Theo báo cáo mới nhất ngày 18/06/2020 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNICEF, UNESCO, một nửa số trẻ em trên thế giới (khoảng 1 tỷ trẻ em) mỗi năm bị ảnh hưởng bởi bạo lực từ thể chất, tình dục hoặc tâm lý dẫn đến bị thương, bị khuyết tật hoặc tử vong, điều đó đòi hỏi các quốc gia phải tuân thủ các chiến lược về bảo vệ trẻ em đã được thỏa thuận và thông qua.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết:“Chúng tôi có các chương trình, chiến lược để ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với trẻ em, chúng tôi kêu gọi tất cả các nước cùng chung tay thực hiện, vì trẻ em là hạnh phúc, là tương lai của chúng ta”. Báo cáo tình trạng toàn cầu về phòng chống bạo lực đối với trẻ em năm 2020 là báo cáo đầu tiên ở 155 quốc gia trong khuôn khổ “INSPIRE”, một bộ thỏa thuận gồm bảy chiến lược nhằm ngăn chặn và đối phó với bạo lực trẻ em. Báo cáo cho thấy, 88% mước tham gia đã ban hành luật để bảo vệ trẻ em chống lại bạo lực, thì chỉ có 47% quốc gia cho biết những điều luật này đang được thực thi mạnh mẽ. Báo cáo phát hiện ra rằng, vào năm 2017, khoảng 40.000 trẻ em là nạn nhân của các vụ giết người. Khoảng 80% các quốc gia có các kế hoạch hành động và chính sách quốc gia về ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em, nhưng chỉ 1/5 trong số đó có các kế hoạch được tài trợ đầy đủ hoặc có các mục tiêu rõ ràng có thể thực hiện được. Việc thiếu kinh phí kết hợp với năng lực chuyên môn không đầy đủ có thể là yếu tố đóng góp và là lý do khiến việc triển khai các kế hoạch này bị chậm.
Ảnh minh họa – nguồn Internet
Theo một thống kế của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Unicef), có đến 68,4% trẻ em Việt Nam (dưới 18 tuổi) từng ít nhất một lần bị bạo lực dưới một trong vài hình thức, từ bị đánh đập, xâm hại thân thể đến xâm hại tình dục… Năm 2018, theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với gần 1.700 đối tượng, xâm hại 1.579 trẻ, trong đó có 1.293 trẻ bị xâm hại tình dục. Phân tích các số liệu trẻ em bị bạo hành của năm 2018 được cập nhật qua tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho thấy: 60% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người quen, hàng xóm; trên 21% đối tượng là người thân; đối tượng thuộc các cơ sở trường học và môi trường khác gần 20%.
Đây là những con số đáng báo động, thể hiện tình trạng bạo lực trẻ em tại Việt Nam đang có nguy cơ gia tăng và khó kiểm soát. Điều đó đòi hỏi những hành động thống nhất, đồng bộ, sự quan tâm của các cấp, các ngành, toàn xã hội và cả chính trẻ em.
PA.TH