Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Truyền thông nâng cao nhận thức cũng như tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật tuy đã có những thành công, thành quả nhất định. Nhưng trên thực tế, công tác này mới chỉ tập trung vào nội dung tuyên truyền phổ biến Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; Luật Người khuyết tật; một số các đề án, chương trình trợ giúp đối với người khuyết tật… chứ chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và mong muốn được hiểu biết pháp luật của đông đảo người khuyết tật nhất là những vấn đề pháp luật liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người khuyết tật như vấn đề nhân thân, tài sản….

  1. Không nên bó hẹp

Người khuyết tật ngày càng hòa nhập một cách sâu, rộng vào cộng đồng xã hội. Sự tham gia của người khuyết tật trong các hoạt động trở nên dần phổ biến không chỉ khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai một cách hiệu quả, quyền của người khuyết tật từng bước được thực thi mà còn khẳng định vị thế, vị trí của người khuyết tật trong xã hội. Có thể kể đến như: Người khuyết tật tham gia đa dạng các hoạt động của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội như đi bầu cử, ứng cử, lao động, sản xuất; tham gia các hoạt động giải trí, văn hóa, thể thao…. Thậm chí, trong nhiều lĩnh vực, hoạt động, người khuyết tật đã để lại rất nhiều ấn tượng, dấu ấn nổi bật trở thành nguồn động lực, truyền cảm hứng cũng như là tấm gương để học hỏi, noi theo.

Bên cạnh các quyền của mình, người khuyết tật cũng đang khẳng định việc thực hiện các nghĩa vụ công dân như đóng thuế, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội hay tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, địa phương…

Có được những kết quả đó, trước hết phải nhấn mạnh đến sự đóng góp của của công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật của các cơ quan truyền thông, các kênh tin tức, các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp cùng các ban ngành; các tổ chức, cá nhân hoạt động hay quan tâm đến lĩnh vực người khuyết tật…

Tuy vậy, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật thực tế mới chỉ chủ yếu đang tập trung trong việc tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 39 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Luật Người khuyết tật, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, hay các chương trình đề án trợ giúp người khuyết tật chứ chưa tuyên truyền, phổ biến nhiều đến các quy định chính sách, pháp luật khác.

Việc tuyên truyền mới chỉ được thực hiện một cách “rời rạc” chứ chưa thực sự được hệ thống bài bản cũng như có kế hoạch, lộ trình cụ thể để giúp người khuyết tật hiểu biết rõ hơn về pháp luật cũng như vận dụng vào cuộc sống của bản thân như thông qua các hoạt động dự án nâng cao năng lực; qua các hoạt động của tập huấn giảng viên nguồn TOT của các tổ chức hội của và vì người khuyết tật; các buổi sinh hoạt chuyên đề nhân các dịp kỷ niệm của người khuyết tật như ngày 18/04 hay 03/12… đồng thời cũng chủ yếu tập trung tuyên truyền, phổ biến Công ước, Luật Người khuyết tật….

Thậm chí, có không ít người khuyết tật rất hiểu, gần như “thuộc lòng” Công ước, Luật Người khuyết tật cùng các chính sách liên quan nhưng các vấn đề khác thì “gần như một tờ giấy trắng”.

  1. Những khó khăn người khuyết tật có thể gặp phải khi không được tuyên truyền phổ biến pháp luật đầy đủ

Vấn đề đầu tiên có thể nhận thấy khi người khuyết tật không được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đầy đủ chính là không hiểu được bản chất quyền và nghĩa vụ của bản thân, dễ dẫn đến việc có thể hiểu lệch, thậm chí hiểu sai và từ đó sẽ có những hành vi lệch chuẩn, không đúng.

Hay như, việc người khuyết tật chỉ biết đến Công ước, Luật Người khuyết tật nhưng không biết các do không tìm hiểu cũng như không được phổ biến, tuyên truyền các quy định, pháp luật chính sách khác dễ dẫn đến việc phản biện chính sách không phù hợp; khuyến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách không đúng; không biết vận dụng hay xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống như thế nào. Không những vậy, từ những  nội dung tưởng chừng đơn thuần này sẽ có thể dẫn đến việc người khuyết tật trở thành “công cụ” của những thành phần có ý đồ xấu, gây ra những bất mãn vì được tuyên truyền, phổ biến dẫn đến hiểu sai bản chất pháp luật, quy định chính sách đối với người khuyết tật….

Thực chất người khuyết tật cũng như mọi nhóm đối tượng trong xã hội, thường gặp rất nhiều các vấn đề liên quan đến pháp luật đặc biệt là những vấn đề do pháp luật dân sự quy định như nhân thân, tài sản… do đó việc trang bị kiến thức pháp luật là điều vô cùng cần thiết. Ít nhất họ biết phải gặp ai, tìm ai để hỗ trợ mình giải quyết các vấn đề đang gặp phải. Nếu không thì coi như chính bản thân họ đang “tự tước đi” quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của bản thân.

  1. Cần mở, rộng phạm vi, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật.

Theo Điều 4 Luật Người khuyết tật quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật

  1. Người khuyết tật được bảo đảm thực hiện các quyền sau đây:
  2. a) Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;
  3. b) Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;
  4. c) Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội;
  5. d) Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

  1. Người khuyết tật thực hiện các nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật.

Hay theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật đều đảm bảo quyền được tiếp cận cũng như được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Như vậy, từ quy định của pháp luật đến thực tiễn cuộc sống như đã phân tích ở trên, người khuyết tật cần và phải được nâng cao năng lực, nhận thức pháp luật nhiều hơn để việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân của người khuyết tật được đầy đủ. Có thể kể đến như:

          Người khuyết tật ngày càng tham gia đông đảo vào thị trường lao động do đó người khuyết tật cần biết đến các quy định của pháp luật về hợp đồng, lao động, giáo dục nghề nghiệp… hay như người khuyết tật khởi nghiệp thì họ cần biết đến quy định về vay vốn ưu đãi, pháp luật về doanh nghiệp, kinh doanh thương mại….

Hay thiết thực, sát sườn hơn đối với người khuyết tật đó chính là các quy định điều chỉnh xã hội của Bộ luật dân sự, hình sự; các mối quan hệ dân sự như hôn nhân gia đình, nhân thân, tài sản là thừa kế, mua bán, vay mượn…

Việc hiểu rõ các quy định của pháp luật sẽ không đơn thuần là giúp người khuyết tật hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ, được nâng cao năng lực mà sẽ thúc đẩy không nhỏ nâng cao nhận thức của cả cộng đồng xã hội mà đặc biệt là các cấp chính quyền, các nhà quản lý và hoạch định chính sách.

Không những vậy, bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, người khuyết tật cũng cần được thông tin, được tìm hiểu các kiến thức khác để không ngừng nâng cao năng lực và hoàn thiện bản thân.

Có như vậy, người khuyết tật mới thực sự hòa nhập xã hội một cách bình đẳng và đầy đủ.

Ảnh minh họa các buổi tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật

Tạm kết

Từ một số phân tích nêu trên, hy vọng rằng sẽ gợi mở hơn để các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền quản lý, các nhà nghiên cứu, các cơ quan truyền thông, các đơn vị, tổ chức, cá nhân sẽ có những nghiên cứu, đánh giá vấn đề thực trạng và nhu cầu tìm hiểu cũng như được giáo dục, phổ biến pháp luật của người khuyết tật. Qua đó, có những kế hoạch, lộ trình cụ thể để góp phần hỗ trợ  người khuyết tật được tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật; tự chủ động tìm hiểu pháp luật…

Được như vậy, người khuyết tật không chỉ có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của bản thân mà góp phần không nhỏ trong việc cùng các nhóm đối tượng trong xã hội cùng tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Bài viết liên quan

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Picture2

Mô hình hợp tác xã với sự tham gia và hỗ trợ người khuyết tật

Picture1

Vai trò và tầm quan trọng của thông tin số liệu về người khuyết tật

Picture1

Ngày hội Hội “Tỏa sáng nghị lực thanh niên Bắc Giang năm 2024”

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang