Cậu bé dị tật 14 tuổi bán nước sâm nuôi mẹ và những người ‘thầm lặng’ phía sau

Cậu bé khiếm khuyết 14 tuổi bán nước sâm ở TP.HCM nuôi mẹ khiến không ít người xúc động. Nhưng ít ai biết rằng, sau câu chuyện của hai mẹ con còn có những con người “thầm lặng” góp sức.

Đúng 12 giờ trưa, em Nguyễn Gia Bảo Quân bị dị tật chân, để đầu trần chạy tới lui mời người dừng đèn đỏ mua nước sâm ngay ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM). Giọng ú ớ, Quân phát âm không rõ nhưng thật thà kể hoàn cảnh: “Mẹ vừa mổ viêm ruột chưa tròn 1 tháng nên em không để mẹ đứng bán cùng. Trước đó, mẹ em đi làm phụ quán sinh tố, trước đó nữa, mẹ vừa đi cai nghiện 15 tháng về…”.

Cậu bé dị tật 14 tuổi bán nước sâm nuôi mẹ và những người 'thầm lặng' phía sau - ảnh 1

Bán nước được bao nhiêu tiền Quân đều mang hết về đưa cho mẹ.

Phòng trọ của 2 mẹ con ở khu phố Tây gần đó bề ngang còn chưa tới 2m. Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (48 tuổi, mẹ em Quân) ốm nhom cho biết vừa giảm 10 kg sau mổ. Chị Tiên thẳng thắn kể về quá khứ. Năm 2018, chồng mất vì đau tim, không thuận thảo với gia đình chồng, chị cùng con đi ở thuê nay đây mai đó. Cuối 2019, chị đưa con đến chung sống với một người đàn ông khác cũng ở phố Tây. Cuối năm 2020, cả hai test dương tính với ma túy nên bị đưa đi cai nghiện.

“Những ngày tháng trong trại cai nghiện, tôi nhớ con da diết, không hiểu rằng sao trước đó mình lại có thể để con chứng kiến cảnh mẹ chơi ma túy đá, dễ dàng nổi nóng đến như vậy. Vô trại, tôi được cho làm việc giống như công nhân, lâu lâu được gọi về cho con. Tôi chỉ ao ước được làm lại cuộc đời, sống cạnh con chứ không còn thiết tha gì nữa”, chị kể.

Cũng khi trong trại, nghe người nhận nuôi kể con trai chới với, cậu bé 14 tuổi tự bơi giữa dòng đời, rồi chị nhận từng đồng tiền con đi nhặt ve chai gom góp gửi vào. Chị Tiên nói chính tình yêu thương của con làm mình thức tỉnh. Ông Nguyễn Hiền Triết (64 tuổi, bảo vệ làm chỗ Quân bán nước) kể, ông nhiều lần chứng kiến cậu bé bảo mẹ đi về nghỉ mỗi lần thấy mẹ ra định bán cùng.

“Dù không đi học, nhưng nó rất ngoan, nói chuyện lễ phép, dạ thưa “, ông Triết nhận xét. Cuối tháng 1.2022, người mẹ trở với con rồi bắt đầu đi tìm việc rửa chén, rửa ly, phụ quán sinh tố. Chị bắt đầu lại từ con số 0 với cậu con trai mạnh mẽ, hiếu thảo.

Những người đến mua nước sâm, cậu bé cúi đầu cảm ơn. Số tiền kiếm được em đều mang hết về đưa mẹ để mẹ đi tái khám, đóng tiền trọ.

Cậu bé dị tật 14 tuổi bán nước sâm nuôi mẹ và những người 'thầm lặng' phía sau - ảnh 2

Chị Kim (trái) đến nhà thăm, tặng quà giúp mẹ con Quân

Chị Kim (ngụ Q.11) mang 1 thùng mì, 1 gói bánh và 1 bì thư đến tận nhà trọ trao cho hai mẹ con và nói: “Tôi khâm phục nghị lực của bé nên muốn chia sẻ đôi chút”.

Bà Hoàng Phi Yến (65 tuổi, ngụ Q.1) chứng kiến Quân chơi vơi khi không còn ai thân thích khi mẹ đi cai nghiện nên cho em mượn ghế  ngủ trước nhà. Trời mưa, bà gọi Quân vào nhà ngủ, rồi nhận làm cháu nuôi. Hồi Quân bị nhiễm Covid-19, bà tự chạy xe đưa Quân đi cấp cứu kèm cái điện thoại, dặn em muốn nói gì thì gọi để bà dịch cho bác sĩ nghe. Tới khi chị Tiên được ra trại, chính bà cũng lọc cọc chạy xe đi rước. Người xung quanh thì vẫn nói bà rảnh quá nên đi lo người dưng. “Chắc kiếp trước có nợ với nó mà trả chưa xong”, bà lý giải.

Tháng 6.2022, chị Tiên viêm ruột nặng, đi viện mổ cũng một tay bà Yến chạy đôn chạy đáo mượn tiền hàng xóm đóng viện phí. Để Quân có thể phụ mẹ kiếm tiền, bà cũng nói con gái nấu nước sâm cho Quân đi bán. “Ngày nào trước khi đi bán nó cũng ghé nhà đốt nén nhang cho chồng tôi, biết ổng thích ăn chè nó mua luôn chén chè để cúng. Nó thiệt thà, có tấm lòng vậy, bảo sao mà không thương được”, bà Yến chia sẻ.

Bà Đoàn Thị Huế (51 tuổi, chủ nhà trọ) cho hay, biết chị Tiên đi cai nghiện về, nhưng nhìn bé Quân thấy thương nên bà đồng ý cho hai mẹ con thuê trọ. Bà cảm nhận được quyết tâm của hai mẹ con. Lúc chị Tiên đau ốm, bà cũng không lấy tiền trọ, thường nấu ăn mang lên phòng cho chị. Theo xác minh của Thanh Niên, chị Tiên cùng con trai khai báo thuê nhà tại một con hẻm thuộc P.Phạm Ngũ Lão, Q.1 từ tháng 7.2022. Địa phương cũng chưa ghi nhận phản ánh nào của hàng xóm liên quan đến gia đình.

Theo nhandaoonline.vn

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang