Thời gian qua, ngoài các hoạt động nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, TP.Cần Thơ còn chú trọng đến truyền thống, đạo lý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn” đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Thông qua các kỷ niệm thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công cách mạng.
Nhờ đó, các chính sách dành cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng được triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả qua đó đảm bảo cho đời sống người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn người dân trên địa bàn quận. Các dịp lễ, Tết, những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, quận tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà và động viên các gia đình chính sách tiêu biểu, nhất là đối tượng thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn.
Trường phòng LĐ-TB&XH huyện Cờ Đỏ – Nguyễn Ngọc Nam cho biết, công tác chăm lo cho gia đình chính sách tại huyện ngày càng có sức lan tỏa, huy động sự chung sức của toàn xã hội. Ðó là tấm lòng, nghĩa tình của các cấp, các ngành, mạnh thường quan và các đoàn thể chính trị – xã hội trong việc giúp đỡ, động viên, khơi dậy ý chí tự lực tự cường của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội. Qua đó, góp phần cùng Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Cờ Đỏ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo ông Nam, toàn huyện hiện có 386 đối tượng người có công, trong đó có 155 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí chi trả trong năm là 2.428.054.000 đồng. Bên cạnh công tác chi trả kịp thời chế độ thường xuyên hàng tháng cho gia đình người có công thì các hoạt động chăm lo khác luôn được quan tâm đã góp phần cho các gia đình có điều kiện nâng cao thêm mức sống.
Năm 2023, huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo tinh thần pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Thực hiện đầy đủ, hiệu quả công khai minh bạch và chi trả kịp thời các chế độ cho Người có công kết hợp thực hiện các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa kịp thời chính sách hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, tham quan tập trung, điều dưỡng tại nhà, vận động đóng góp quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, để kịp thời hỗ trợ về đời sống và nhà ở cho các gia đình có công với nước.
Cũng như các quận, huyện khác, quận Bình Thủy rất tích cực trong công tác đền ơn đáp nghĩa, bà Nguyễn Hồng Loan, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Bình Thủy, cho biết: Quận Bình Thủy tăng cường phối hợp vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tham gia đóng góp Quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa” các cấp; huy động mọi nguồn xã hội hóa, quan tâm sửa chữa và xây dựng mới nhà tình nghĩa cho NCC với cách mạng đang gặp khó khăn về nhà ở; tổ chức chu đáo việc khám, chữa bệnh và điều dưỡng đối với thương binh, bệnh binh, GÐCS, NCC.
Ông Nguyễn Văn Tám ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, rất phấn khởi khi địa phương hỗ trợ kịp thời căn nhà tình nghĩa. Ông tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện chính sách, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nhiều năm nay, các thành viên trong gia đình sống chủ yếu với việc làm mướn và tiền trợ cấp hằng tháng. Năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ chi phí xây nhà tình nghĩa. Từ sự quan tâm, động viên này, gia đình chúng tôi có thêm nhiều động lực, an tâm lao động, kiếm thêm thu nhập cải thiện đời sống”.
Xác định công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, Ðảng ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể xã Trường Thành triển khai thực hiện các chính sách đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng và đúng chế độ. Ngoài ra, địa phương thường tổ chức các cuộc gặp gỡ, thăm hỏi gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo trên địa bàn. Nhờ vậy, những vướng mắc, khó khăn được quan tâm, tháo gỡ kịp thời… Bà Nguyễn Thị Thùa, gia đình chính sách ở xã Trường Thành, bộc bạch: “Mỗi năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ hoặc lễ, Tết, cán bộ địa phương đều đến nhà tôi thăm hỏi, tặng quà. Ngoài ra, chúng tôi còn được xem xét hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Trước sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, tôi và gia đình cảm thấy rất ấm lòng”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phủ, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thới Lai, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã xây dựng 10 căn nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng đang gặp khó khăn về nhà ở. Ðồng thời, huyện đang rà soát nhu cầu hỗ trợ nhà ở cho người có công và thân nhân người có công, với 36 trường hợp. Huyện đẩy mạnh phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc gia đình chính sách neo đơn, động viên, thăm hỏi, tặng quà gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Theo kế hoạch, huyện Thới Lai phấn đấu nâng cao đời sống của các hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trở lên, phấn đấu 99% hộ người có công với cách mạng không còn trong diện hộ cận nghèo. Phấn đấu 100% xã, thị trấn được công nhận là xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng…
Nhằm duy trì những kết quả đạt được và làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, bà Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ cho biết, “Để có cuộc sống yên bình, đất nước ngày càng phát triển như hôm nay là thành quả đánh đổi bằng máu xương của các thế hệ đi trước. Hiện tại là sự tiếp nối của quá khứ, chính vì vậy bổn phận của chúng ta là phải tập trung các nguồn lực, chăm lo một cách tốt nhất- trong khả năng có thể- đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Không để một gia đình chính sách nào có mức sống dưới mức trung bình so với mức sống bình quân nơi họ cư trú không chỉ là mệnh lệnh chính trị mà còn là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam”.
Theo Báo điện tử Dân sinh