Câu chuyện về người phụ nữ kiên cường

(DHVO). Đó là chị Nguyễn Thảo Vân- người đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn của căn bệnh quái ác, tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng cho hàng trăm người khuyết tật.

Nguyễn Thảo Vân xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó tại xóm 7, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; em gái của hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. Thảo Vân là một trong số 7,2 triệu người khuyết tật tại Việt Nam. Cũng như người anh mình khi mới sinh ra, Thảo Vân hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng căn bệnh trớ trêu đến với cô khiến cơ thể cô dần bị biến dạng, chân tay teo tóp, khiến việc đi lại, học tập, giao tiếp xã hội gặp vô vàn khó khăn, trở ngại.

Bước ngoặt cuộc đời Thảo Vân là khi được tiếp xúc với máy tính và công nghệ thông tin từ người anh trai. Chúng ta không khó để có thể đồng nhịp với những khó khăn, bất lực và khao khát của những người khuyết tật với một sự phát triển công nghệ thông tin bởi công nghệ thông tin như ánh sáng của thế giới người khuyết tật: “Tôi cảm nhận được cái duyên và niềm đam mê của cuộc đời mình với công nghệ thông tin, vì những công dụng tiện lợi để truyền tải thông tin, những tính năng rất phù hợp với người khuyết tật để vận hành và phát triển”.

Làm những điều mà người khác không làm

Không khuất phục trước số phận trớ trêu, năm 2012 Thảo Vân bắt đầu điều hành quản lý Trung tâm Nghị Lực Sống sau sự ra đi đột ngột của người anh trai. Trung tâm Nghị Lực Sống là nơi giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo miễn phí dành riêng cho người khuyết tật , tập trung vào lĩnh vực tin học và ngoại ngữ. Dù mới bước đầu tiếp quản doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng Thảo Vân đã nỗ lực đào tạo hơn 800 người khuyết tật tại Nghị Lực Sống. Hơn 80% trong số đó tìm được việc, thậm chí có người có những công việc rất tốt. Thảo Vân cho biết có những bạn sau 6 tháng đào tạo đã có thể kiếm được việc cho thu nhập 300-600 USD/tháng.

Không dừng lại ở đó, tháng 2/2016 Thảo Vân lập ra Imagtor – một doanh nghiệp xã hội thành viên trực thuộc Nghị Lực Sống. Đây là một mô hình doanh nghiệp vừa giúp học viên tốt nghiệp được trau dồi kỹ năng, vừa giúp bổ sung nguồn tài chính cho các hoạt động của trung tâm. Imagtor cung cấp dịch vụ chỉnh sửa ảnh cho lĩnh vực bất động sản và thương mại điện tử với 100% khách hàng là đối tác nước ngoài. Các khách hàng của Imagtor chủ yếu đến từ thị trường Mỹ (chiến 80%), còn lại là các khách hàng Úc, Nhật. Nhìn lại con đường lập nên Imagtor, Thảo vân chia sẻ: “Rất nhiều người nói tôi bị điên, bởi tôi chỉ có 5.000 USD thôi. Cả cuộc đời tôi chỉ tiết kiệm được chừng đó. Đó là toàn bộ số tiền tôi có, bởi tôi còn bị ốm, còn phải đi bệnh viện, có những lúc tôi đã nghĩ rằng mình thật sự nguy kịch…”. Thảo Vân không những đặt hết tiền bạc vào Imagtor mà còn là niềm tin vào tương lai của những người khuyết tật: “Thế nhưng tôi muốn thử. Tôi tin vào bản thân mình. Bạn thấy không, giờ tôi khá vui”. Imagtor có hơn 50 nhân sự, 60% trong số họ là người khuyết tật – những học viên do Trung tâm Nghị Lực Sống đào tạo.

Không những vậy, Thảo Vân đại diện những người khuyết tật Việt Nam những không khuyết tật tinh thần tham gia chương trình thời trang với sự tham gia của những người phụ nữ khuyết tật “Tôi đẹp. Bạn cũng thế!” được tổ chức tại Australia. Thảo Vân mong muốn người khuyết tật không bị phân biệt đối xử về ngoại hình, làm động lực giúp những người khuyết tật vượt qua nỗi sợ hãi, thay đổi suy nghĩ của bản thân cũng như thay đổi suy nghĩ của mọi người, trở nên tự tin hơn để tiếp tục làm việc và cống hiến. “Tôi chỉ muốn nói với tất cả những người khởi nghiệp rằng: Các bạn hãy tin vào bản thân mình. Khi tin vào bản thân mình, các bạn có thể thay đổi được xã hội. Và nếu các bạn nghĩ mình có thể làm được gì đó thay đổi, hãy làm đi!”, Vân nói.

Bên cạnh việc đào tạo, tìm kiếm cơ hội việc làm cho các bạn trẻ khuyết tật, Thảo Vân còn luôn nỗ lực tổ chức rất nhiều những chương trình hoạt động từ thiện xã hội như, chương trình “Bánh chưng xanh”; “Mang trung thu đến vùng lũ quét” cho 1.000 trẻ em nghèo xã Minh Quân (Chấn Yên, Yên Bái) với số tiền quyên góp được là 27 triệu đồng; tổ chức Giáng sinh cho những mảnh đời bất hạnh ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An được 20 triệu đồng; tặng 10.000 phần mềm bản quyền diệt virus cho cộng đồng người khuyết tật trị giá hàng tỷ đồng…

Có thể nói, Thảo Vân là tấm gương tiêu biểu đại diện cho những người khuyết tật không khuất phục trước số phận, vượt qua trở ngại, một lần nữa khẳng định sức mạnh vươn lên, khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ai cũng có quyền mơ về mái ấm gia đình

Với người khuyết tật, điều họ mong muốn nhất chắc hẳn là một cuộc sống tốt đẹp, không bị phân biệt đối xử trong xã hội, có nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Và ít ai trong số họ ao ước có một mái ấm gia đình thực sự, phải chăng đó là điều khó thành hiện thực? Và mọi người càng khó có thể tin rằng, điều kỳ diệu ấy đến với Thảo Vân như câu chuyện cổ tích. Câu chuyện tình của cô gái khuyết tật với chàng kỹ sư Úc đang khiến nhiều người ngưỡng mộ, một lần nữa chứng minh rằng tình yêu không có khoảng cách và đặc biệt, tình yêu đến với bất cứ ai, kể cả người khuyết tật.

Thảo Vân và người bạn đời (Nguồn: Internet)

Bằng nghị lực sống kiên cường và tâm hồn đẹp đã đưa chàng kỹ sư người Úc – Neil Bowden Laurence đến với Thảo Vân. Cũng như bao cô gái khuyết tật khác, khi có được tình yêu Vân cũng thoáng do dự: “Liệu mình có ích kỷ không khi mình kết hôn với anh, anh là một người đàn ông tuyệt vời, anh xứng đáng có một người vợ khoẻ mạnh để chăm sóc anh những lúc anh ốm đau.”

Là người khá giỏi ngoại ngữ, lại từng được học bổng tại Úc nên việc Thảo Vân giao tiếp nói chuyện với người nước ngoài như anh Neil thực sự không có gì khó. Bất kể ngoại hình của Thảo Vân có thiết sót, khuyết tật gì, cái mà anh Neil quan tâm đó chính là tâm hồn và tinh thần bất khuất của người con gái đó. Neil đã phủ nhận hoài nghi của Thảo Vân bằng tình yêu chân thành, sự thán phục bởi nghị lực sống của cô gái nhỏ bé này. Neil sống, cảm nhận và hỗ trợ vân trong tất cả sinh hoạt thường ngày mà không chút e ngại. Vậy là họ đã quyết định nghiêm túc tìm hiểu như bao cặp đôi yêu nhau khác. Neil về Úc rồi lại bay sang Việt Nam để thăm Vân. Mật độ cứ thế ngày một dày lên, rồi Neil quyết định xin nghỉ việc tại Úc và ở Việt Nam cùng với người con gái mình yêu thương. Chính thời gian ở bên nhau, anh nhận thấy Thảo Vân là người con gái xứng đáng được yêu thương và họ đã quyết định đi đến hôn nhân và làm thủ tục kết hôn sau 1 năm quen nhau.

Có lẽ thật khó để chúng ta tin rằng một người đàn ông thành công người nước ngoài sẵn sàng bỏ mọi thứ tại quê nhà để đồng hành cùng Thảo Vân quãng đời còn lại. Nhưng tất thảy phải chăng là nỗ lực của Thảo Vân bởi cô chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm về bản thân, khuất phục trước số phận, cô tin rằng với tình yêu chân thành giữa hai con người, chắc chắn sẽ có hạnh phúc trọn đời. Qua đây, Thảo Vân cũng mong muốn những người khuyết tật như cô sẽ bỏ qua mặc cảm, tự tin vào bản thân và khẳng định quyền được ước mơ của người khuyết tật, ai cũng có quyền yêu và được yêu.

Phạm Vân (T/h)

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang