Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ khiếm thị hòa nhập với thế giới bên ngoài?

(ĐHVO). Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, chúng ta dựa vào đôi mắt để nhìn ngắm thế giới và cảm nhận vẻ đẹp xung quanh. Tuy nhiên có những đứa trẻ lại “nhìn” thế giới chỉ bằng sự lắng nghe, cảm nhận và tưởng tượng. Những đứa trẻ ấy cần lắm sự quan tâm, giúp đỡ từ người thân, xã hội để có thể “nhìn” và hòa nhập với thế giới bên ngoài.

Có thể hiểu trẻ khiếm thị là trẻ có khuyết tật về thị giác dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động cần sử dụng mắt. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc trẻ bị khiếm thị, có thể kể đến như do bẩm sinh, di truyền gen, hậu quả của các bệnh thiếu vitamin, đau mắt hoặc do bị tai nạn,…và nhiều nguyên nhân khác nữa.

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Không thể sử dụng đôi mắt như những người bình thường, việc giao tiếp, hoạt động của trẻ khiếm thị gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển ngôn ngữ cũng như giao tiếp của trẻ. Chúng ta bắt gặp không ít những tình huống trẻ khiếm thị bị cha mẹ bắt ở nhà, hiếm khi được ra ngoài chơi, làm quen với bạn bè cùng trang lứa. Do đó những nhận thức của trẻ về cuộc sống, về thế giới xung quanh trở nên hạn chế, thậm chí nhiều đứa trẻ còn không thể tự mình làm gì khi không được chỉ dẫn, dạy bảo.

Đối với cha mẹ, việc giữ trẻ em khiếm thị ở nhà như tạo một lớp vỏ bọc để che giấu, bảo vệ con mình nhưng thực chất việc đó khiến cho trẻ không thể hòa nhập với cộng đồng và cũng khiến cộng đồng không tìm được cách để hòa nhập với trẻ khiếm thị.

Vậy nên cha mẹ cần tìm hiểu các phương pháp giúp trẻ khiếm thị có thể trở thành một thành viên trong mái nhà chung cộng đồng. Những đứa trẻ không thể tự mình tìm hiểu khi không có sự quan tâm, hướng dẫn trực tiếp của cha mẹ và những người xung quanh.

Các thành viên trong gia đình giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển của trẻ, đặc biệt là trẻ khiếm thị. Là người thầy đầu tiên của con mình, cha mẹ cần luôn lắng nghe những mong muốn của trẻ, khuyến khích trẻ tương tác với những người xung quanh như bạn học, hàng xóm,… Khi đi ra ngoài hãy đưa trẻ theo và mô tả những gì bạn quan sát được trên đường, càng cụ thể càng tốt. Giới thiệu trẻ với mọi người và dạy trẻ cách làm quen, chào hỏi cũng là một cách hiệu quả để trẻ trở nên tự tin hơn và có kỹ năng giao tiếp hơn với những người xung quanh.

Tạo ra sân chơi lành mạnh cho trẻ để trẻ làm những gì mình thích và tìm ra được sở thích của trẻ, đặc biệt là những trò chơi miêu tả đồ vật để trẻ có thể tự hình dung và tưởng tượng theo suy nghĩ của mình. Chị em trong nhà có thể cùng chơi và chia sẻ niềm vui chơi đùa với trẻ.

Trẻ em khiếm thị cũng như những đứa trẻ bình thường, được đi học và dành phần lớn thời gian của mình ở trường. Do đó thầy cô giáo và bạn bè cũng là nhân tố quan trọng giúp trẻ hòa nhập. Theo đó, cha mẹ cần sát sao trong việc giữ liên hệ với thầy cô để có những định hướng, phương pháp dạy phù hợp đối với trẻ khiếm thị và nâng cao phát triển mối quan hệ của con mình với bạn bè trong lớp.

Nếu như con tự ti, không biết bộc lộ cảm xúc của bản thân, cha mẹ hãy tìm đến âm nhạc như một người bạn giúp con tập trung hơn, thư giãn hơn, để những đứa trẻ quên đi mặc cảm, khiếm khuyết của bản thân, từ đó bộc lộ cảm xúc của mình nhiều hơn.

Trẻ khiếm khuyết về thị giác sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được các kỹ năng xã hội thông qua quan sát và bắt chước so với những trẻ bình thường khác. Do đó, trẻ cần nhiều hơn sự hướng dẫn từ cha mẹ và những người xung quanh. Có thể sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn để trẻ tự tin hơn, sẵn sàng hòa nhập với mọi người nhưng không gì là không thể nếu như trẻ nhận được sự yêu thương, cảm thông từ gia đình và xã hội.

Lan Phương

Bài viết liên quan

Picture1

Ngày hội Hội “Tỏa sáng nghị lực thanh niên Bắc Giang năm 2024”

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

abc

CẦN TRAO THÊM CƠ HỘI CHO “NGƯỜI YẾU THẾ” ĐỂ KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

Nguoi khuyet tat Can Tho

Cần Thơ: Triển khai Chương trình Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang