(ĐHVO). Cậu bé là người đặc biệt nhất tôi được gặp ở Đà Nẵng. Trên gương mặt luôn là nụ cười tươi rói, đôi mắt cũng đầy năng lượng, nhìn em chẳng ai nghĩ rằng em là một cậu bé khiếm khuyết, mang trên mình căn bệnh suy giảm trí nhớ mà người ta hay gọi là “não cá vàng”.
Tôi từng có dịp đặt chân đến một thành phố xinh đẹp được mệnh danh là “thành phố đáng sống” nhất ở đất nước Việt Nam-thành phố Đà Nẵng. Có rất nhiều điều ấn tượng nơi đây, như là bãi cát vàng biển xanh, như là khu châu Âu thu nhỏ Bà Nà, như là những cây cầu đặc sắc… nhưng điều khiến trái tim tôi luôn khắc khoải nhất có lẽ là hình ảnh của một chàng trai khuyết tật nhưng đầy nghị lực và đáng yêu tên Văn Thịnh-người tôi tình cờ gặp khi mời tôi mua kẹo trong một quán ăn.
Cậu bé là người đặc biệt nhất tôi được gặp ở Đà Nẵng. Trên gương mặt luôn là nụ cười tươi rói, đôi mắt cũng đầy năng lượng, nhìn em chẳng ai nghĩ rằng em là một cậu bé khiếm khuyết, mang trên mình căn bệnh suy giảm trí nhớ mà người ta hay gọi là “não cá vàng”. Em không thể nhớ những gì vừa xảy ra trước đó 7 phút. Thật kỳ lạ đúng không? Em vừa mới mời tôi mua gói kẹo, sau đó tôi còn nhiệt tình hỏi han nói chuyện với em vài câu, khoảng 15p sau em quay lại bàn tôi mời kẹo và không hề nhớ tôi là vị khách cũ. Tôi thấy em rất quen, hình như gặp em đâu đó trên tivi rồi.
Lần mò theo bước chân em, tôi mới ngộ ra được một hoàn cảnh không mấy tốt đẹp của em. Ba mẹ ly hôn, em sống với ba và em nhỏ trong một căn nhà cũ kỹ. Chứng bệnh suy giảm trí nhớ khiến Thịnh không thể theo kịp tiến độ học hành như bạn bè trang lứa nhưng ba Thịnh vẫn cố hết sức để con mình đươc học hành. Mãi đến năm lớp 6, Thịnh chủ động xin ba cho mình nghỉ học vì biết mình không học được và muốn phụ ba kiếm tiền nuôi em. Khi kể tôi nghe về những điều đó, tôi thấy mặt ba Thịnh đầy những nỗi lo âu, trăn trở.
Mặc dù vậy, cậu bé ấy luôn có một cách sống rất tích cực. Ban ngày, Thịnh đi nhặt ve chai khắp thành phố. Thịnh không ngại nắng mưa, đi lục tung từng thùng rác trong thành phố để tìm kiếm thứ gì đó, có thể bán thành tiền, khi thì chai nhựa móp méo, khi thì thùng giấy carton, giấy báo cũ… Em đã làm việc đó hơn 4 năm trời, đến nỗi người dân khu vực đó quá quen thuộc với hình ảnh của em.
Ảnh nguồn internet
Nhưng điều tuyệt vời nhất ở đây là, bản thân là một người không lành lặn, nhưng Thịnh lại luôn giúp đỡ những người khó khăn, khuyết tật giống mình. Khi ánh chiều tà tắt dần, người ta thấy Thịnh trên chiếc xe đạp lóc cóc của mình chở đi thùng quyên góp, em dùng quỹ thời gian ít ỏi đó để bán kẹo, để quyên góp tiền. Những số tiền kiếm được em sợ quên nên nhờ ba cất hộ rồi chuyển cho câu lạc bộ từ thiện mà em là một thành viên đặc biệt ở đó. Tên câu lạc bộ cũng rất hay – Sống để yêu thương. Những ai từng được Thịnh gửi tặng những phần quà nhỏ do chính công sức các em ấy mang lại đều không thể quên em, họ bảo là nó còn quý hơn rất nhiều những thứ vật chất giá trị khác. Tôi cũng hiểu, cũng cảm nhận được. Làm sao không thương cho được khi bản thân em không được may mắn như người khác, lại luôn lạc quan để lan tỏa điều tích cực, lan tỏa yêu thương cho người khác. Làm sao không thương được khi cứ bước 1 bước chân, em lại quên bẵng những điều tốt đẹp em từng làm, nhưng vẫn miệt mài làm không ngừng nghỉ?
Trước khi tạm biệt em, tôi hỏi khẽ: “Em có bao giờ thấy ngại khi mình cứ quên những điều mình vừa làm, như quên chị, em lại mời lần 2, có bao giờ người ta mắng mỏ em chưa?”. Tôi sẽ không bao giờ quên được câu trả lời ngây ngô cùng với gương mặt sang bừng ấy: “Có chứ ạ, nhưng người ta chỉ cần bảo mua rồi em lại cười xề xòa xin lỗi thôi, họ chửi thì em nghe, còn việc nên làm thì mình cứ làm thôi chị”.
Hồng Đào