(ĐHVO). “Dù chúng ta khiếm khuyết hay hoàn hảo thì chúng ta đều đang cháy sáng hết mình trong cuộc sống. Tôi là một ngọn nến cong hai lần”. Câu nói ý nghĩa của hoa hậu người khuyết tật- Nguyễn Thị Ánh Ngọc năm 2013. Đó là một nghị lực phi thường, một tấm gương sáng ngời để mỗi chúng ta học hỏi và noi theo.
Cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2013 kết thúc với chiến thắng thuộc về Nguyễn Thị Ánh Ngọc trong sự khâm phục của mọi người. Đặc biệt, những câu nói của Nguyễn Thị Ánh Ngọc sẽ còn lưu lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người nghe với những giá trị quý báu.
Nguồn internet
Sinh ra không may mắn như những đứa bạn cùng trang lứa, khi mắc bệnh cong vẹo cột sống bẩm sinh. Từ khi sinh ra, Ánh Ngọc đã phải chịu nhiều nỗi đau đớn về vật chất và tinh thần khi bị khuyết tật cơ thể. Ánh Ngọc chịu đau đớn về thể chất khi không đi lại được, khi phải mặc chiếc áo nẹp lưng bằng nhựa, khi phải ngồi xe lăn… Tuy nhiên, những điều đó không thể làm khó được cô gái trẻ đầy ước mơ và hy vọng. Nhắc đến Ánh Ngọc mọi người đều ngưỡng mộ và khâm phục cô gái trẻ ấy.
Từ bé, Ánh Ngọc đã rất chăm chỉ học và học rất giỏi. Bởi vậy, mặc dù bị khuyết tật nhưng Ánh Ngọc luôn được bạn bè tôn trọng và yêu quý. Có những cơn đau đến với Ngọc khi mắc phải căn bệnh bẩm sinh. Nhưng không vì thế mà Ngọc lùi bước. Năm Ngọc học lớp 8, bố mẹ đã gom góp lo chạy chữa cho Ngọc và Ngọc được tiến hành phẫu thuật. Nhưng một lần nữa, may mắn đã không đến với cô gái trẻ ấy, khi bác sĩ chính thức thông báo đôi chân của em sẽ không thể đứng dậy đi được nữa. Cứ ngỡ rằng, cô gái trẻ ấy sẽ suy sụp hoàn toàn, sẽ mất niềm tin vào tương lai, cuộc sống. Song, mọi người phải ngước mắt lên nhìn nghị lực của cô gái trẻ đấy, khi cô cương quyết tiếp tục đi học và hướng tới một tương lai tương sáng với lý tưởng thật cao đẹp. Khó có thể tìm thấy một cô gái nghị lực đến như vậy. Người bình thường để thực hiện ước mơ còn khó, nói gì đến một cô gái bị liệt từ ngực xuống đến hai chân. Bị liệt, chịu đau đớn, Ánh Ngọc không thể tự bản thân mình lo cho mình, từ các việc vệ sinh cá nhân đến chăm sóc sức khỏe bản thân Ngọc đều nhờ đến mẹ. Tuy nhiên, chưa một ngày nào cô gái ấy có ý định nghỉ học hay bỏ học.
Ánh Ngọc xác định cho mình một mục tiêu phấn đấu, một lý tưởng cao đẹp. Dù thế giới đã thay đổi khi đôi chân vĩnh viễn không thể đứng lên đi được. Nhưng ý chí của Ngọc chưa bao giờ “ngã xuống”. Dù bố mẹ một mực phản đối không muốn cho Ánh Ngọc đi học khi sợ không ai lo cho con gái. Nhưng vượt lên trên tất cả, Ngọc quyết tâm đi học Đại học.
Cô gái trẻ đã từng nói “Em là người khuyết tật, không phải lúc nào cũng tự làm được mọi việc mà phải cần sự trợ giúp. Nếu không có một vị trí thì em chỉ là người đi cầu xin giúp đỡ. Em không chờ đợi mà tự đi tìm kiếm cơ hội cho mình“. Ánh Ngọc có những suy nghĩ rất văn minh, sâu sắc mà không phải ai cũng có thể nghĩ và làm được như cô gái đó. Cô gái đó luôn nghĩ tới việc học, học và học dù trong hoàn cảnh nào. Trong giây phút đau đớn tột cùng, ý thức việc học càng mãnh liệt. Cô gái trẻ ý thức chỉ có việc học mới giúp cô bước ra thế giới mà không bị người khác điều khiển. Nghị lực đấy như một ngôi sao sáng lấp lánh để tất cả mọi người ngước nhìn và học tập.
Với ý chí kiên cường, nghị lực phi thường, tự tin mạnh mẽ đối diện với nỗi đau, Ánh Ngọc đã từng bước hoàn thiện lý tưởng của mình. Nguyễn Thị Ánh Ngọc luôn ấp ủ việc xây dựng một trung tâm trợ giúp tâm lý cho người khuyết tật. Với bản lĩnh, nghị lực, sự tự tin và tài chí thông minh, Ngọc nhất định sẽ hoàn thành được mục tiêu trong thời gian sắp tới.
Nguyễn Thị Ánh Ngọc là tấm gương lan tỏa và trao truyền cảm hứng vươn lên trong cuộc sống cho tất cả mọi người!
Tiểu Nguyên