(ĐHVO).Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần thực hiện các biện pháp, huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, không để người dân “đói cơm lạt muối”.
Chiều ngày 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Thủ tướng phát biểu tại phiên họp, trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện tốt việc chống dịch và bước đầu mang lại hiệu quả.
Thường trực Chính phủ họp về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
(Nguồn: internet)
Đại dịch COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong xã hội, đặc biệt là nhóm yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để người dân “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Cùng với ưu tiên chống dịch, Chính phủ đã thảo luận nhiều lần về gói an sinh xã hội để sớm hỗ trợ những người khó khăn trong xã hội. Tiếp ngay sau gói này, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện báo cáo trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền.
Về đối tượng dự kiến hưởng chính sách, Thủ tướng cho biết cơ bản các ý kiến thống nhất với các nhóm đối tượng mà các bộ đề xuất, trong đó có 6 nhóm đối tượng mà ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp, 1 nhóm đối tượng là doanh nghiệp được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0% để hỗ trợ người lao động. Mức hỗ trợ cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong dự thảo Nghị quyết.
Thủ tướng nêu rõ các đối tượng rất cần quan tâm, cần được hỗ trợ, trước hết là hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người có công, thu nhập giảm sâu do dịch COVID-19.
Tại phiên họp, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành chuẩn bị kỹ các phương án thực hiện chính sách để khi chính sách được ban hành đi vào cuộc sống ngay, theo đó, phải đảm bảo yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi, Thủ tướng nhấn mạnh: “phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”.
Ninh Hương