan tâm của Chính phủ, cộng đồng dành cho trẻ ngày càng sâu sắc. Dù vậy, cha mẹ là liều thuốc tốt nhất dành cho trẻ tự kỷ, đóng vai trò cực kì quan trọng đối với trẻ. Cần phải kết hợp với thầy cô, trung tâm trị liệu, y, bác sĩ cùng nhau thực hiện kế hoạch lâu dài để trẻ có được kết quả tốt nhất.
Hương Trinh