Những năm gần đây, thực hiện đổi mới giáo dục, cùng với đổi mới về nội dung giảng dạy, phương pháp truyền tải, một nội dung được các nhà giáo dục cũng như cộng đồng xã hội rất quan tâm ủng hộ, đó là hoạt động trải nghiệm thực tế. Vào một ngày hè nắng như đổ lửa, cùng tham dự một buổi trải nghiệm với các bạn sinh viên Câu lạc bộ “Hạnh phúc trao tay” (CLB) trường Đại học khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên, tôi càng thấm thía thêm về những hoạt động đó.
Như đã hẹn trước, 5 giờ 30 sáng, nhóm sinh viên đã có mặt đầy đủ tại điểm hẹn. Theo chân Ông Phạm Gia Lộc, Chủ tịch Hội Người Khuyết tật Thành phố Thái Nguyên, chỉ sau gần 30 phút di chuyển bằng xe máy, các bạn sinh viên đã có mặt tại nhà bác Trần Thanh Long, ở xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng Thành phố Thái Nguyên tỉnh Thái Nguyên.
Công việc trải nghiệm theo kế hoạch hôm nay là giúp gia đình Bác Long – người khuyết tật nặng cấy lúa. Do có kế hoạch từ trước và tình nguyện tham gia, được sự kết nối của tổ chức Người khuyết tật Thành phố Thái Nguyên nên tất cả các thành viên trong nhóm đều nhanh chóng nhập cuộc.
Nhóm sinh viên đang trải nghiệm ném mạ khay trên thửa ruộng nhà Bác Trần Thanh Long.
Vắn quần cao, bì bõm hơn cây số đường ruộng, các bạn đã có mặt tại thửa ruộng nhà Bác Long. Hôm nay, các bạn sinh viên được trải nghiệm cấy lúa theo hình thức ném mạ khay. Mấy bạn sinh viên nam nhanh chân nhận phần gánh mạ khay về ruộng. Còn các bạn sinh viên nữ thì dàn hàng theo từng đường cấy. Bạn Mua Mí Cáy, dân tộc Mông, quê Hà Giang trò chuyện: Chúng em là sinh viên năm cuối khoa Công tác xã hội của Trường Đại học khoa học. Là thành viên CLB “Hạnh phúc trao tay”, mỗi năm chúng em được tham gia ít nhất từ 2 đến 3 lần trải nghiệm thực tế. Thông qua hoạt động giúp chúng em tích lũy thêm kinh nghiệm khi ra trường, đi công tác, nhất là với sinh viên chuyên ngành Công tác xã hội mà chúng em được đào tạo tại Trường thì không thể thiếu trải nghiệm thực tế.
Nhìn những động tác xem ra có vẻ khá thành thục, tôi gặng hỏi: Em ở nhà có phải làm những công việc này không? Gạt những giọt mồ hôi lã chã trên khuôn mặt tươi trẻ, Mua Mí Cáy hồ hởi: Là con trai thứ hai trong một gia đình thuần nông nên em thường xuyên cùng bố mẹ tham gia công việc ruộng đồng. Em cũng như các bạn nhóm sinh viên trải nghiệm hôm nay rất vui khi được “Bố Lộc” (các bạn sinh viên vẫn gọi Ông Phạm Gia Lộc với cách gọi thân thương như thế) kết nối để chúng em được tham gia chương trình hôm nay. Còn bạn Hoàng Thị Thu Kiều, dân tộc Nùng, quê ở Thái Nguyên, năm thứ nhất khoa Khoa học Quản lý và bạn Lý Thị Liên, dân tộc Dao, quê ở Hòa Bình, năm thứ hai khoa Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành tuy cũng chưa quen lắm với công việc, xong chỉ sau vài phút hướng dẫn đã có thể thao tác nhanh thoăn thoắt.
Nhóm sinh viên chụp ảnh kỷ niệm với Bác Trần Thanh Long tại gia đình.
Đặt gánh mạ khay bên bờ ruộng, Luân Văn Hiếu, chàng trai trẻ dân tộc Nùng, năm thứ nhất lớp Công nghệ kỹ thuật Hóa, nhóm trưởng của nhóm sinh viên trải nghiệm cho biết: Đây là một trong những hoạt động thường xuyên trong kế hoạch hoạt động hàng năm của CLB “Hạnh phúc trao tay”.
Nhóm chúng em hôm nay gồm 10 bạn đều là người dân tộc thiểu số ít người từ các tỉnh miền núi phía Bắc về đây. CLB của chúng em được thành lập hơn 7 năm và duy trì thường xuyên các hoạt động trải nghiệm, vừa là trau dồi kinh nghiệm thực tiễn cho bản thân, cũng là hưởng ứng hoạt động sinh viên tình nguyện theo lời Bác Hồ dạy: Đâu cần, thanh niên có; đâu khó, có thanh niên.
Với các hình thức hoạt động đa dạng, phong phú như: Giúp đỡ gia đình người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách; phối hợp tổ chức tết thiếu nhi, tết vì người nghèo cho đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; tham gia trồng cây gây rừng… Mùa hè xanh năm nay, với trên 70 thành viên, CLB “Hạnh phúc trao tay” của chúng em chia thành nhiều nhóm nhỏ, với hiểu biết của mình đã và đang kết nối thêm nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị cả trong và ngoài tỉnh.
Sau hơn 4 giờ đồng hồ, cả nhóm đã cấy xong gần 6 sào lúa, thu dọn dụng cụ lao động gọn gàng, quây quần bên gia đình Bác Long với những gương mặt đỏ gay vì nắng nóng nhưng không thể giấu được niềm vui khi vừa được tham gia một công việc đầy ý nghĩa. Bác Trần Thanh Long xúc động: Hơn 10 năm nay, sau một tai nạn lao động nặng, sức khỏe của tôi đã bị hủy hoại tới 85%, không còn khả năng lao động. Kể từ đó đến nay, hầu như năm nào cũng được Hội Người khuyết tật Thành phố Thái Nguyên quan tâm, kết nối để được cộng đồng giúp đỡ những công việc nặng nhọc, có những đợt lên tới trên 20 người.
Tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của Hội người khuyết tật Thành phố, của Bác Lộc cũng như tình cảm của các cháu sinh viên dành cho tôi cũng như gia đình. Và tôi cũng mong muốn những hoạt động này được lan tỏa rộng hơn, động viên, an ủi giúp đỡ những người khuyết tật nặng như tôi hay những gia đình gặp khó khăn vơi bớt đi nhọc nhằn trong cuộc sống, vượt lên số phận để phấn đấu vươn lên.
Trên cơ sở những kiến thức thầy cô dạy bảo trong nhà trường, cùng với những kinh nghiệm tích lũy được trong cuộc sống, lại có thêm những bài học trong “trường đời” sau mỗi buổi trải nghiệm sẽ là hành trang giúp các bạn sinh viên thêm vững tin bước vào sự nghiệp.
Đỗ Thị Thìn