Khi chiếc ống hút nhựa đầu tiên ra đời, có lẽ không ai nghĩ rằng một ngày nào đó người ta sẽ phải nhọc công tìm kiếm một sản phẩm khác để thay thế nó trước những tác hại mà nó mang đến. Và giờ đây, có lẽ đã đến lúc chúng ta quyết định “số phận” của ống hút nhựa để cứu lấy cuộc sống của chính mình.
Theo báo Vnews, ống hút nhựa là một trong những rác thải nhựa phổ biến đứng đầu, xếp thứ 6 trong các loại rác không thể phân huỷ và là loại rác được tiêu thụ nhiều chỉ sau túi nylon. Nghiêm trọng hơn, đã rất nhiều loài sinh vật biển bị thương, thậm chí bị chết vì ống hút nhựa. Chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh một con rùa biển bị mắc kẹt với ống hút nhựa trong hốc mũi hay xác cá heo trôi dạt bờ biển, trong bụng đầy những rác thải và hẳn là không thể thiếu những vật làm bằng nhựa đã khiến những sinh vật đó bị đau đớn, giày vò.
Nguồn ảnh: Internet
Không những vậy, cốc và ống hút nhựa còn là món phụ kiện thiết yếu đồng hành cùng các hãng đồ uống, đồ ăn nhanh hay món trà sữa đang thịnh hành trong giới trẻ. Chúng ta chỉ mất ba phút hoặc vài giây để sử dụng đồ ăn nước uống nhưng với những chiếc ống hút nhựa khó tiêu hủy thì “tuổi đời” của chúng còn rất dài.
Nhưng từ giờ điều đó cần được thay đổi và bắt đầu được thay đổi.
Washington DC – nơi đầu tiên phát minh ra ống hút nhựa đã trở thành thành phố thứ hai của Mỹ cấm sử dụng loại sản phẩm này. Chắc hẳn đến cả “cha ruột” cũng nhận thức rõ ràng sự nguy hại của “đứa con” mà mình mang đến.
Hàng triệu phong trào “Nói không với ống hút nhựa” nổ ra trên thế giới. Họ bắt đầu tẩy chay các quán cà phê, nhà hàng sử dụng ống hút nhựa. Họ bắt đầu sử dụng các sản phẩm khác để thay thế hoặc thậm chí họ có thể không sử dụng ống hút để góp sức tối đa bảo vệ môi trường.
Quán cà phê Mị (Láng Hạ) sử dụng ống hút giấy bảo vệ môi trường
Việt Nam cũng là một trong những nước sử dụng nhiều các sản phẩm làm bằng nhựa, chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh những chiếc ống hút nhựa được sử dụng tại các quán cafe nơi phố xá. Hiện nay, tình trạng đó đã được cải thiện đáng kể: ống hút nhựa được thay bằng ống hút tre, ống hút gạo; túi nilon được thay bằng túi giấy, túi vải,..
Cả thế giới đang chung tay để bảo vệ môi trường. Giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung không phải là một trào lưu mà cần trở thành ý thức và trách nhiệm của mỗi người. Hãy để ống hút nhựa thực sự “chết” trước khi nó giết chết sự sống của chúng ta.
Lan Phương. (T/h)