(ĐHVO) Nếu trước kia nhiều người khuyết tật thường hạn chế tiếp xúc với xã hội, họ sống lặng lẽ khép kín nên ít có cơ hội theo đuổi những ước mơ của mình, thì ngày nay hình ảnh những vận động viên khuyết tật đã không còn xa lạ nữa.
Trong đại hội thể thao, các vận động viên đứng nghiêm chỉnh chờ tiếng súng báo hiệu xuất phát. Một cuộc thi bơi lội giống như mọi cuộc thi khác, nhưng điểm khác biệt lớn nhất lại ở chính các vận động viên. Họ có phải là vận động viên chuyên nghiệp không? Có, họ là những vận động viên chuyên nghiệp. Họ chỉ khác những vận động viên khác ở chỗ, có thể họ thiếu một cánh tay, một đôi chân….
Nhìn những hình ảnh này, ai trong chúng ta cũng không khỏi xúc động trước nghị lực của những vận động viên này. Đảm bảo cho cuộc sống thường ngày của mình, có thể tự chăm sóc mình đã là một điều khó, nhưng họ còn có thể luyện tập, có thể vượt qua mọi mặc cảm để tham gia thi đấu thể thao, ấy mới là điều đáng trân trọng. Sinh ra với một cơ thể thiếu lành lặn, hoặc chẳng may mắn gặp những tai nạn, rủi ro…ắt hẳn ai cũng có chút ít mặc cảm, tủi thân. Nhưng rồi nhiều người đã biết vượt qua, quen dần với điều đó, cố gắng duy trì mọi hoạt động bình thường trong điều kiện vốn không bình thường. Các vận động viên thể thao khuyết tật đã làm tốt điều này. Họ nỗ lực tập luyện, bỏ qua mọi ánh mắt dòm ngó, dò xét. Ban đầu mọi sự đều khó, những cơn đau kéo dài khiến cơ thể khó tự chủ. Nhưng rồi thời gian luyện tập giúp những vận động viên khuyết tật khỏe mạnh hơn.
Anh Nguyễn Hồng Lợi, vận động viên bơi lội khuyết tật, sinh ra đã dị tật bẩm sinh, khuyết thiếu cả hai chân và cánh tay phải. Năm 18 tuổi anh quyết tâm đi tập bơi trong sự ngỡ ngàng và tò mò của mọi người. Chỉ với một cánh tay trái, anh không thể điều khiển cơ thể mình theo đúng hướng, nhưng chỉ sau 5 ngày chăm chỉ tập luyện, anh đã có thể bơi được thành thạo trong sự vui mừng của mọi người. Song song với việc tập bơi, anh còn chăm chỉ đến phòng tập gym tập các bài tập hỗ trợ cơ bắp và nâng cao sức bền. Cho đến năm 2014, khi tham sự ASEAN Para Games tại Myanmarm anh Lợi đã giành được Huy chương Đồng ở nội dung bơi lội hạng thương tật S6 100 mét tự do nam.
Nguồn ảnh: Internet
Sức khỏe người khuyết tật vốn hạn chế, ít vận động càng dễ suy yếu hơn, việc luyện tập một môn thể thao giúp những người khuyết tật vừa rèn luyện sức khỏe, vừa có thể phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn của mình.
Chẳng ai sinh ra đã thua cuộc, chỉ là có cấp nhận đầu hàng số phận hay không thôi. Lòng kiên trì và sự nỗ lực của những người khuyết tật chắc chắn sẽ giúp họ gặt hái được quả ngọt hoa thơm./.
Khánh Linh