Trong bản tóm tắt chính sách về COVID-19 và sức khỏe tâm thần ban hành ngày 14/05/2020, Liên Hợp Quốcđã nêu ra các vấn đề khủng hoảng sức khỏe tâm thần sau đại dịch và nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết phải khẩn trương tăng cường đầu tư vào các dịch vụ cho sức khỏe tâm thần hoặc các trường hợp liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần trong những tháng tới do ảnh hưởng của COVID-19.
Theo tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, tác động của đại dịch đối với sức khỏe tâm thần của mọi người là vô cùng đáng lo ngại. Có nhiều nguyên nhân được cho là dẫn đến tình trạng đó như: phài cách ly xã hội, sợ lây bệnh, mất các thành viên trong gia đình do dịch bệnh cùng với sự khó khăn do mất thu nhập và việc làm.
Trầm cảm và lo lắng đang gia tăng
Các báo cáo đã chỉ ra sự gia tăng các triệu chứng trầm cảm và lo lắng ở một số quốc gia. Một nghiên cứu ở Ethiopia vào tháng 4 năm 2020 đã báo cáo sự gia tăng gấp 3 lần tỷ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm so với ước tính từ Ethiopia trước khi dịch bệnh xảy ra.
Các nhóm dân số cụ thể có nguy cơ bị suy yếu tâm lý liên quan đến COVID bao gồm:
Nhân viên y tế tuyến đầu, những người phải đối mặt với khối lượng công việc nặng, luôn căng thẳng và đứng trước nguy cơ lây nhiễn đặc biệt bị ảnh hưởng. Trong đại dịch, tại Trung Quốc, các nhân viên y tế đã báo cáo tỷ lệ trầm cảm cao (50%), lo lắng (45%) và mất ngủ (34%) và ở Canada, 47% nhân viên y tế đã báo cáo nhu cầu hỗ trợ tâm lý.
Trẻ em và thanh thiếu niên cũng có nguy cơ. Cha mẹ ở Ý và Tây Ban Nha đã báo cáo rằng con cái họ gặp khó khăn trong việc tập trung, cũng như cáu kỉnh, bồn chồn và lo lắng. Các biện pháp cách ly tại nhà đã đi kèm với nguy cơ cao trẻ em chứng kiến hoặc chịu đựng bạo lực và lạm dụng. Trẻ em khuyết tật, trẻ em trong môi trường đông đúc và những người sống và làm việc trên đường phố đặc biệt dễ bị tổn thương.
Ảnh minh họa
Các nhóm khác có nguy cơ cao là phụ nữ, đặc biệt là những người đang vừa học ở nhà, làm việc tại nhà và các công việc gia đình, người già và người có tình trạng sức khỏe tâm thần từ trước. Một nghiên cứu được thực hiện với những người trẻ tuổi có tiền sử về sức khỏe tâm thần sống ở Anh báo cáo rằng 32% trong số họ đồng ý rằng đại dịch đã làm cho sức khỏe tâm thần của họ tồi tệ hơn nhiều.
Tiêu thụ rượu tăng là một vấn đề đáng quan tâm khác của các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Thống kê từ Canada báo cáo rằng 20% trong số 15-49 tuổi đã tăng mức tiêu thụ rượu trong đại dịch.
Dịch vụ sức khỏe tâm thần bị gián đoạn
Sự gia tăng của những người cần chăm sóc sức khỏe tâm thần hoặc hỗ trợ tâm lý xã hội một phần là bởi sự gián đoạn các dịch vụ sức khỏe thể chất và tinh thần ở nhiều quốc gia. Ngoài việc chuyển đổi các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần thành các cơ sở chăm sóc cho những người mắc COVID-19, các hệ thống chăm sóc đã bị ảnh hưởng bởi các nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần bị nhiễm vi-rút và đóng cửa các dịch vụ trực tiếp. Các dịch vụ cộng đồng, chẳng hạn như các nhóm tự trợ giúp đối với tình trạng nghiện rượu và ma túy, ở nhiều quốc gia, đã không thể đáp ứng trong vài tháng.
“Rõ ràng rằng, nhu cầu về sức khỏe tâm thần phải được coi là yếu tố cốt lõi trong hành động và chính sách phục hồi của chúng ta sau đại dịch COVID-19”, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, “Đây là trách nhiệm chung của chính phủ và xã hội. Thất bại trong việc ổn định sức khỏe tâm thần của người dân sẽ dẫn đến ảnh hưởng xấu với kinh tế, chính trị và xã hội về lâu về dài của các quốc gia.”
Tìm cách cung cấp dịch vụ
Nói một cách cụ thể, điều quan trọng là những người gặp vấn đề với sức khỏe tâm thần phải tiếp tục được điều trị. Những thay đổi trong cách tiếp cận để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý xã hội đang có dấu hiệu thành công ở một số quốc gia. Tại Madrid, khi hơn 60% giường dành cho người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần được chuyển thành giường dành để chăm sóc cho những người mắc COVID-19, khi đó, những người có tình trạng nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần đã được chuyển đến các phòng khám tư nhân để đảm bảo sự chăm sóc liên tục khi có thể. Các nhà hoạch định chính sách địa phương xác định, hỗ trợ các vấn đề tâm thần khẩn cấp là một dịch vụ thiết yếu để cho phép nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần tiếp tục các dịch vụ ngoại trú qua điện thoại. Các chuyến thăm đến tận nhà bệnh nhân được tổ chức cho các trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nghiêm trọng nhất. Các nhóm từ Ai Cập, Kenya, Nepal, Malaysia và New Zealand và nhiều quốc gia khác đã báo cáo việc tăng cường khả năng đáp ứng của các đường dây điện thoại khẩn cấp cho vấn đề sức khỏe tâm thần để tiếp cận những người có nhu cầu.
Hỗ trợ cho các hoạt động cộng đồng sẽ giúp tăng cường sự gắn kết xã hội và giảm sự cô đơn, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất, chẳng hạn như người già. Sự hỗ trợ này được yêu cầu từ chính phủ, chính quyền địa phương, khu vực tư nhân và các thành viên của cộng đồng, với các sáng kiến như cung cấp bưu kiện thực phẩm, kiểm tra điện thoại thường xuyên với những người sống một mình và tổ chức các hoạt động trực tuyến để tăng nhận thức và giao tiếp trong xã hội.
Một cơ hội để xây dựng lại tốt hơn
Dévora Kestel, Giám đốc Sở Sức khỏe Tâm thần và Sử dụng Chất gây nghiện của WHO cho biết, việc mở rộng và tổ chức lại các dịch vụ ye tế liên quan đến sức khỏe tâm thần hiện đang là nhu cầu cần thực hiện trên quy mô toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các quốc gia xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp trong tương lai. Điều này có nghĩa là các kế hoạch mang tầm quốc gia cần đảm bảo rằng, bảo hiểm sẽ quan tâm và chi trả cho các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong các gói bảo hiểm y tế cùng với đó là xây dựng nguồn nhân lực phù hợp để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tương ứng trong tương lai.
P.a theo WHO