(ĐHVO). Dù đã được Đảng, Nhà nước, cộng đồng, xã hội quan tâm đặc biệt nhưng trên thực tế, trẻ em khuyết tật vẫn phải đối diện với mức độ kỳ thị không hề nhỏ khiến các em bị cô lập, không có bạn bè; không được vui chơi, tự do phát triển bản thân và thậm chí không được tiếp cận nền giáo dục một cách đầy đủ và toàn diện. Do không được đến trường nên các em thiếu kiến thức và kỹ năng sống, dẫn đến mất cơ hội việc làm và không hoàn toàn tham gia vào xã hội khi trưởng thành. Vậy nên hiện nay điều cấp thiết được xã hội quan tâm đó là hỗ trợ những trẻ em khuyết tật có cơ hội được học tập.
Học tập là việc rất quan trọng đối với tất cả mọi người nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Công việc học tập đang từng ngày được xã hội hoá, nhà nhà học tập, người người học tập và đối với người khuyết tật cũng không ngoại lệ. Họ có quyền được học tập được phát triển bản thân. Học tập chính là con đường, là cánh cửa để mở ra tri thức.
Tri thức là kho tàng kiến thức khổng lồ mà con người đã tích lũy được nhiều năm nay, được lưu trữ dưới dạng sách vở hoặc thông tin. Tri thức của mỗi con người chính là những gì mà con người tích lũy được thông qua quá trình học tập, nghiên cứu. Tri thức đóng vai trò vô cùng quan trọng và có tính quyết định đến việc thành công hay thất bại của mỗi người. Chính vì thế, không chỉ riêng những người bình thường mà trẻ em khuyết tật cũng cần cố gắng trau dồi cho bản thân thật nhiều tri thức. Trẻ khuyết tật họ tiếp nhận những nguồn tri thức nằm trong tầm kiểm soát của mình và họ có thể tiếp thu kiến thức bằng nhiều cách khác nhau.
Hiện nay Đảng và Nhà nước vẫn đang tăng cường đưa ra những chính sách hỗ trợ về mặt giáo dục cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được học tập một cách đầy đủ và hoàn thiện nhất. Giáo dục trẻ em khuyết tật cũng là chủ trương thể hiện tính nhân văn của nhà nước và xã hội. Các trung tâm, trường học dành cho trẻ khuyết tật ngày càng nhiều, đã xuất hiện ở tất cả các tỉnh thành. Như Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên với sứ mệnh là chăm sóc và định hướng nghề nghiệp cho trẻ em khuyết tật. Trung tâm giáo dục các em học sinh khuyết tật, dạy cho học sinh khuyết tật các kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và nhiều mảng khác nữa. Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên trở thành một “Mái ấm tình thương” giúp đỡ các em có cơ hội học tập và tiến gần hơn đến cách cửa tri thức.
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết
Đối với trẻ khuyết tật các em bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn, do đó, cần có những phương thức giáo dục phù hợp. Lựa chọn phương thức giáo dục không phù hợp không những không đạt hiệu quả giáo dục mà còn bị phản tác dụng, sẽ sinh ra những phản kháng từ nhẹ đến gay găt đến nhận thức, hành vi của người khuyết tật. Vậy nên việc lựa chọn phương thức giáo dục nào cho từng người là cần thiết, đảm bảo có hiệu quả và không bị tác động ngược.
Hiện nay, Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định 03 phương thức giáo dục đối với người khuyết tật gồm phương pháp giáo dục chuyên biệt, phương pháp giáo dục hòa nhập và phương pháp giáo dục bán hòa nhập. Mỗi một phương thức có những ưu và nhược điểm nhất định, phù hợp với những dạng tật khác nhau. Tùy từng đối tượng người khuyết tật thì người khuyết tật, cha, mẹ hoặc người giám hộ người khuyết tật lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với sự phát triển của cá nhân người khuyết tật.
Mặt khác hiện nay xã hội phát triển, cũng có rất nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ việc giảng dạy trẻ khuyết tật được dễ dàng, tiện lợi hơn. Việc giáo dục giúp cho trẻ khuyết tật có được những kiến thức cơ bản và nó sẽ trở thành nền tảng cần thiết và quan trọng để các em có thể tham gia học nghề và tìm kiếm việc làm. Nhiều em mặc dù khuyết tật nhưng các em rất đam mê tìm tòi và học tập, nhờ những kiến thức tích lũy được mà ngay từ khi còn bé đã có thể tìm kiếm việc làm và tự nuôi sống bản thân mình, không cần sự hỗ trợ từ phía gia đình và xã hội.
Nguồn tri thức là vô tận nó có thể giúp cho những trẻ khuyết tật có nghị lực phấn đấu không đầu hàng số phận, cố gắng học tập để đi đến thành công. Cánh cửa ấy không khó để với tới chỉ cần các em có nỗ lực, quyết tâm thì sẽ đạt được. Mọi chính sách và ưu đãi mà Nhà nước và xã hội dành cho các em đã là một bước khởi đầu để các em đến với cánh cửa tri thức ấy.
Nhà triết học Lê-nin đã từng nói : “Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức người đó có sức mạnh”. Tri thức tạo nên sức mạnh, động lực cho trẻ khuyết tật cố gắng ; giúp cho tương lai sau này của các em có thể trở thành người có ích cho xã hội, cộng đồng. Khuyết tật không có nghĩa chấm hết cuộc đời của họ mà họ có thể phát triển bản thân theo nhiều cách khác nhau. Người khuyết tât tự tích lũy cho mình một hành trang tri thức và đó cũng là một cách nhanh chóng để đi đến thành công.
Hồng Liên