(ĐHVO). Ngày 18/4 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn không chỉ của người khuyết tật mà nó là sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước cũng như cộng đồng xã hội đối với người khuyết tật. Thế nhưng, kỷ niệm 25 năm hay 43 năm Ngày Người khuyết tật có lẽ là vấn đề cần sớm được thống nhất trong thời gian tới giữa các cơ quan, tổ chức cũng như đảm bảo tính thống nhất trong các hoạt động liên quan đến người khuyết tật.
1. Ý nghĩa của Ngày 18/4
Sự ra đời của ngày 18/4, Ngày Người khuyết tật Việt Nam đã mang lại nhiều ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng xã hội nói chung và với người khuyết tật nói riêng, trong đó, có thể kể đến một số ý nghĩa:
– Tiếp tục khẳng định, nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với công tác người khuyết tật trong các hoạt động của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Đặc biệt là ngày càng thể hiện rõ, tư tưởng tiếp cận dựa trên quyền của Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến người khuyết tật.
– Ngày Người khuyết tật Việt Nam đã đánh dấu một bước phát triển mới trong nhận thức về người khuyết tật, giúp giảm thiểu những nhận thức tiêu cực, những hiểu biết, đánh giá chưa đúng về người khuyết tật đặc biệt là việc cho rằng người khuyết tật là gánh nặng của gia đình, xã hội…
– Ghi nhận những nỗ lực, hỗ trợ; biểu dương kết quả; tôn vinh những con người, những tấm gương người khuyết tật cũng như cộng đồng xã hội đối với người khuyết tật nói riêng, công tác người khuyết tật nói chung…
– Là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá những kết quả hoạt động; sự kiện để huy động những hỗ trợ về vật chất và tinh thần đối với người khuyết tật; cơ hội kết nối, giao lưu, triển khai và tăng cường chất lượng hoạt động trong công tác về người khuyết tật.
Ngoài ra, đối với mỗi cá nhân trong đó bao gồm các cá nhân người khuyết tật, gia đình cùng cộng đồng, xã hội còn có những ý nghĩa khác từ chính nhận thức hay thông qua việc thay đổi thái độ, điều chỉnh hành vi đối với người khuyết tật.
Từ đó, giúp người khuyết tật bớt tự ti vào bản thân, không còn mặc cảm trước số phận hoàn cảnh; thúc đẩy sự nhận thức ngày càng tiến bộ của xã hội đối với người khuyết tật, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hòa nhập một cách bình đẳng và đầy đủ đối với người khuyết tật. Quan trọng hơn cả, đó chính là việc thể hiện sự tôn trọng sự khác biệt của mỗi con người, sư đa dạng của cộng đồng xã hội cũng như bất kỳ ai, bất kỳ khi nào mỗi người trong chúng ta đều có thể trở thành hoặc phải trải qua giai đoạn là người khuyết tật.
2. Nguồn gốc Ngày 18/4
Từ một số nguồn thông tin cho biết, khi soạn thảo Pháp lệnh về Người Tàn tật đã có 2 phương án được đưa ra để lựa chọn lấy làm ngày kỷ niệm của người khuyết tật Việt Nam, đó là:
– Phương án lấy Ngày 18/4: Ngày Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban
Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam.
– Phương án lấy ngày 11/6, ngày Chính phủ ký vào bản tuyên bố về sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của người tàn tật khu vực Châu Á
– Thái Bình Dương năm 1992.
Sau khi đưa ra 2 phương án tham khảo, hầu hết các bộ, ngành đều cho rằng nên lấy ngày 18/4, ngày mà Chính phủ Việt Nam thành lập Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật làm ngày của người tàn tật.
Như vậy, Ngày 18/4 chính thức được Pháp lệnh Người Tàn tật 1998 công nhận là Ngày chăm sóc, bảo vệ Người tàn tật. Đến năm 2010, khi xây dựng và ban hành Luật Người khuyết tật đã sửa đổi Ngày 18/4, Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật thành Ngày Người khuyết tật Việt Nam. Việc sửa đổi tên gọi ngày kỷ niệm của người khuyết tật Việt Nam là một bước tiến chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy, góc độ tiếp cận dựa trên quyền của người khuyết tật.
Trên cơ sở hưởng ứng lời kêu gọi của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc năm 1976 lấy năm 1981 là năm Quốc tế đầu tiên về người khuyết tật, kêu gọi một kế hoạch hành động ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, với trọng tâm là tăng cường các cơ hội, phục hồi chức năng và phòng ngừa khuyết tật; Căn cứ tờ trình số 1243-VP ngày 14 tháng 8 năm 1979 của Bộ Thương binh và xã hội, Ngày 18/04/1980, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định số 123-CP về việc thành lập Ủy ban năm quốc tế những người tàn tật Việt Nam. Quyết định gồm 6 điều, trong đó: Điều 1. Thành lập Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam; thành phần Ủy ban gồm các đồng chí có tên dưới đây : a) Chủ tịch : đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. b) Tổng thư ký : đồng chí Dương Quốc Chính, bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội. c) Các ủy viên : – Đồng chí Nguyễn Kiện, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội. – Đồng chí Võ Đông Giang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. – Đồng chí Võ Thuần Nho, Thứ trưởng Bộ Giáo dục. – Đồng chí Cù Huy Cận, Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin. – Đồng chí Đặng Hồi Xuân, Thứ trưởng Bộ Y tế. – Đồng chí Hoàng Xuân Tùy, Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. – Đồng chí Phan Văn Hựu, Thứ trưởng Bộ Lao động. – Đồng chí Nguyễn Minh,Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề. – Đồng chí Nguyễn Tam Ngô, Ủy viên Ban Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam. – Đồng chí Nguyễn Tiên Phong, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. – Đồng chí Vũ Thị Chín, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Điều 2. Nhiệm vụ của Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam là: a) Căn cứ ý nghĩa của Năm quốc tế những người tàn tật, tuyên truyền rộng rãi về sự quan tâm của nhân dân thế giới, về đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với những người tàn tật, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp và của toàn dân đối với việc động viên, giáo dục và giúp đỡ những người tàn tật. b) Giới thiệu những kết quả đã đạt được ở Việt Nam trong công tác tổ chức, hướng dẫn và giúp đỡ những người tàn tật; tranh thủ sự viện trợ của các tổ chức hữu quan của Liên hợp quốc và của các tổ chức nhân đạo ở các nước đối với những người tàn tật ở Việt Nam. c) Phối hợp với các ngành, các cấp, các đoàn thể nhân dân nhằm thực hiện có hiệu quả trong hai năm 1980 và 1981 một chương trình thiết thực về việc động viên, giáo dục và giúp đỡ những người tàn tật. Điều 3. Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam có một Ban Thư ký gồm đại biểu một số ngành có liên quan giúp việc. Điều 4. Ở cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố có trách nhiệm phối hợp và hướng dẫn các cấp, các ngành, các đoàn thể trong địa phương mình thực hiện những chương trình và kế hoạch công tác do Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam đề ra. Điều 5. Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam được phép sử dụng con dấu riêng. Điều 6. Đồng chí Bộ trưởng Phủ thủ tướng, Thủ trưởng các ngành có đại biểu tham gia Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đoàn thể có liên quan và các đồng chí có tên trên đây chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./. |
Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam kỷ niệm 25 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam
3. Cần thống nhất số năm kỷ niệm Ngày Người khuyết
Căn cứ những phân tích trên đây, rõ ràng, Ngày Người khuyết tật Việt Nam chính thức được ghi nhận tại Điều 31 Pháp lệnh số 06/1998/PL- UBTVQH10 ban hành ngày 30/07/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Người tàn tật và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/11/1998. Sau đó được sửa đổi tên gọi tại Luật số: 51/2010/QH12 ngày 17/06/2010 Luật Người khuyết tật, chính thức có hiệu lực pháp luật từ 01/01/2011.
Như vậy, nếu căn cứ theo quy định của pháp luật thì tính đến năm 2023, là kỷ niệm lần thứ 25 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam thường lấy ngày thành lập hoặc một ngày có ý nghĩa nào đó để lựa chọn làm ngày kỷ niệm. Và số năm kỷ niệm thường được tính từ ngày thành lập hoặc năm có sự kiện ý nghĩa được diễn ra thay vì tính từ năm được văn bản quy phạm pháp luật ghi nhận và lựa chọn làm năm kỷ niệm.
Chính vì vậy, việc Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và nhiều tổ chức của và vì người khuyết tật lựa chọn mốc kỷ niệm là 25 năm trên cơ sở Pháp lệnh Người tàn tật 1998 lần đầu tiên ghi nhận ngày kỷ niệm của người khuyết tật là điều hoàn toàn hợp lý và phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, việc sử dụng mốc kỷ niệm 43 năm Ngày người khuyết tật Việt Nam được một số bộ, ngành và một số tổ chức của và vì người khuyết tật trên cơ sở Ngày thành lập Ủy ban năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam (có thể hiểu gần giống Ủy ban quốc gia về người khuyết tật hiện nay nhưng có vị thế và vai trò lớn hơn) cũng là điều dễ hiểu và phù hợp với cách tính thông thường của Việt Nam.
Việc số năm kỷ niệm cũng có thể không ảnh hưởng quá lớn đến việc tổ chức các hoạt động hay ý nghĩa của ngày Người khuyết tật Việt Nam nhưng nó thể hiện sự thống nhất và nhất quán trong công tác về người khuyết tật. Chính vì vậy, thiết nghĩ để đảm bảo thực hiện hiệu quả hơn các ý nghĩa của người khuyết tật; làm tốt hơn công tác người khuyết tật; đạt hiệu quả hơn trong các hoạt động trợ giúp; thúc đẩy nhanh hơn quá trình hiện thực hóa quyền cũng như quá trình hòa nhập bình đẳng và đầy đủ của người khuyết tật, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam có thể làm việc cùng các cơ quan, ban, ngành chức năng để sớm thống nhất số năm kỷ niệm ngày Người khuyết tật giữa các cơ quan, ban ngành và các tổ chức của và vì người khuyết tật.
Huy Thành
Bài viết được đăng trên Tạp chí Đồng Hành Việt số 04 năm 2023