(ĐHVO). Đại dịch Covid – 19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu, tận dụng cơ hội, đổi mới phương hướng phù hợp với tình hình kinh tế, nhu cầu của thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ, đột phá hơn. Tuy nhiên, tình trạng người lao động thất nghiệp ngày càng gia tăng đặc biệt là người lao động khuyết tật. Điều đó đòi hỏi người lao động là người khuyết tật cần linh hoạt hòa nhập vào nền kinh tế với những ngành nghề, lĩnh vực phù hợp.
Đại dịch Covid ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu (Nguồn ảnh: Internet)
Thương mại điện tử
Trực tiếp cung ứng các mặt hàng trên nền tảng internet đang là xu hướng của thị trường. Việc mua bán hàng hóa ngày càng không mất quá nhiều công sức vận chuyển, đóng gói, thuê mặt bằng quản lý. Trên nền tảng của các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, người khuyết tật có thể bán bất cứ loại mặt hàng nào phù hợp. Với sự phát triển của thương mại điện tử, việc lấy hàng từ nhà cung cấp, giao hàng đến người tiêu dùng thuận lợi, người khuyết tật có thể thực hiện việc mua bán và trao đổi hàng hóa dễ dàng hơn. Về hàng hóa, người khuyết tật có thể sử dụng hàng hóa lợi thế của mình như hàng thủ công mỹ nghệ, tăm tre, sản phẩm may thủ công,… để phát triển việc buôn bán.
Nếu không trực tiếp bán hàng, người khuyết tật có thể đăng ký thực hiện các dịch vụ liên quan đến thương mại điện tử như dịch vụ quảng cáo, dịch vụ hỗ trợ viết bài, dịch vụ đẩy tương tác,…
Công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin được đánh giá là đôi mắt của người khiếm thị, đôi tai của người khiếm thính và đôi chân của người mất khả năng đi lại. Công nghệ thông tin giúp thu hẹp khoảng cách của người khuyết tật với thế giới. Đặc biệt, khả năng của người khuyết tật Việt Nam khi tiếp cận với công nghệ thông tin rất nhanh nhạy. Cùng với đó, các chính sách của Nhà nước khuyến khích người khuyết tật tiếp cận thị trường lao động trên mảng công nghệ thông tin.
Ngành nghề công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại – chủ yếu là kỹ thuật máy tính và viễn thông – nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội. Các ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin như quản trị cơ sở dữ liệu, kỹ sư phần mềm, thiết kế game, quảng trị mạng, chuyên gia bảo mật, thiết kế và phát triển website ,… là những ngành nghề phát triển mạnh, đặc biệt là giữa đại dịch Covid.
Việc người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động được đánh giá là khả thi. Theo các nghiên cứu, người lao động là người khuyết tật có đức tính chăm chỉ và nhiệt huyết cao trong công việc. Người lao động tham gia vào thị trường lao động giúp doanh nghiệp tìm kiếm được những nhân tài gắn bó, làm việc hiệu quả.
Công nghệ thông tin giúp lao động khuyết tật lao động vượt giới hạn một quốc gia, hòa nhập với lao động thế giới.
Ngành hàng sản xuất
Người khuyết tật vận dụng những lợi thế sẵn có để phát triển ngành hàng sản xuất các mặt hàng lợi thế như đồ đan lát, dệt may, thêu, tăm tre, đồ thủ công mỹ nghệ. Các doanh nghiệp sử dụng ưu thế mua bán hàng hóa thông qua việc thương mại điện tử để thúc đẩy ngành sản xuất phát triển để nâng cao đời sống vật chất của người khuyết tật để ứng phó với đại dịch Covid đang diễn biến rất phức tạp.
Covid 19 đang diễn biến rất phức tạp. Hiện chính phủ đang nỗ lực để ngăn chặn đại dịch. Việt Nam được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt. Người lao động khuyết tật dần thay đổi, thích nghi với điều kiện làm việc mới. Các ngành nghề phù hợp với người khuyết tật và cũng đúng với xu hướng của thời đại công nghệ mới, nếu hành động tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật Việt Nam sẽ được cải thiện rõ nét.
Phạm Trang – Hải Chi